Bộ trưởng Công thương nói về dừng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A
“Họ lao tiếp thì còn tổn hại hơn”
SGTT.VN - “Việc quyết định loại khỏi quy hoạch thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A lúc này là một kết cục dung hoà, giải toả được dư luận trái chiều từ trước đến nay”, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 29.10, xung quanh quyết định dừng hai dự án thuỷ điện này.
Lý do chính để bộ Công thương quyết định loại khỏi quy hoạch hai dự án này, thưa bộ trưởng?
Bộ Công thương chỉ làm quy hoạch để Chính phủ phê duyệt. Sau khi xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) đối với các dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ Công thương đã phê duyệt đưa ra khỏi quy hoạch.
Việc loại bỏ 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã cứu Ramsar Bàu Sấu trong Vườn Quốc gia Cát Tiên khỏi bị ảnh hưởng trầm trọng hoặc có thể biến mất. Ảnh: NLD |
Lý do chủ yếu thì do dự án ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhất là vườn quốc gia Cát Tiên.
Quyết định được đưa ra sau một thời gian rất dài với những ý kiến trái chiều, tranh luận, cá nhân ông thấy sao?
Nó kéo dài là vì phải tuân thủ theo quy trình từng bước: quy hoạch ban đầu, lập dự án, làm báo cáo ĐMT. Khi xong báo cáo ĐMT mới được xem xét phê duyệt dự án. Nhưng ở đây ĐMT chưa được chấp nhận thì chưa thể được xem xét. Hơn nữa, trong khi ĐMT không phải làm một lần là xong ngay được, mà phải có ý kiến, bổ sung, tiếp thu rồi nộp lại tiếp. Đó là quy trình rồi, không thể rút ngắn được.
Tất nhiên, việc dừng dự án, nếu xét về kinh tế thì có thể có ảnh hưởng, bởi vì, với dự án có công suất mỗi năm 1 tỉ kWh điện là rất lớn, trong khi đó, miền Nam lại đang thiếu điện. Nhưng vì ở đây có vấn đề môi trường, địa phương, rồi các tổ chức về môi trường chưa đồng thuận, nên tôi cho rằng dừng dự án là quyết định phù hợp. Giải pháp ấy lúc này là hợp lý, giải toả được vấn đề dư luận trái chiều lâu nay. Tôi nghĩ chủ đầu tư cũng sẽ hiểu.
Qua đây, theo bộ Công thương, bài học rút ra là gì trong vấn đề xây dựng, thẩm định quy hoạch, tránh tình trạng dự án kéo quá dài, gây tranh luận?
Mình phải xem, làm thế nào để thời gian nhanh mà (thẩm định) vẫn đảm bảo chất lượng. Theo tôi, một là, quy định pháp lý phải rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn, chẳng hạn tiêu chí với một dự án thế nào là đạt, thế nào là chưa đạt? Dẫu sao, quy định làm báo cáo ĐMT cũng mới có mấy năm gần đây. Mặc dù bộ Tài nguyên và môi trường đã có hướng dẫn, nhưng nói cũng chưa thật đầy đủ, có chỗ này chỗ kia chưa rõ. Phải có khung pháp lý để chủ đầu tư hình dung được, mình sẽ làm thế này thế kia, đỡ bị khi làm xong thì thiếu, chưa đạt, mất thời gian của nhiều bên, cả chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý thẩm định. Tôi cho đó là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất.
Với chủ đầu tư, đối với dự án, ngay từ đầu mình phải hình dung là nhạy cảm, như dự án này – chắc chắn nhạy cảm thì phải thận trọng xem xét, khảo sát. Tranh thủ được tối đa đồng thuận của xã hội, chứ từ đầu đã có nhiều luồng ý kiến thì sẽ kéo dài thời gian xem xét, gây phản ứng nhất định. Cũng may dự án loại này chưa nhiều. Qua đây, quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng rút kinh nghiệm.
Nhưng dự án kéo dài, chủ đầu tư có phàn nàn chuyện thiệt hại?
Vấn đề chi phí thì chưa rà soát cụ thể. Tuy nhiên, chủ đầu tư không phàn nàn chuyện đó. Với dự án này, theo tôi, điều họ “tổn hại” là vấn đề tâm lý, chứ chi phí chưa nhiều. Nhưng anh định đầu tư thì phải chịu chi phí. Vì chi phí làm ĐMT đằng nào cũng phải làm. Có ai từ đầu dám chắc là làm dự án sẽ được phê duyệt?! Anh phải hình dung có thể phải chịu rủi ro. Có dự án lớn hơn nhiều, tầm quốc gia, trình Quốc hội, tốn hàng triệu USD mà có phê duyệt đâu. Điều này, chủ đầu tư phải chấp nhận.
Chủ đầu tư đã phản ứng thế nào?
Chủ đầu tư (tập đoàn Đức Long Gia Lai) nói họ chấp nhận dù mất rất nhiều công sức. Nhưng dừng lúc này là phù hợp, vì nếu lao tiếp thì sẽ mệt hơn. Nếu dự án chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế thì đỡ, còn một khi trở thành vấn đề xã hội thì không thể coi thường. Tôi cho rằng, phản ứng của chủ đầu tư như thế cũng là phù hợp.
Chí Hiếu (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét