Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Thợ xây nay đã có nhà

Thợ xây nay đã có nhà

Công bố kết quả chương trình "Vì mái ấm thợ thi công"


Thợ xây nay đã có nhà


SGTT.VN - Có tên giống với một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng, nhưng nhân vật trong bài viết này là một thợ xây nghèo: Tuấn Vũ. Gia đình bốn người thì hết ba người bệnh, nhưng như tự sự của Bài ca xây dựng: “Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi… xây cho nhà cao, cao mãi”, người thợ xây ấy vẫn cần mẫn với công việc, cùng ước mơ đeo đuổi bấy lâu là mang lại cho gia đình một mái ấm hoàn chỉnh…










Tuấn Vũ cùng mẹ và người anh kế. Ảnh: Trung Dũng



Mái ấm chông chênh


Từ thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) tới nhà Tuấn Vũ phải đi hơn 30km, trong đó có bốn cây số đường ruộng. Ông Hai Hùng, một người dân tình nguyện dẫn đường cố gắng “trang bị” cho chúng tôi một ít thông tin về nhân vật này: nhà nghèo có tiếng, bốn người sống chung một mái nhà dột nát, cha mất sức lao động, mẹ và anh trai kế bị bệnh, Vũ là lao động chính nuôi cả nhà… Đặc biệt người dân quê này cứ nhắc đi nhắc lại: “Vũ là đứa hiền lành, chịu khó và rất có hiếu”…


Vậy mà khi tới nhà rồi mới thấy, ông Hai đã giảm thiểu tối đa sự túng quẫn của gia đình người thợ hồ này. Trên cái nền được kê cao tránh lũ là căn nhà tôn lụp xụp, không vách trước. Một ống dẫn nước từ con kênh Xáng Mới trước nhà chạy ra phía nhà tắm, đó là nguồn nước sinh hoạt. Một người phụ nữ ngồi bất động trên xe lăn trước thềm. Một thanh niên trẻ lết những bước khó nhọc. Nghe tiếng xe máy, Tuấn Vũ cùng cha, ông Cao Văn Mum từ sau nhà ra đón khách. Vũ cho biết, người phụ nữ ngồi xe lăn là mẹ anh, năm nay 59 tuổi, còn thanh niên tật nguyền là người anh kế. Nhà Vũ có bảy người, anh cả và hai chị đã có gia đình riêng, bốn người còn lại sống trong căn nhà dột trên hở trước này.


Ông Mum nhớ lại, ông về miệt này sau thời gian ở đợ và làm mướn ở trường huấn luyện Kiên Phong (Cao Lãnh). Trong thời gian làm mướn trên những cánh đồng dưa, ông quen bà Đặng Thị Nguyệt và nên chồng vợ. Căn nhà tạm cất trên bờ kênh Công Sự, cũng là nơi năm người con lần lượt ra đời. Hết vụ dưa thì chuyển qua xúc đất, đắp nền cho người ta, nếu không lại dạt qua xứ khác ai thuê gì làm nấy. Rồi một người hàng xóm để lại cho cái nền nhà ngày nay. Từ nhà lá chuyển qua nhà tôn vách gỗ, tưởng yên ổn sống thì mái ấm trở nên chông chênh. Cậu con trai thứ tư mới tám tuổi phát bệnh sốt bại liệt và di chứng để lại là tay chân teo tóp, không đi không nói. Ít năm sau, người vợ lại bị tai biến, nằm viện cả tháng trời nhưng không cứu được, bại liệt hoàn toàn. Ba người con lớn học đến lớp hai thì nghỉ, đi làm mướn phụ cha mẹ, đến tuổi cập kê cũng dựng vợ, gả chồng và ra riêng. Ông Mum, sau những tháng ngày lao lực dần mất sức lao động. Gánh nặng dồn lên vai Út Vũ…










Sau hơn nửa tháng ban tổ chức nhận đơn xin hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, Tuấn Vũ đã được xét duyệt và có nhà mới cho cha mẹ già. Ảnh: Mi Thanh



Hạnh phúc trọn vẹn


Vũ sinh năm 1994, mê học nhưng chỉ trụ đến lớp 6 thì nghỉ để “về mần mướn tiếp cha mẹ”. Trải qua những tháng ngày gian khó, khi mà gạo mua từng lít và phải ăn nhín nhín vì sợ thiếu, còn thức ăn nương vào con nước lớn ròng và những mẻ lưới câu, Vũ thấm cái nghèo. Rồi có cả ám ảnh về ngày mưa dột, mấy anh chị em ôm nhau khóc, thức cả đêm, Vũ hiểu cảnh khó. Điều đó thôi thúc cậu con út trằn ra làm lụng lo cho cả nhà. Và, lòng hiếu thảo cũng định hình trong những ngày tháng gia đình quây quần bên nhau lúc sóng gió đó. Vũ cho biết lúc nhận việc là phải canh thời gian để kịp về tắm rửa cho anh, chăm lo cho mẹ và phụ ba làm bữa ăn. Những hôm đi làm xa quá thì chuẩn bị mọi thứ cho ba hoặc báo người anh cả tới phụ. Nhiều năm nay, cứ theo nếp nhà vậy mà làm.


Cách đây hơn ba năm, Vũ biết nếu cứ bám cái “nghiệp” làm mướn, bươi cào lặt vặt của gia đình thì khốn khó suốt kiếp nên quyết định chuyển nghề. Dựa vào chính nhà mình, Vũ cảm nhận được nhu cầu xây cất nhà cửa sẽ rất lớn. Vậy là anh đi làm thợ hồ, xin vào một tổ thợ địa phương, chịu khó vừa làm vừa học. Học việc năm mấy thì trở thành thợ thi công trần và vách, mỗi tháng thu nhập hơn 3 triệu đồng, tạm đủ xoay xở cho cha mẹ và anh. Thực ra, để có số tiền đó, như nhận định của một người làm chung với Vũ thì “thằng đó chịu khó lắm, không ngại xa xôi nặng nhọc, có khi qua tận Long An, An Giang nó cũng nhận đi”. Vũ thừa nhận: “Muốn kiếm tiền thì phải chịu khó, nhận thêm việc để làm chứ lười thì không đủ tiền xăng đi lại”. Nói công việc rồi lại xoay qua chuyện gia đình, bởi về phần mình những chuyến đi làm xa, ở lại công trình đã có cơm hộp mang theo: “Chỉ lo ở nhà không ai phụ cha lo cho mẹ và anh”…


Nói về cậu em út, người anh cả Cao Thanh Tuấn tự hào: “Cả nhà may nhờ thằng Út gánh vác, nếu không thì rất kẹt. Mấy anh chị có gia đình riêng, cũng phụ nhưng không đủ được”. Anh Tuấn cũng tự hào bởi dù nghèo khó nhưng anh em trong gia đình luôn thương yêu nhau và hiếu thảo với cha mẹ. Và câu chuyện hiếu thuận ấy không chỉ lan toả ở xóm 2 (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh) mà đã đến tai ban tổ chức chương trình Vì mái ấm thợ thi công. Trên lá đơn lổn nhổn lỗi chính tả là những tâm sự chân thật về một ước mơ, cũng là nỗi chạnh lòng của một người thợ thi công: một căn nhà không còn chịu cảnh gió lùa và mưa dột cho cha, mẹ già...


Ước mơ ấy đã trở thành sự thật sau hơn nửa tháng lá đơn đến tay ban tổ chức. Là người ít nói, ít biểu lộ cảm xúc nhưng hôm nhận nhà mới, Vũ hào hứng khoe: “Em thấy vui vì mái ấm cho cả nhà đã thành hiện thực”.


Trọng Văn









Vì mái ấm thợ thi công là chương trình do công ty cổ phần công nghiệp Vĩnh Tường thực hiện, báo Sài Gòn Tiếp Thị bảo trợ thông tin. Theo đó chương trình sẽ xây, tặng nhà tình nghĩa cho các thợ thi công trong ngành trần và vách ngăn trên toàn quốc, từ tháng 10 đến hết năm 2013. Nhận đơn từ tháng 7 đến tháng 8, chương trình đã nhận được hơn 100 trường hợp từ khắp mọi miền gửi về. Anh Cao Tuấn Vũ là trường hợp đầu tiên được xây tặng nhà tình nghĩa trong khuôn khổ chương trình ngày 5.10.


Bạn đọc có thể theo dõi thêm “nhật ký chương trình” được cập nhật thường xuyên tại website www.vimaiamthothicong.com. Mọi đóng góp xin liên hệ trực tiếp ban Công tác bạn đọc báo Sài Gòn Tiếp Thị hoặc qua tài khoản: 0071001333847 (ngân hàng Ngoại thương, chi nhánh TP.HCM) hoặc 0913110312 (anh Trí).







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ