Đọc sách
Cười để đi nốt con đường văn chương lẫn cuộc đời
SGTT.VN - Sống trăm tuổi có lẽ là mong ước của đa số nhân loại từ Đông sang Tây, nhưng “trèo qua cửa sổ và biến mất” ngay ngày thượng thọ có cả thị trưởng đến chúc mừng không hẳn là một giấc mơ phổ biến. Chừng như cụ Alan – nhân vật chính trong Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất (*) – rất đồng tình với Khổng Tử: Từ bảy mươi tuổi trở đi muốn làm gì thì cứ “tuỳ tâm sở dục”!
Alan là người vốn luôn dễ tính trong suốt cuộc đời của mình. Không tôn giáo, phi chính trị, không (thể) cả dục tình, tất cả những gì cụ quan tâm là có đồ ăn, chỗ ngủ, một việc để làm và kha khá rượu vodka. Tiêu chuẩn giản dị là thế, mà đến cuối đời cụ vẫn không được hài lòng: phải tuân theo lịch sinh hoạt “lành mạnh đến kinh khủng” của nhà dưỡng lão, phải đối phó với bà xơ quản lý có giác quan thứ sáu luôn moi ra được chai vodka giấu trộm, và khổ hơn nữa là mỗi sáng cứ phải ăn món cháo chán ngắt. Mà tất cả chỉ vì cụ chẳng may làm nổ tung căn nhà mình lên khi đặt bom trả thù một con cáo ranh cứ mò đến làm phiền cụ!
Thế là cụ bỏ đi.
Tất nhiên chính quyền sở tại lẫn báo chí nháo nhác tìm kiếm. Nhưng với một người đã sống qua một thế kỷ, lại còn “cầm nhầm” một vali đầy ắp tiền từ băng tội phạm, thì chẳng dễ gì tìm được. Song song với chuyến du hành ly kỳ hiện tại, quá khứ phi thường của cụ cũng được lần giở: những chuyến phiêu lưu suốt hai cuộc chiến tranh thế giới từ Tây sang Đông, từ phe tả đến phe hữu, từ anh thợ làm chất nổ quê mùa đến chuyên gia chế tạo bom nguyên tử, và kết thúc có hậu với hạnh phúc thể xác đến lần đầu tiên năm… 101 tuổi. Nghe có màu sắc của con người hoan lạc (Alexis Zorba – con người hoan lạc, Nikos Kazantzaki), chỉ khác là Alan không chủ ý “tầm hoan”, ông chỉ đơn giản đi qua thế kỷ một cách vô tư lự và trải nghiệm mọi thứ với tinh thần “cái gì đến sẽ đến”.
Đây là một tiểu thuyết hư cấu 100%, nơi ta có thể bắt gặp cả Harry Truman, Stalin, bom nguyên tử, kế hoạch Star Wars cho đến Giang Thanh, Tống Mỹ Linh! Nói như Yan Martel (tác giả Cuộc đời của Pi), Jonas Jonasson đã trộn kha khá chất men tưởng tượng vào cái “thực tế khô cứng không men nở”. Chừng như không gì thoát khỏi tầm giễu nhại của ngòi viết ông, mà trên hết là sự đa dạng và phù phiếm đến kỳ lạ của bản chất con người. Xen giữa bông đùa là những câu khiến người ta phải ngẫm nghĩ: “Từ thế kỷ 17, người ta đã sản xuất những khẩu pháo cho những ai muốn tàn sát hiệu quả hơn trong cuộc chiến tranh 30 năm. Cụ Alan nghĩ những người ở thế kỷ 17 cần gì phải giết nhau, cứ sống dễ dàng hơn thì đằng nào cuối cùng họ cũng chết hết… mà cũng có thể nói tương tự thế về tất cả các kỷ nguyên”; “thật không thể hiểu vì sao tất cả mọi thứ, sau một thời gian, đều trở thành chính cái mà nó đã từng chống đối”… Và tất cả hoà trộn tạo thành cuốn tiểu thuyết “hoàn toàn điên rồ, cực kỳ hài hước” như tờ Aftonbladet (Thuỵ Điển) nhận xét.
Nhà văn, nhà báo Thuỵ Điển Jonas Jonasson. |
Jonas viết tiểu thuyết này khi ông đã qua tuổi 50 và nếm trải hầu như mọi thăng trầm trong sự nghiệp lẫn đời riêng (ông từng thành công rồi bị suy sụp tinh thần lẫn sức khoẻ, đổi việc, chuyển sang sống ở quốc gia khác, ly dị và giữ quyền nuôi con trai, rồi bắt đầu viết sách). Tác phẩm tiếp theo của ông cũng là một tiểu thuyết hài hước. Chừng như ông quyết định chọn cái cười để đi nốt con đường văn chương lẫn cuộc đời. Khi được hỏi có định “trèo qua cửa sổ” khi trăm tuổi như nhân vật của mình không, ông bình thản đáp: “Có thể đối với tôi, trèo cửa sổ chính là cuộc sống hiện giờ, với con trai và chú mèo, thêm một chuồng gà… Nhưng tôi nghĩ ai cũng nên thật lòng cân nhắc chuyện trèo qua cửa sổ của mình. Quan điểm của tôi là ta chỉ sống có một lần, không chắc có thật thế không, nhưng tôi tin vậy. Nếu ai đó từng tự hỏi “Liệu tôi có nên…”, thì câu trả lời là “Có, làm đi”, vì làm sao biết câu trả lời nếu ta không thử?”
Vương Mộc
(*) Jonas Jonasson, Phạm Hải Anh dịch, NXB Trẻ 9.2013.
Có vẻ số phận những tác phẩm mới (dù hay) đều khởi đầu lận đận như nhau.... Cũng như series Harry Potter ngày trước, Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất đã bị rất nhiều nhà xuất bản lớn tại Anh và Mỹ từ chối, dù sau này tác phẩm gặt hái nhiều giải thưởng, trở thành hiện tượng văn học Thuỵ Điển và được dịch qua 35 thứ tiếng. Ban thẩm định của các “ông lớn” trong ngành xuất bản tại Anh hẳn phải “ngậm đắng” khi cuối cùng quyền xuất bản cuốn này lại được mua bởi Hesperus Press, nhà xuất bản non trẻ đặt tại London với vỏn vẹn... năm nhân viên (theo The Guardian). |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét