Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

“Đói” cá tra giữa mùa xuất khẩu

“Đói” cá tra giữa mùa xuất khẩu

“Đói” cá tra giữa mùa xuất khẩu


SGTT.VN - Đúng như dự đoán của các doanh nghiệp cá tra, đến tuần giữa tháng 10 này giá cá vọt lên 23.500 – 24.000 đồng/kg, kéo theo giá xuất khẩu tăng. Cùng với đó là hàng loạt doanh nghiệp chỉ còn chạy cầm chừng hoặc ngưng hoạt động. Thiếu nguyên liệu đang trở nên trầm trọng, trong khi nhu cầu thị trường ngày một tốt lên thì doanh nghiệp lại không có hàng để bán.


Giá tăng, hết hàng


Từ đầu tháng 10 đến nay công ty cổ phần thuỷ sản An Giang (Agifish) chỉ có thể cung cấp hàng cho đối tác làm ăn truyền thống, có uy tín, còn lại số khách hàng mới đặt mua một vài lần thì phải từ chối. Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty nói do nguyên liệu cạn kiệt nên công ty không đủ hàng xuất khẩu cho khách hàng mới, việc lựa chọn đối tác cũ để bán lúc này được xem như là cách để Agifish “tri ân” họ.










Cá tra nguyên liệu đang thiếu trầm trọng. Trong khi nhu cầu thị trường ngày một tốt lên thì doanh nghiệp lại không có hàng để bán. Ảnh: TTXVN



Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều cho biết vài tuần gần đây nhu cầu đặt hàng cá tra của nhà nhập khẩu đến từ Mỹ, châu Âu, Trung Đông, thậm chí cả Trung Quốc tăng khá mạnh. Khách hàng mua nhiều cá tra vào thời điểm này để chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm, nhưng doanh nghiệp không có đủ hàng cung cấp do nguyên liệu khan hiếm. Agifish thuộc số ít doanh nghiệp có vùng nuôi riêng, ngoài ra còn liên kết nuôi gia công với hàng trăm hộ dân thông qua việc tài trợ thức ăn từ nhà máy Việt Thắng, nhưng ông Nguyễn Văn Ký cho hay công ty này vẫn phải “ăn đong” nguyên liệu từng bữa.


“Chúng tôi phải cử nhân viên xuống khảo sát tình hình ở từng ao. Những ao nuôi liên kết gia công với dân có khi còn phải canh me ngày đêm để ngăn chặn dân bán cá ra ngoài để hưởng giá cao hơn”, ông Ký kể.


Do thiếu nguyên liệu nên giá cá tra tăng vọt lên 24.000 đồng/kg ngay trong tuần giữa tháng 10 này. Ông Úc Anh, người nuôi cá ở cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ hồ hởi nói: “Lúc này doanh nghiệp muốn bắt cá thì phải hẹn ngày trả tiền, chậm nhất là 15 ngày đến một tháng là phải thanh toán hết, không được vậy thì khó mà mua được cá của dân”. Theo ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Cần Thơ (Cafatex), tình trạng thiếu cá nguyên liệu là có thật, không chỉ hụt nguyên liệu ở dưới ao mà trong kho ở các nhà máy cũng không còn nhiều hàng như trước nên dịp này, khách hàng đang có nhu cầu mua nhiều hơn cũng không có đủ để bán.


So với cách đây một tháng, giá cá tra xuất khẩu tăng ít nhất 0,2 – 0,25 cent/kg, lên mức 2,6 – 3 USD/kg. Rất tiếc, doanh nghiệp lại không còn đủ hàng để bán.


Thiếu nguyên liệu: sẽ là chuyện dài


Theo khảo sát của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tổng sản lượng cá tra sản xuất từ nay đến cuối 2013 còn chưa đến 50.000 tấn, trong khi nhu cầu cần tới 300.000 tấn. Hiện nay, 70 nhà máy chế biến cá tra chỉ có chưa tới 30 nhà máy có vùng nguyên liệu nhưng cũng chỉ chủ động được 40%, còn 40 nhà máy phụ thuộc cá của dân, trong khi nguồn này hầu như không còn. Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), cho biết do không còn nguyên liệu nên có nhiều nhà máy cá tra chỉ còn chạy cầm chừng, đa số chỉ đáp ứng 40 – 50% công suất hoặc một ngày làm nghỉ hai ba ngày.


Nhiều hộ dân bán hết cá đã không tái đầu tư do cạn vốn nên tình trạng mất nguyên liệu dự báo còn kéo dài đến hết năm sau. “Tổng tài sản của gia đình tôi được ngân hàng định giá 10 tỉ đồng nhưng chỉ vay được đúng 1 tỉ đồng. Ngân hàng nói là cho vay để hỗ trợ một phần con giống chứ không dám rót nhiều vì sợ rủi ro”, ông Úc Anh cho biết. Thực tế, theo tính toán của người nuôi cá, mặc dù giá cá tra đã tăng nhưng sau khi trừ hết các khoản chi phí thì người dân chỉ còn lời 500 – 1.000 đồng/kg.


Hoàng Bảy






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ