Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Hoạt động ngành sản xuất “ổn định mong manh”

Hoạt động ngành sản xuất “ổn định mong manh”

Hoạt động ngành sản xuất “ổn định mong manh”


SGTT.VN - Hôm qua (3.12), khối nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 12.2013. Báo cáo cho rằng, nền kinh tế đang dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, nếu không có những tiến bộ đáng kể để giải quyết những vướng mắc đối với cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có nhiều nguy cơ chỉ có thể dịch chuyển ngang trong nhiều năm.


Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 của HSBC – một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất – cho thấy nền kinh tế vẫn đang hoạt động dưới mức tiềm năng.


Nhiều chuyển biến tích cực


Chỉ số PMI tháng 11 vẽ nên một bức tranh về sự ổn định mong manh. Hoạt động kinh tế được mở rộng so với tháng trước ở mức 50,3 điểm nhờ vào việc làm và sản lượng mạnh mẽ hơn. Hoạt động sản xuất tăng nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu cao của tháng trước. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới giảm do nhu cầu xuất khẩu mới giảm cho thấy nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đơn đặt hàng mới yếu hơn so với hàng tồn kho, sản lượng có thể sẽ giảm trong tháng 12.










Sự tồn tại của các doanh nghiệp điện tử nước ngoài là cơ hội cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam để hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong ảnh là nhà máy Nokia tại Bắc Ninh. Ảnh: Chí Hiếu



Một điểm sáng trong chỉ số PMI là chỉ số phụ nhân công việc làm tăng cao hơn từ mức 51,5 điểm trong tháng 10 lên đến 51,8 điểm trong tháng 11. Dòng vốn FDI tăng cao (lượng vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 10,5 tỉ USD, trong khi vốn đăng ký là 13,8 tỉ USD) đã thúc đẩy nhu cầu đối với các lao động bán chuyên nghiệp mạnh hơn và hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu. Thâm hụt thương mại đã giảm xuống còn 95 triệu USD trong tháng 11. Khả năng năm 2013 sẽ khép lại với mức thặng dư thương mại nhỏ. Với dòng tiền được chuyển từ nước ngoài vào đang tăng, tài khoản vãng lai cũng sẽ trong tình trạng thặng dư hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng. Lạm phát tháng 11 có xu hướng giảm xuống 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào chi phí vận chuyển thấp hơn...


Đó là những dấu hiệu tích cực của sự ổn định vĩ mô. Nhưng điều này sẽ không làm tăng đáng kể năng suất lao động trong nước. Nguy cơ tình hình kinh tế đình trệ khá cao nếu không thể đạt được những tiến bộ hơn nữa, nhằm giúp đầu tư công hiệu quả hơn.


Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?


Sự tồn tại của các doanh nghiệp điện tử nước ngoài như Samsung và Canon là cơ hội cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam để hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những nghiên cứu gần đây nhất của JETRO cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đã gặp khó khăn lớn nhất trong việc thu mua các nguyên liệu từ Việt Nam trong khu vực châu Á (chỉ đánh giá Việt Nam cao hơn Lào và Bangladesh). Đây một vấn đề thường thấy đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.


Các doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhưng họ thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân. Vì các doanh nghiệp tư nhân trong nước nhanh nhẹn hơn và hiệu quả hơn trong hoạt động của mình, họ cần nhiều hoạt động hỗ trợ để kích thích tăng trưởng. Nếu không làm vậy, nhu cầu cho lao động bán chuyên của Việt Nam sẽ bị giới hạn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, những đơn vị có thể sẽ rời bỏ Việt Nam một khi lao động ở đây không còn mang tính cạnh tranh nữa.


Mặc dù lĩnh vực nhà nước chiếm 1/3 nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp tư nhân trong nước lại sử dụng 86% lực lượng lao động. Nhà nước đã thực hiện một số cải cách tích cực, tuy nhiên vẫn còn rất cần những cải tiến về chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống năng lượng và giao thông vận tải, chuỗi cung ứng để tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, chất lượng sản xuất nông nghiệp và thị trường tài chính.


Lợi thế lao động là tạm thời


Hiện tại, một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam phải đối mặt là những vướng mắc về việc cung cấp lao động trình độ cao. Việt Nam có thể gia tăng hiệu quả lao động bằng cách cải thiện chất lượng lao động. Điều này đòi hỏi một hệ thống giáo dục cao cấp hơn để đáp ứng với những nhu cầu đang thay đổi của nền kinh tế. Trong khi Việt Nam đang dành một ngân sách khá lớn cho giáo dục (6,6% GDP cho giáo dục công), chất lượng giáo dục chỉ đứng ở hàng thấp nhất trong khu vực. Trong 273.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường mỗi năm (Thái Lan 534.000 sinh viên và Indonesia 811.000 sinh viên), đa số các bạn trẻ đều không làm những công việc liên quan đến ngành đào tạo cũng như chưa có những kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.


Việt Nam vẫn còn thu hút một lượng vốn FDI cao vì lực lượng lao động siêng năng cần cù và mức lương nhân công tương đối rẻ. Tuy nhiên lợi thế này chỉ mang tính tạm thời khi dân số Việt Nam đến tuổi trưởng thành trong ba thập niên tới.


Trong thời kỳ tăng trưởng chậm chạp này, Chính phủ nên xem xét lại các vấn đề cơ bản như chất lượng lao động, hiệu quả của các doanh nghiệp và những vướng mắc về mặt cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những khu vực đô thị.


T.T (ghi)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ