Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Điều huyền diệu đến với chị Diệu Huyền

Điều huyền diệu đến với chị Diệu Huyền

Trời kêu không dạ


Điều huyền diệu đến với chị Diệu Huyền


SGTT.VN - Trong khi cả nước thỉnh thoảng nơi này nơi kia xảy ra những ca thuyên tắc ối (TTO) trong sanh nở, dẫn đến tử vong mẹ (thậm chí mẹ và con), thì tuần qua bệnh viện đa khoa Đồng Nai lại cứu chữa thành công một ca TTO, cứu sống cả hai mẹ con. Cứ ngỡ như chuyện cổ tích vì tỷ lệ tử vong TTO ở bệnh viện tuyến tỉnh có thể lên đến hơn 95%!










Chị Huyền tiếp tục được y bác sĩ bệnh viện đa khoa Đồng Nai tích cực chữa trị. Ảnh: TN



Ngày 29.11, đọc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án ca TTO do bệnh viện đa khoa Đồng Nai cung cấp, giới truyền thông không khỏi thán phục tập thể y bác sĩ ở đây.


Thách thức quá lớn


Như bao người mẹ khác, chị Đỗ Thị Diệu Huyền, 33 tuổi, hiệu trưởng một trường mầm non tại Long Khánh, đặt ra bao nhiêu ước mơ cho đứa con đầu lòng. Đi khám thai, bác sĩ dự báo đó là một thai kỳ bình thường, vì chị không có bất kỳ tiền căn bệnh lý nào đặc biệt.


19 giờ 30 phút ngày 16.11, chị nhập viện bệnh viện đa khoa Đồng Nai chờ sanh, bác sĩ tiên lượng chị sẽ sanh thường. Ba tiếng sau, cơn gò tử cung nhiều hơn, cuộc chuyển dạ bắt đầu. Do ngôi thai cao, bác sĩ tiến hành bấm ối để ngôi thai áp vào cổ tử cung nhanh hơn. Thế nhưng, chỉ 10 phút sau, chị Huyền bắt đầu khó thở, tím tái, nhịp thở nhanh (40 lần/phút), co giật, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Cùng lúc này, tim thai từ 140 lần/phút giảm xuống còn 40 – 60 lần/phút và không đều.


Ngay lập tức, bệnh viện huy động toàn bộ kíp trực, bốn bác sĩ sản, bác sĩ gây mê, bác sĩ hồi sức tích cực và mời lãnh đạo tham gia hội chẩn. Quyết định đưa ra là bằng mọi giá phải cứu mẹ. Vừa xử trí cấp cứu cho chị Huyền, bác sĩ tiến hành mổ lấy thai và cắt bỏ tử cung để cầm máu. Trên bàn mổ, sản phụ nhiều lần bị ngưng tim, ngưng thở. Bệnh viện phải truyền tổng cộng 18 đơn vị máu cho bệnh nhân.


Bước cấp cứu ban đầu khá ổn nhưng dù cứu được con (bé gái 3,4kg) mẹ lại mê man, rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu nặng và có dấu hiệu nhiễm trùng. Những ngày tiếp theo thật sự là giai đoạn tất bật và căng thẳng với tập thể y bác sĩ bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Qua hội chẩn với bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), mọi người thống nhất đây là một ca TTO. Nỗi ám ảnh về hàng loạt ca tử vong TTO tại Việt Nam trước đây bắt đầu xuất hiện. Một thách thức quá lớn cho người thầy thuốc, nhưng họ muốn làm hết trách nhiệm và cũng để khẳng định sự phát triển về chuyên môn của bệnh viện.


Dàn hợp xướng không lỗi


Tại buổi họp báo thông tin việc điều trị thành công ca TTO cuối tuần qua, TS.BS Phan Huy Anh Vũ, giám đốc bệnh viện đa khoa Đồng Nai, giải thích: “TTO xảy ra khi hội đủ ba điều kiện: ối vỡ, có sự thông nhau giữa tĩnh mạch tử cung với dòng nước ối, và áp lực trong buồng tử cung cao. Khi đó, tế bào ối sẽ chạy vào tĩnh mạch phổi, khiến bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở, đe doạ tính mạng mẹ và con”.


Tại Việt Nam, cho đến nay chưa có bất kỳ khảo sát nào về tỷ lệ tử vong do TTO, nhưng theo tài liệu y khoa Up to Date 2013, tỷ lệ tử vong sản phụ bị TTO dao động từ 10 – 90%. Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện, không giấu giếm: “Ở nước ngoài, sản phụ vào sanh được theo dõi bởi nhiều thiết bị tiên tiến, nên khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào họ đều được phát hiện và xử trí kịp thời, vì thế tỷ lệ tử vong sẽ rất thấp. Với điều kiện một bệnh viện tỉnh như chúng tôi, trang thiết bị thiếu thốn, cơ sở chật chội, tôi nghĩ tỷ lệ tử vong có thể lên đến trên 95%!”


Chỉ có cơ may nhỏ nhoi cứu sống sản phụ bị TTO, nhưng tập thể y bác sĩ bệnh viện đa khoa Đồng Nai lại làm được điều này. Bảy ngày sau mổ, bệnh nhân đã cai máy thở và tự thở qua khí quản mở. Cũng thời gian này, bệnh viện tích cực tập vật lý trị liệu để tri giác bệnh nhân mau cải thiện. Giữa tuần qua, chị Huyền đã tự mở mắt, biết đau khi bị kích thích và mọi sinh hiệu đều trở về bình thường.


BS Anh Vũ nhận định: “Trường hợp chị Huyền được xem là may mắn, nhưng may mắn này chỉ có được khi các thầy thuốc làm việc với tinh thần không chấp nhận bỏ cuộc. Thành công này như một bản nhạc hay được cất lên bởi một dàn hợp xướng nhịp nhàng, không có bất kỳ lỗi nào.


Bởi chỉ cần bất kỳ trục trặc nào, từ khâu phẫu thuật, gây mê hồi sức đến tích cực chống độc, là hậu quả nặng nề nhất có thể xảy đến”.


Chờ về với gia đình


Có mặt tại khoa hồi sức hậu phẫu bệnh viện đa khoa Đồng Nai ngày 29.11, chúng tôi gặp bà Lê Thị Ly, 70 tuổi, mẹ chị Diệu Huyền. Bà nói: “Hôm đó ở nhà, nghe tin báo con mình nguy kịch, cơ thể tím rịm, tôi đứng không nổi! Tôi nghĩ kỳ này mất con thật rồi, nào ngờ khi vào đến nơi bác sĩ nói con tôi đã qua nguy kịch, tôi mừng khôn tả. Tuy nhiên, bác sĩ cũng dặn gia đình chuẩn bị tâm lý vì không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Sáng hôm sau, bác sĩ hỏi tôi muốn chuyển con lên Sài Gòn chữa không, tôi nói: “Dù thế nào tôi cũng không đưa con đi, tôi nhất định để lại đây vì tôi tin bác sĩ”.


Niềm tin của người mẹ đã được đền đáp, sức khoẻ chị Huyền tiến triển khá tốt, chỉ còn trông vào tập vật lý trị liệu để mau chóng phục hồi tri giác. Hạnh phúc của bà Ly còn được nhân đôi, vì có thêm đứa cháu ngoại khoẻ mạnh. Bà nói: “Bác sĩ nói nếu không mổ lấy con kịp, chỉ vài phút là mất em bé. Giờ đây bé rất khoẻ và ăn ngủ ngoan. Bé mới được bác sĩ khám lại, bác sĩ nói mọi thứ đều tốt”.


Phan Sơn









Mong manh thành công và thất bại


Ngày 13.2.1818, bác sĩ sản khoa người Anh Sir Richard Croft đã dùng súng bắn vào đầu vì để công chúa Charlotte xứ Wales tử vong sau sanh. Sự chỉ trích mạnh mẽ của công luận và nỗi ray rứt của người thầy thuốc không hoàn thành nhiệm vụ khiến ông chọn giải pháp tự tử. Mãi đến những năm 1970, y học mới minh oan cho ông vì nhiều bằng chứng cho thấy công chúa Charlotte chết vì... TTO!


TS.BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong sản khoa có những tai biến không thể phòng ngừa, như TTO. Ông tâm sự: “Uy tín của bệnh viện chúng tôi nằm ở khoa sản. Chỉ cần một sơ suất của khoa là mọi nỗ lực phấn đấu của toàn bệnh viện sẽ đổ sông đổ biển. Thử đặt ngược vấn đề, nếu chị Huyền và con có bề gì, báo chí sẽ lại viết “Thêm một trường hợp tử vong mẹ, con vì TTO”! Mong người dân thông cảm với công việc của chúng tôi. Người thầy thuốc luôn làm hết sức mình vì bệnh nhân, nhưng nếu có chuyện gì đáng tiếc thì xin hiểu rằng y khoa là bất định mà khả năng con người có giới hạn”.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ