Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Thiếu vốn, thừa nghèo

Thiếu vốn, thừa nghèo

Đồng bằng sông Cửu Long:


Thiếu vốn, thừa nghèo


SGTT.VN - Tại hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” mới đây, ông Nguyễn Văn Diệp, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đánh giá: “Thua lỗ dẫn tới hoạt động cầm chừng trong thời gian dài đã khiến nhiều doanh nghiệp ăn vào vốn tự có”. Theo ông Diệp, chín tháng đầu năm 2013, tỉnh Vĩnh Long có 53 doanh nghiệp giải thể, chưa kể số doanh nghiệp tự giải thể, ngưng hoạt động, nhưng không thông báo. Trong khi đó, doanh số cho vay đối với doanh nghiệp cùng thời điểm chỉ đạt khoảng 11.032 tỉ đồng, chiếm 58% tổng doanh số cho vay toàn địa bàn.










Thiếu vốn, thiên tai, lỗ lã, nghèo… vòng lẩn quẫn của nông dân ĐBSCL.



TS Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết: “Tỷ trọng dư nợ tín dụng của ĐBSCL chỉ khoảng 9 – 10% trong nhiều năm, nếu so với tổng tín dụng của cả nước là quá thấp”. Riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ĐBSCL đóng góp khoảng 42%, thì dư nợ tín dụng cho vùng này chỉ chiếm 27% so cả nước. Theo ông Dũng, dư nợ tín dụng bình quân đầu người ở ĐBSCL chỉ bằng 50% cả nước. Trong khi đó, tổng hợp nghiên cứu đánh giá của PGS.TS Lý Hoàng Ánh, hiệu trưởng trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho thấy, xét về tỷ lệ nghèo đói đa chiều (giáo dục, nhà ở, y tế, việc làm…), ĐBSCL là vùng có tỷ lệ nghèo đói xếp thứ nhì cả nước, sau Tây Bắc.


Ông Ngô Ngọc Tuấn, phó giám đốc ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh Vĩnh Long, chia sẻ: “Có hơn 20,9% hộ nghèo phải vay vốn từ nguồn phi chính thức – vay nặng lãi, lãi suất bình quân cao gấp sáu lần so với nguồn chính thức – tín dụng ngân hàng”. Theo ông Trần Xuân Châu, vụ Tín dụng ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 8.2013, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt 301.652 tỉ đồng, tăng gần 9,71% so cuối năm 2012. Tuy nhiên, trong khi người sản xuất rất cần vốn vay trung và dài hạn, thì dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70% tổng dư nợ. Nợ xấu cùng thời điểm cũng tới mức 3,38%. Riêng lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn cùng thời gian này đạt mức dư nợ 122.531 tỉ đồng, tăng 10,29% so cuối năm 2012 và chiếm tỷ trọng 17,37% tổng dư nợ toàn quốc, trong đó nợ xấu chiếm 2,47%.


Ngoài yếu tố vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng 77% vốn đầu tư cho vay, “hiệu quả sử dụng vốn ở ĐBSCL chưa cao, nợ xấu có xu hướng tăng do nông sản cứ được mùa mất giá, hoặc ngược lại”, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú phân tích. Tuy nhiên, theo ông Tú, phải tạo điều kiện tốt nhất để đáp ứng nhu cầu vốn tại khu vực này. Thực tế, khi hầu hết các hoạt động sản xuất đều kêu thiếu vốn, thì các ngân hàng cũng tranh thủ từng khách hàng có nhu cầu vay vốn.


TS Lê Thẩm Dương, đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết yêu cầu tăng vốn cho sản xuất là chính đáng, nhưng cần xem xét tính khả thi trong sử dụng vốn của các mô hình, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nguyên lý đòn bẩy được ông Dương vận dụng để phân tích điều mình nói, khi kéo dài cánh tay đòn (tăng nguồn vốn tín dụng) mà điểm tựa (mô hình sản xuất) không vững cũng khó đạt mục tiêu. Theo ông Dương, trong khi sản xuất đang bị động, thiếu sức cạnh tranh… nên phát triển bằng được nội lực của người sản xuất bằng các biện pháp: khuyến nông, tổ chức sản xuất theo quy hoạch chuyên canh, xúc tiến thương mại… “Nếu chỉ kéo dài tay đòn mà không củng cố điểm tựa thì đòn bẩy sẽ trở thành đòn đánh”, TS Dương cảnh báo.


bài và ảnh: Ngọc Tùng






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ