Lê Yến, TGĐ công ty Vina Media
Tri ân từng phút giây quá khứ và hiện tại
SGTT.VN - Là một trong những CEO năng động và bản lĩnh của ngành du lịch, hội nhập từ rất sớm với môi trường, cách làm, cách nghĩ toàn cầu, để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Nostalgie Club của chị là một điểm đến quyến rũ và nên thơ, ẩn chứa trong nó câu chuyện đẹp về lịch sử một gia tộc đã gắn liền với Sài Gòn – nhà chú Hoả. Đằng sau mỗi cánh cửa, chiếc máy chữ cổ xưa, chiếc áo len đang đan dở… là ký ức đẹp về gia đình của chính chị, người gìn giữ và tạo hồn cho mỗi góc nhỏ của ngôi nhà cổ.
Phong cách Art déco thể hiện rất rõ ở quy mô công trình và những chi tiết kiến trúc. Lối vào được nhấn mạnh với tiền sảnh cao, có cầu thang đá rất đẹp từ hai phía. | |||
Thiết kế, kiến trúc và lịch sử của ngôi nhà hẳn đã tạo cảm xúc rất mạnh cho chính chị, để chị quyết định chọn nơi đây gầy dựng nên Nostalgie Club?
Nằm sát cạnh bảo tàng Mỹ thuật, phần dinh thự trên đường Nguyễn Thái Bình (số 54, Nguyễn Thái Bình, quận 1) vốn là ngôi nhà chú Hoả giao cho người con trai trưởng quản lý. Chỉ cách chợ Bến Thành vài bước chân, nhưng nơi đây dường như tách khỏi mọi náo động thường ngày, đưa chúng ta trở về với không khí êm đềm và tĩnh lặng của một Sài Gòn xưa. Lần đầu tiên bước chân vào đây, dù lúc ấy mọi thứ đều bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn xúc động lạ thường. Ngay trên cổng vào bằng hoa sắt cách điệu chữ viết tắt tên chủ nhân H.B.H (Hui Bon Hoa). Hoàn thiện năm 1925, công trình được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp, nhưng đã kết hợp hài hoà những giá trị mỹ thuật Âu – Á đương thời. Phong cách Art déco thể hiện rất rõ ở quy mô công trình và những chi tiết kiến trúc. Lối vào được nhấn mạnh với tiền sảnh cao, có cầu thang đá rất đẹp từ hai phía. Vào những năm 1920 Sài Gòn, việc lắp đặt và sử dụng thang máy là cực kỳ mới lạ và xa xỉ. Điều thú vị là buồng thang máy lại được làm bằng gỗ, được trang trí và chạm trổ như một chiếc kiệu cổ của Trung Quốc, và hoàn toàn lộ ra, phô bày như một thứ đồ nội thất để trang trí. Toàn bộ nền sàn toà nhà được lát bằng gạch bông với nhiều kiểu hoa văn đa dạng, phong phú; mỗi khu vực, mỗi tầng một kiểu khác nhau; riêng cầu thang lát đá cẩm thạch có vân rất đẹp. Các ô cửa kính phía ngoài và cửa sổ cầu thang được lắp kính màu có hoa văn đậm chất châu Âu.
Bước vô không gian thoáng đãng mát lạnh bám đầy bụi thời gian, với những ô cửa sổ cao, kiến trúc trần cao như mở rộng ra với không gian bên ngoài đầy cây xanh, tôi cảm giác như có một ân phúc nào đó để được sống và làm điều mình đam mê chính nơi đây. Ma lực mãnh liệt giống như một giấc mơ đã thôi thúc tôi sửa sang, dọn dẹp, sắp xếp lại. Giống như niềm hạnh phúc quý báu được lau sạch lớp bụi phủ của thời gian, để cái đẹp được hồi sinh.
Khi biết thêm về lịch sử của ngôi nhà chú Hoả, một người xuất thân từ gia đình nghèo khó làm nghề bán ve chai đã tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp cho Sài Gòn cách đây cả trăm năm, tôi càng cảm thấy mình phải có nghĩa vụ tôn tạo nó lên.
Chị đã tận dụng từng góc nhỏ của ngôi nhà như thế nào để tạo nên phong cách rất riêng cho Nostalgie Club?
Nostalgie có nghĩa là hoài cổ, hoài niệm. Nhớ về chốn xưa của riêng mình là cảm xúc mà Nostalgie muốn mang lại.
Nostalgie cũng là tên một bài hát xưa mà tôi yêu thích. Lịch sử của ngôi nhà cùng những truyền thuyết kỳ bí được lan truyền về những con người đã tạo dựng ra nó đã khiến cho mọi thứ lung linh, như một nơi lưu giữ vẻ đẹp ký ức, những kỷ niệm đẹp. Kiến trúc của ngôi nhà được phân chia rất hợp lý, tôi không muốn trưng bày gì nhiều, chỉ “cộng thêm” vào đó một chút vật dụng, hình ảnh xưa, để gợi về một cuộc sống gia đình vẫn đang tiếp diễn, đang sống, đang thở. Bên kia là chiếc máy may với tấm vải lụa còn may dở dang gợi nhớ hình ảnh người chị cả, hình ảnh mẹ đang ngồi bên cửa sổ đan chiếc khăn len mùa đông cho các con. Chiếc đèn dầu in hình người cha đang cặm cụi gõ bàn phím trên chiếc máy cũ kỹ, giữa nhà, trên chiếc trường kỷ, những đứa con đang ngồi học bài… Đó là hình ảnh không chỉ của gia đình tôi, của mẹ tôi, của chị tôi, mà là ký ức của bao người. Những ký ức yêu thương, gợi về mái ấm. Nó khiến người ta cảm động.
Tôi cũng không trang trí những gì sang trọng, chỉ là những vật dụng hàng ngày bình thường của một gia đình bình thường. Bộ trường kỷ, bình trà, ấm tích… gợi lên một mái nhà, những kỷ niệm tuổi thơ một thời khó khăn gian khổ. Giữ nguyên nền gạch hoa cũ, những cuốn sách cũ, chiếc áo cũ… có một mùi riêng của nó, bàn ghế cũng thưa thớt, tạo cảm giác nhẹ nhàng thư thái cho thực khách. Tôi thích vẻ đẹp nhẹ nhàng, giản dị, để người ta có thể lại gần, có thể chạm vào.
Chỗ nào của ngôi nhà mà chị yêu thích nhất?
Bất cứ chỗ nào có thể nhìn qua khung cửa sổ tôi đều thích, vì nó nhìn ra không gian tươi xanh. Cây bồ đề rợp bóng, bụi tre hàng trăm tuổi đã gắn bó với ngôi nhà, mùi hoa lan lan toả… nằm ngay trung tâm thành phố, nhưng Nostalgie như tách khỏi thực tại chính là nhờ cây cỏ, ánh sáng chiếu qua những bụi tre, những chiếc lá bồ đề.
Ngôi nhà thời ấu thơ của chị có gần gũi với hình ảnh nơi đây?
Bước vào đây tôi thấy thân thiết liền, vì ngày xưa đã từng sống trong một biệt thự Pháp ở đường Bùi Thị Xuân. Điểm tôi thích nhất ở những biệt thự Pháp là vẫn có sự riêng tư dù ở ngay trung tâm bởi có nhiều khoảng không gian để thở, để sống, để tĩnh lặng. Cũng khoảng sân rộng phóng khoáng, sảnh vào hình chữ U, vòm trần rất đẹp và những cửa sổ lá sách nhìn ra những hàng cây cổ thụ. Tuổi mộng mơ của tôi đã trôi qua bên chiếc cửa sổ rợp màu xanh. Tôi nhớ nhất những cơn mưa mùa hạ, thả hồn vào những giấc mơ theo những giọt mưa rơi trên mái vòm và những chiếc lá chao đảo. Bất kỳ góc nào của ngôi nhà cũng rất riêng tư, không ai cấm cản được suy tư của mình, tâm hồn được thoát ra, không bị gò bó bởi bốn bức tường. Mái nhà và tường màu vàng ấm như chở che cho mình trong giông bão, cảm thấy rất vững tâm, thoải mái.
Chính từ ngôi nhà đó, ba mẹ đã dạy chị em tôi biết cầm kỳ thi hoạ, nấu ăn, vui đùa bên nhau. Tôi nhớ mãi những buổi tối cúp điện nồng ấm trong phòng khách, gia đình tổ chức thi văn nghệ. Dưới ánh đèn dầu, bốn chị em tôi thi nhau đàn hát dưới sự tán thưởng của cha mẹ. Dù cúp điện nhưng không ai thấy bức bối vì nhà rất mát, tiếng hát rất vang, hay có thể vì mình quá hạnh phúc. Chính vì những kỷ niệm không bao giờ quên ấy, với Nostalgie, tôi muốn tạo lại không khí gia đình, tạo sự lãng mạn. Ba tôi có phòng rửa ảnh, phòng hội hoạ riêng, phòng khách rất rộng có đàn piano…
Chị đã học được từ ba mẹ điều gì để tạo nên bản lĩnh sống cho riêng mình?
Mẹ đã dạy tôi điều quý giá nhất, đó là chữ nhẫn. “Một sự nhịn, chín sự lành”. Mỗi lần vào bếp, mẹ đều căn dặn: “Con gái làm đâu gọn đó, không được bày ra”. Mới đầu cũng khó chịu lắm, sau này thành thói quen, mới thấy tuyệt vời. Sự siêng năng, cần cù, gọn gàng, chiều chồng thương con của mẹ là tấm gương cho chúng tôi. Ba tôi lại là người sáng tạo, phát minh ra những sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến xã hội và rất lãng mạn. Dù thời kỳ đó còn mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, nhưng ba vẫn dành thời gian vẽ tranh, sưu tầm đồ cổ, cho con học đàn, học nhạc. Cuộc sống dù khó khăn bao nhiêu vẫn cần có chất thơ, ba dạy chúng tôi viết nhật ký hàng ngày, và dẫn đi săn bắn nữa.
Khi đất nước đổi mới, gia đình tôi lên đến đỉnh của thành công với việc tư nhân hoá, thì những biến động của thời cuộc, của tiền tệ đã đưa gia đình vào một giai đoạn khó khăn cực khổ. Mất tất cả tài sản, biệt thự cổ phải bán đi. Dù đau đớn tột cùng nhưng tôi cảm ơn ba mẹ đã cho chúng tôi trí tuệ, sức khoẻ, nghị lực, tình yêu với gia đình và tình yêu cái đẹp… để chị em tôi biết nương tựa vào nhau vượt qua gian khó. Tất cả đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Chị em tôi đến giờ vẫn yêu thương nhau hết mực, con của tôi gọi các dì là mẹ và ngược lại. Các cháu rất thích mẹ Yến làm thịt bò, nấu cơm cho tụi nó ăn.
Trong những lúc cùng cực nhất, điều gì đã giúp chị vượt lên?
Khi tôi rời bỏ vị trí giám đốc trong công ty nhà nước để ra lập công ty riêng đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Phải đối diện với những thách thức khi mới lập công ty, tôi rất căng thẳng, bị stress, nóng nảy, hay la hét… Ngày sinh nhật con gái đầu lòng 18 tuổi, em trai tôi ân cần trao tặng con gái quyển sách Thức tỉnh mục đích sống của Eckhard Toll và nói: “Quyển sách này làm cậu thay đổi rất nhiều. Con hãy đọc nó và đọc kỹ, rồi nó sẽ giúp con rất nhiều trên đường đời”. Không ngờ cuốn sách đã thức tỉnh tôi, nhận ra những sai lầm của bản thân mình khi không biết trân trọng giây phút hiện tại và những điều quý báu mà mình đang có. Kể từ ngày biết chấp nhận cuộc sống và những thử thách, tôi bình tĩnh hơn để đối mặt với tất cả khó khăn. Tôi tri ân cuộc sống, từng phút giây hiện tại và cả quá khứ, với tất cả những khó khăn, vất vả đã cho tôi cảm xúc tràn đầy khi được làm người. Tôi cảm ơn ba mẹ đã cho tôi những đứa em đẹp đẽ, đáng yêu và tử tế.
Bài: kim yến - ảnh: trần việt đức
Bước vô không gian thoáng đãng mát lạnh bám đầy bụi thời gian, với những ô cửa sổ cao, kiến trúc trần cao như mở rộng ra với không gian bên ngoài đầy cây xanh, cảm giác như có một ân phúc nào đó để được sống và làm điều mình đam mê chính nơi đây. |
Kiến trúc của ngôi nhà được phân chia rất hợp lý, không trưng bày gì nhiều, chỉ "cộng thêm" vào đó một chút vật dụng, hình ảnh xưa, để gợi về một cuộc sống gia đình vẫn đang tiếp diễn, đang sống, đang thở. | |||
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét