Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Tín không vẽ

Tín không vẽ

Tín không vẽ


SGTT.VN - Chắc hẳn thuở ban đầu, Trần Trung Tín đến với hội họa cũng chỉ là tình cờ, với tâm thế của một lữ khách lỡ đường, tạm nghỉ ở cái ga xép nào đó một đêm để chờ chuyến tàu kế tiếp, thế mà không ngờ đã ở lại hẳn với hội hoạ. Có thể nói ông là người nghiệp dư – chuyên nghiệp nhất của hội hoạ Việt Nam.










Trần Trung Tín thường vẽ tranh trên giấy báo.



Với những tác giả lớn, bao giờ họ cũng mang tới cho người xem những cảm giác hội hoạ khác biệt. Ví dụ tranh của hoạ sĩ này sẽ mang đến cho ta cảm giác vui tươi, tranh của hoạ sĩ kia lại mang đến cảm giác phấn khích hoặc no đủ, mãn nguyện... Cái không khí hội hoạ trong các tác phẩm của Trần Trung Tín luôn buồn bã, cô đơn, nhưng lạ thay luôn làm cho người xem cảm thấy được che chở, được xoa dịu, chia sẻ và trên tất cả là cảm giác an lành.


Cái bước chân của ông đến với hội hoạ là vô tình, nhưng sự vô tình ấy đã tạo ra một loạt các “phương tiện” và “nguyên liệu” để làm ra chính ông, đó là sự vô ưu, là thõng tay, là buông xả, không chấp, không câu nệ vào hình, vào màu, vào bố cục, vào bút pháp, vào đậm nhạt, vào chất liệu như những người “cố tình” đến với hội hoạ bằng các câu hỏi tại sao, thế nào, là gì... Ông thoát khỏi những thứ đó và vượt thoát luôn khỏi cái cùm, cái khuôn, cái ràng buộc lớn nhất là hiện thực. Hình không nệ thực mà màu cũng vậy. Cô gái, khẩu súng, con chim hay tháp chuông nhà thờ thì cũng chỉ là biểu hiện về cái đó, tín hiệu về cái đó.


Không còn người và mình nữa. Ông vẽ bằng sự nhạy cảm, tình cảm, rung cảm, cộng cảm, trực cảm chứ không vẽ bằng màu, bằng hình, bằng bút.


Màu của Trần Trung Tín không phải đen trắng hay xanh đỏ tím vàng. Tất cả đều đã giảm cường độ tươi đi để tươi hơn, đỏ luôn là gạch non hoặc bã trầu. Xanh luôn là cỏ úa, nước dưa hoặc vỏ đậu v.v. Tạng của ông là tạng trung độ với những âm u, bàng bạc, đùng đục, bảng lảng.


Con mắt và cái tâm hồn nhiên, ngây thơ trong vắt đã làm cho tranh của ông có một sức mạnh bất khả giải đưa người xem đến một thế giới khác, một dạng Niết bàn khác hay nói như Chúa “Chỉ có con trẻ mới vào được thiên đàng”, đó là sức mạnh của vô ngã, vô vẽ.


Ông không vẽ.


Ông ngắm nhìn một cô gái, một cây thánh giá, một khẩu súng, một con chim đi hoang và những hình ảnh ấy đọng lại trong ông, rồi thì bằng một phép nhiệm màu nào đó hình ảnh ấy sẽ hiện trên tờ giấy, vô thường vậy thôi.


Lê Thiết Cương

















Chân dung Trần Trung Tín của Bùi Xuân Phái.



Triển lãm tranh Bi kịch lạc quan của hoạ sĩ Trần Trung Tín (1933 – 2008), người được coi là hoạ sĩ biểu hiện lớn nhất của Việt Nam, diễn ra tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), từ 18 – 30.10. Triển lãm trưng bày các tác phẩm sơn dầu vẽ trên giấy báo và giấy ảnh được ông sáng tác trong thời gian 1960 – 1980.


Sinh thời, ông không học qua trường lớp mỹ thuật nào nhưng tranh của ông chứa đựng nhiều ý nghĩa, liên tưởng và đầy tính nhân văn.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ