Người làm nên cổ tích cho mai sau
SGTT.VN - Đã quá lâu mới có một cuộc tiễn đưa lịch sử như thế. Nhịp thở của một người trên trăm năm ở cõi tạm vừa dừng lại lập tức làm xao động triệu triệu trái tim bên trong và bên ngoài Việt Nam. Cuộc tiễn đưa lịch sử quá nhiều xao động ấy dành dâng cho một con người vĩ đại mà hôm nay đã có thể gọi là “người làm nên cổ tích cho mai sau”: Võ Nguyên Giáp.
Ảnh: Reuters |
Những lời xưng tụng dành cho ông, ở thang bậc cao nhất của lý trí và tình cảm, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Việt Nam và quốc tế. “Người mà tài năng ngang tầm Alexander Đại đế, vượt trội Napoleon” (sử gia Cecil Currey nói qua đài NPR, Mỹ). “Người cuối cùng thuộc lớp cách mạng đàn anh đáng kính làm nên Cách mạng tháng 8, thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam” (Lucky Gold, CNN ngày 7.10). “Vị tướng huyền thoại”, “vị tướng của nhân dân” (báo chí Việt Nam từ sau ngày 5.10 đến nay).
Đi xuyên qua vô vàn câu chuyện trên báo chí những ngày qua về tướng Giáp, mới thấy sự khác biệt của ông với các vị đồng sự cùng thời, khiến ông trở thành thần tượng của biết bao người không đồng thế hệ lại chưa hẳn vì hoặc không chỉ vì tài năng quân sự.
Khiêm. Nhân. Nhẫn. Chính là ba đức tính ấy hội tụ trong con người Võ Nguyên Giáp đã làm cho tài năng quân sự thiên phú và tri phú trong ông lấp lánh hơn, làm cho ông thực sự khác biệt.
Được các vị tướng giỏi trong quân đội khẳng định “Đại tướng Tổng tư lệnh luôn có những ý kiến quyết định rất sáng suốt và sâu sắc, luôn thể hiện được một tầm nhìn xa và rộng”, vậy mà khi có người nước ngoài hỏi ông “Ở Việt Nam vị tướng nào giỏi nhất?”, ông trả lời ngay lập tức: “Vị tướng đó là nhân dân Việt Nam”. Những ai đã từng sát cánh bên ông lâu dài và trải qua những giai đoạn cam go, phức tạp nhất của đất nước và của chính cuộc đời ông đều biết câu trả lời đó không phải là một cách “ứng xử chính trị”. Tư tưởng “quân đội ta từ nhân dân mà ra” đã thấm đẫm xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của ông. Tổ chức và lãnh đạo đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Nhận nhiệm vụ Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội, cùng toàn quân toàn dân đánh trận Điện Biên lừng lẫy. Mở đường 559 để chuẩn bị cho hoà bình, thống nhất trọn vẹn đất nước 15 năm sau đó. Đánh trả quyết liệt và làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979. Chẳng có lúc nào suốt giai đoạn đó mà ông chẳng dựa hẳn vào nhân dân và thực sự cùng nhân dân tiến hành những việc vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của đất nước, của dân tộc…
Bức ảnh ghi dấu khoảng khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham dự buổi lễ chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội ngày 15.1.1955. Ảnh: AFP |
Tết Mậu Thân 1968, khi súng nổ vang dậy ở các đô thị miền Nam trong cuộc tổng công kích chiến lược của quân Giải phóng, tại nhà khách Quân uỷ Trung ương ở Phạm Ngũ Lão – Hà Nội, ông tổ chức gặp mặt, ăn tết với vợ con các đồng đội của ông đang làm nhiệm vụ ở các chiến trường ác liệt Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… Gia đình các sĩ quan cao cấp Hoàng Thế Thiện, Lê Quốc Sản, Nguyễn Thế Truyện, Mai Văn Vĩnh, Nguyễn Minh Châu… đã được ông ân cần thăm hỏi, từng người một. Cuộc chiến đấu không cân sức đang diễn ra vô cùng ác liệt, người chồng, người cha của các chị, các cháu ngồi đây với ông có thể sẽ mãi mãi không trở về... Ông thương yêu, đau xót nhưng không thể nói ra với vợ con đồng đội của mình điều làm ông lo lắng và áy náy. Chỉ có đôi mắt hiền từ ngân ngấn nước của ông là không thể che giấu...
Phải rất quan tâm đến tư đức thì mới mong có nền giáo dục đúng nghĩa. Tư đức là cái nền tảng của con người mà gia đình phải sớm chăm lo thật kỹ. Chính tư đức sẽ làm nên sự vững chãi của một con người, một gia đình và dĩ nhiên là xã hội sau đó. |
Ở làng quê của Đại tướng, cái làng An Xá ấy, sau ông, con cháu của làng không còn ai làm to nữa. Nhà văn đồng hương Quảng Bình với ông, Nguyễn Quang Vinh kể: đứa cháu ruột con của em gái ông, sau khi tốt nghiệp sĩ quan được mẹ dắt đến nhà ông nhờ xin một chỗ làm tại Hà Nội. Ông hỏi: “Tổ chức phân công cháu đi đâu?” – “Dạ, chiến trường miền Nam” – đứa cháu trai trả lời. Ông bảo, trong ấy đang cần người được đào tạo chính quy, thanh niên trẻ thì phải đi xa, phải chấp hành lệnh điều động của quân đội. Bà em gái có ý hờn dỗi, tôi là em gái anh, anh làm bộ trưởng thì tôi mới nhờ, anh lại nói thế… Đại tướng cầm tay em gái cười hiền hậu nhưng không thay đổi quyết định. Ông muốn con cháu mình trước khi làm một điều gì đó thì trước hết phải làm một người tử tế, sống bằng tâm sức và năng lực của chính mình.
Trong lần về thăm quê An Xá năm 1977, ông tâm tình và cũng để căn dặn họ hàng của mình: “Tôi làm cách mạng, rồi được Cụ Hồ phong tướng, xuất phát từ cái gen bên ngoại tham gia phong trào Cần Vương. Người ta nói một người làm quan cả họ được nhờ. Tôi thì chỉ làm (quan) vì tổ quốc, vì nhân dân, bởi thế mọi người trong nhà ta cần phải tự phấn đấu, không được ỷ lại”. Ông còn dặn, phải trồng dừa dọc bờ sông Kiến Giang để vừa xanh mát bờ sông, bảo vệ được môi trường, vừa có ích lợi kinh tế. Nhất là phải giữ cho được nghề làm chiếu cói lâu đời của An Xá. Không có nghề là sống khó lắm.
Dặn dò bà con dòng họ vậy vì chính ông, những lúc chính sự khó khăn khôn lường vài mươi năm trước, ông đã từng cùng vợ nhủ nhau: “Nếu có thế nào, cùng lắm thì chúng ta vẫn còn nghề, vẫn có thể dạy sử, dạy văn và dạy tiếng Pháp”.
Chỉ còn hai ngày nữa thôi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ trở về Quảng Bình. Lần trở về này ông sẽ ở hẳn đó, bên cạnh mẹ cha, giữa một miền cát trắng nhìn ra Biển Đông xanh thẳm. Mẹ cha và truyền thống quê hương đã cho ông niềm tin để ông suốt đời sống và làm theo triết lý giản dị này: Phải rất quan tâm đến tư đức thì mới mong có nền giáo dục đúng nghĩa. Tư đức là cái nền tảng của con người mà gia đình phải sớm chăm lo thật kỹ. Chính tư đức sẽ làm nên sự vững chãi của một con người, một gia đình và dĩ nhiên là xã hội sau đó.
Phải chăng, vì đã tin và đã sống theo tư đức ấy mà ông – trải qua biết bao phen trận mạc trong cương vị cầm quân, biết bao oan khiên chưa giải hết, vẫn cứ được triệu triệu người trìu mến gọi là nhân tướng, vị tướng của nhân dân…
Nguyễn Thế Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét