Tháo gỡ vốn vay cho nông dân
SGTT.VN - Tăng trưởng tín dụng bình quân đối với nông nghiệp nông thôn trong ba năm (2010 – 2012) đã đạt gần 25% – được các chuyên gia về tài chính cho là ấn tượng. Tuy nhiên, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi có nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư cho sản xuất, nhưng nông dân vẫn thường xuyên trong cảnh “đói vốn”.
Nông dân miền Tây Nam bộ vẫn còn nghèo trong xã hội. |
Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại vùng ĐBSCL trong tám tháng đầu năm nay là hơn 120.000 tỉ đồng, dù tăng 8,73% so cuối năm 2012, nhưng chỉ chiếm hơn 17% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc. Trong thực tế, khi có biến động lớn về giá cả, thiên tai… khả năng trả nợ ngân hàng của nông dân bị giảm sút mạnh, nên các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt, cầm chừng. Bảo hiểm lãi suất cho vay trong nông nghiệp nông thôn nhằm giảm bớt rủi ro trong cho vay được cho là biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp.
An toàn cho ngân hàng
Tại hội thảo giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất ở vùng ĐBSCL do ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) ngày 17.10, TS Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết: “Việc ký kết giữa LienVietPostBank và tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện (PTI) về bảo hiểm lãi suất miễn phí cho nông dân nhằm thực hiện chương trình 5.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn ĐBSCL giai đoạn năm 2013 – 2015, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân tiếp cận nguồn vốn này”. Theo đó, PTI sẽ thay mặt người được bảo hiểm (người vay theo chương trình này) trả khoản dư nợ lãi vay cho LienVietPostBank khi người được bảo hiểm không trả được nợ do thiên tai, thương tật vĩnh viễn hoặc thiệt mạng… Tổng số tiền lãi được bảo hiểm dự kiến cho chương trình này khoảng 800 tỉ đồng, trước mắt, PTI sẽ ký quỹ 10 tỉ đồng tại LienVietPosBank. Theo TS Hưởng, chương trình này sẽ góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.
Theo TS Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học thị trường – bộ Tài chính, cần tính đến các hình thức tín dụng toàn diện cho nông dân, trong đó có cả cho vay tiêu dùng để hạn chế tình trạng tín dụng đen. Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết bảo hiểm nông nghiệp thường xuyên bị gián đoạn do mất cân đối từ nguồn thu, nguyên nhân bắt đầu từ việc bảo hiểm nông nghiệp chỉ triển khai trên phạm vi và quy mô không lớn; trong khi đó, những rủi ro xảy ra như: thất mùa, thiên tai, giá cả… thường ở quy mô vùng, miền. Do đó, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm khó đảm bảo được khả năng chi trả do không có nguồn thu từ những vùng miền khác để bù đắp lại.
Nông dân luôn chờ vốn
Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 18 – 20% GDP, dù nhỏ nhưng là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế”. Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đức Hưởng, thừa nhận: “Ngân hàng cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn sẽ an toàn hơn so với khu vực đô thị”. Nhưng vì sao ở khu vực nông nghiệp vẫn thường xuyên bị “đói” vốn?
Theo ông Lâm Hoàng Sa, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhu cầu vốn cho nông nghiệp nông thôn là rất lớn và cấp thiết, nhất là trong quá trình triển khai chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tuy nhiên, do nhu cầu vốn thường có yêu cầu vay dài hạn, hiệu quả đầu tư chưa thật sự ổn định, có nhiều rủi ro tiềm ẩn… nên các tổ chức tín dụng ngại cho vay. Mặt khác, nông dân ở khu vực nông thôn thường sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tài sản thế chấp… trong khi đó, trong thủ tục vay, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu họ chứng minh năng lực tài chính, hiệu quả đầu tư… càng làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của nông dân.
Ông Lê Minh Đức, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết: “Nguồn vốn cho nông dân vay chỉ cần đáp ứng được ba yêu cầu chính: thủ tục đơn giản, lãi suất hợp lý, cho vay đúng thời điểm”. Còn ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, chia sẻ: “Theo tính toán, công ty đã hỗ trợ cho các mô hình cánh đồng mẫu bằng cách ứng trước cho nông dân 962 đồng để làm ra mỗi kilôgam lúa”. Theo ông Thòn, đây là có thể xem là một hình thức hỗ trợ vốn, bảo hiểm gần như hầu hết rủi ro cho nông dân từ đầu tư sản xuất, dịch bệnh, giá cả… chỉ trừ tình huống thiên tai.
bài và ảnh Ngọc Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét