Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Đã đến lúc phải có nhà quản lý bệnh viện chuyên nghiệp

Đã đến lúc phải có nhà quản lý bệnh viện chuyên nghiệp

Đã đến lúc phải có nhà quản lý bệnh viện chuyên nghiệp



SGTT.VN - Với xu thế phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ như hiện nay, mọi chuyện đều đòi hỏi sự chuyên nghiệp hoá, việc người đứng đầu bệnh viện không cần, hoặc cần ít chuyên môn về quản lý bệnh viện gần như không còn đúng.


1. Nói về kết quả thanh tra ba bệnh viện công lập ở TP.HCM (bệnh viện Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Nguyễn Tri Phương) công bố trong tuần qua, một số lãnh đạo sở Y tế TP.HCM trước đây và hiện nay cùng thừa nhận “đó là một cú sốc đau đớn nhưng cần thiết để chấn chỉnh lại việc quản lý bệnh viện ở thành phố hiện nay”. Nhưng chấn chỉnh từ chỗ nào? Theo nhiều người, phải bắt đầu từ nhà quản lý bệnh viện.










Nếu được quản lý chuyên nghiệp thì bệnh viện sẽ không còn cảnh bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang nữa? Ảnh: Thanh Hảo



Khác với nhiều nước trên thế giới, nhà quản lý bệnh viện công ở nước ta thường được lựa chọn từ người có cống hiến lâu năm ở bệnh viện, có học hàm, học vị nổi bật (tiến sĩ, giáo sư/phó giáo sư) và thành tích chuyên môn được nhiều người công nhận (từng đứng đầu một khoa chuyên môn). Trong hoàn cảnh lịch sử nào đó, cách làm này không sai, vì khi nhà quản lý xuất thân từ bệnh viện, hiểu rõ nội tình của cơ sở, nhận được nhiều ủng hộ từ bên dưới, họ sẽ thành công. Thế nhưng, với xu thế phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ như hiện nay, mọi chuyện đều đòi hỏi sự chuyên nghiệp hoá, việc người đứng đầu bệnh viện không cần, hoặc cần ít chuyên môn về quản lý bệnh viện gần như không còn đúng.


Tham khảo danh sách 130 nhà điều hành (CEO) bệnh viện phi lợi nhuận (non-profit) của Mỹ do Becker’s Hospital Review công bố hồi tháng 7 vừa qua, người ta có thể nhận ra chỉ có độ 30 CEO dính dáng đến y khoa (bác sĩ, trưởng khoa y đại học), còn lại đều là những nhà quản lý chuyên nghiệp từng lăn lộn qua nhiều công ty và tập đoàn (kể cả quản lý bệnh viện), có bề dày về quản lý từ thấp đến cao trước khi được bổ nhiệm làm CEO bệnh viện. Cần nói thêm, những người trong danh sách do Becker’s Hospital Review lựa chọn đều có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và dẫn dắt những bệnh viện hàng đầu nước Mỹ. Không thể nói mô hình người đứng đầu các bệnh viện của Mỹ là nhà quản lý bệnh viện chuyên nghiệp là sai, bởi những bệnh viện này đều phát triển thành công.


2. Ở nước ta, giám đốc bệnh viện công lập thường là những người giỏi chuyên môn, vì thế thật đáng tiếc khi sau hàng chục năm học hành phấn đấu trong nghề nghiệp, một ngày nào đó họ phải từ bỏ chuyên môn để chuyển sang làm quản lý, lĩnh vực mà họ gần như phải bắt đầu từ số 0. “Một cầu thủ xuất sắc chưa hẳn là một huấn luyện viên tài ba”, câu nói này đúng không chỉ trong bóng đá mà cả trong nhiều lĩnh vực khác, kể cả quản lý bệnh viện. Khi nói đến quản lý bệnh viện, nhiều người thường nói đến một nhận định của bác sĩ Trần Tấn Trâm, nguyên giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM: “Ở nước ngoài, muốn cất nhắc ai làm giám đốc, người ta phải đào tạo người đó đầy đủ rồi mới cho lên làm lãnh đạo. Ở nước ta thì khác, thấy người nào được, ở trên cho người đó làm giám đốc ngay mà không chuẩn bị gì. Lên làm giám đốc, người này phải vừa làm, vừa học nghề quản lý. Làm được một nửa, hư một nửa. Họ đâu muốn như thế, nhưng năng lực họ cũng chỉ như thế mà thôi. Đến khi làm tốt, họ đến tuổi… về hưu”. Từ kết quả thanh tra các bệnh viện của TP.HCM vừa qua, gạt sang những lý do tế nhị, người ta có thể thấy mọi chuyện đều có phần xuất phát từ năng lực hạn chế của người quản lý.


3. Cách đây cả chục năm, từ việc nhận ra những vấn đề trong quản lý bệnh viện công, sở Y tế TP.HCM đã tổ chức cho nhiều giám đốc bệnh viện đi tham quan, học tập mô hình quản lý bệnh viện tại Singapore, một quốc gia khá tương đồng với chúng ta. Vài năm gần đây, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng mở chương trình đào tạo quản lý bệnh viện cho những nhà quản lý y tế, với các giảng viên hàng đầu từ Pháp. Nhưng cách làm này thực ra cũng chỉ là “đo ni đóng giày”, hay nói cách khác là đẽo gọt chiếc ghế giám đốc cho vừa vặn người ngồi, khác với cách làm buộc người ngồi phải hội đủ năng lực mới được ngồi lên chiếc ghế có kích cỡ theo như quy ước.


Do không chuyên tâm và thiếu năng lực quản lý, nên nhiều nhà quản lý bệnh viện công lập ở nước ta chỉ loay hoay với công việc hành chính như họp hành, ký giấy tờ hoặc quay lại công việc chuyên môn. Chuyện hai phó giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trong giờ trực vẫn tham gia mổ dịch vụ là một minh chứng. Nhưng bệnh viện này đâu phải cá biệt, ở một bệnh viện phụ sản lớn của thành phố, giám đốc và phó giám đốc cũng mổ dịch vụ như những bác sĩ bình thường mà bỏ qua nhiệm vụ chính là quản lý, giúp bệnh viện phát triển chuyên môn, nâng cao thu nhập cho người lao động.


Trước những yếu kém trong quản lý bệnh viện công lập, cách đây một năm bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mỗi một giám đốc bệnh viện phải là một CEO và đề nghị xây dựng lại tiêu chuẩn giám đốc bệnh viện. Bà nói: “Chúng ta không thể bắt giám đốc bệnh viện phải có học hàm giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ. Phó giáo sư, tiến sĩ suốt ngày đi giảng bài, đi làm nghiên cứu khoa học thì lấy đâu thời gian để quản lý bệnh viện?” Ý tưởng của người đứng đầu bộ Y tế có thể xem là một đột phá, nhưng từ đột phá này trở thành hiện thực có lẽ mất một thời gian khá lâu. Trong thời gian đó, người dân sẽ còn phải lĩnh nhận bao nhiêu hậu quả từ sự quản lý kém cỏi của người quản lý bệnh viện?


Phan Sơn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ