Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Siêu lợi nhuận vào tay doanh nghiệp, nông dân thiệt thòi

Siêu lợi nhuận vào tay doanh nghiệp, nông dân thiệt thòi

Xuất khẩu gạo


Siêu lợi nhuận vào tay doanh nghiệp, nông dân thiệt thòi


SGTT.VN - “Khi giá gạo tăng cao, lợi nhuận chủ yếu vào tay các doanh nghiệp xuất khẩu, mà đa phần là doanh nghiệp nhà nước”, đó là đánh giá của nhóm nghiên cứu báo cáo “Ai được lợi khi giá gạo tăng cao” thuộc viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn cùng Oxfam thực hiện.


Tại buổi công bố báo cáo sáng 17.10 tại Hà Nội, nhận định này đã nhận được sự đồng tình cao của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu chính sách nông nghiệp.


Nông dân thiệt còn thương lái, doanh nghiệp lãi khủng










VFA còn độc quyền thì họ nghĩ lợi ích của mình đầu tiên, và đương nhiên thương lái, nông dân sẽ bị chèn ép Ảnh: Ngọc Tùng



TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận xét: Trong chuỗi giá trị của hạt gạo, người nông dân thu được lợi ích thấp hơn nhiều so với các tác nhân khác. Báo cáo của nhóm nghiên cứu thì nêu: so sánh lợi nhuận mà người trồng lúa nhận được với tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh gạo chứng tỏ sự suy giảm mạnh trong lợi ích mà người trồng lúa nhận được, đặc biệt trong giai đoạn giá tăng kỷ lục năm 2008. Báo cáo dẫn chứng: năm 2006, khi giá gạo ở mức rất thấp, người nông dân có thể thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh lúa gạo, trong khi năm 2008, giai đoạn giá gạo ở mức cao, người trồng lúa chỉ thu được 23%, và năm 2010, chỉ đạt 10%. “Năm 2011, trong vụ lúa bội thu nhất (vụ đông xuân), người trồng lúa thu được lợi nhuận ở mức 30%, hai vụ mùa còn lại khoảng 20%. Do vậy, với diện tích đất lúa bình quân là 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm từ trồng lúa chỉ đạt 27 triệu, tương đương với 550.000 đồng/người/tháng. Trong khi thương lái, với mức giao dịch trung bình là 500 tấn lúa trong năm 2011, thu lợi khoảng 300 triệu, gấp 10 lần so với thu nhập bình quân của hộ trồng lúa”, báo cáo viết.


Điều tra tại hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang cho thấy lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ xuất khẩu gạo tăng rất cao. Tỷ lệ lợi nhuận từ xuất khẩu gạo trong tổng lợi nhuận tăng từ 7% năm 2007 lên 99% và 97% năm 2008 và 2010. Theo báo cáo, “Giá gạo thế giới cao kỷ lục đem lại siêu lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu gạo, hầu hết là doanh nghiệp nhà nước, nhưng hầu như không mang thêm đồng nào cho người trồng lúa quy mô nhỏ, những người thực sự làm ra hạt lúa. So với các tác nhân khác trong cả chuỗi giá trị lúa gạo, người trồng lúa hưởng lợi ít nhất từ giá gạo cao năm 2008 và 2011 mặc dù họ phải bỏ đầu tư nhiều công sức nhất, phải chịu tỷ lệ chi phí sản xuất cao nhất”. Ông Bandy Baker, trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam nói thêm, hai tổng công ty lương thực của Nhà nước là Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm tới 50% lượng xuất khẩu (theo hợp đồng Chính phủ) nhưng lại ít đầu tư vào tổ chức sản xuất cho nông dân mà lại đi đầu tư vào các mục đích khác như nhà đất, ôtô, xe máy.


“Độc quyền thì nghĩ đến lợi ích của mình đầu tiên”


Báo cáo cho hay, trong năm năm qua, đã có hàng chục chính sách với mong muốn đem lại lợi ích cho người trồng lúa, tuy nhiên, dù ra đời đúng lúc, nhưng phần lớn kết quả không đem lại lợi ích mong đợi cho nông dân. Chính sách về giá sàn gạo xuất khẩu là một ví dụ. Theo ông Trần Công Thắng, trưởng nhóm nghiên cứu, chính sách chỉ quy định chung cho doanh nghiệp xuất khẩu phải mua sao cho người nông dân lợi nhuận ít nhất 30% nhưng thực tế, chỉ dưới 15% doanh nghiệp thu mua từ nông dân, còn lại qua thương lái, vì vậy khó đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Như tại vựa lúa An Giang, năm 2012, chỉ 30% lúa mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua được là trực tiếp từ người trồng lúa. Hoặc như chính sách giá lúa sàn: Giá sàn cho vụ đông xuân 2010 là 4.000 đồng/kg, tuy nhiên, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã không mua theo giá sàn. “Họ thu mua với giá 3.500 đồng/kg với lý do là gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Thực tế là các doanh nghiệp xuất khẩu với giá lên tới 5.178 đồng/kg, mức giá đủ cao để các công ty có thể thu mua lúa ở mức giá sàn hoặc thậm chí cao hơn”, báo cáo dẫn chứng. Hay chính sách thu mua tạm trữ: việc thực hiện lại thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu, và các doanh nghiệp này được cho vay không lãi suất trong thời hạn từ 3 – 4 tháng, trong khi nông dân thường phải bán “lúa ướt” ngay tại ruộng, còn doanh nghiệp không thu mua tại thời điểm giá cao mà mua khi giá ở mức thấp”, ông Thắng nói.


“Sự can thiệp của Chính phủ đôi khi không hiệu quả và thiên vị cho các doanh nghiệp nhà nước. Sự tham gia của người nông dân trong quá trình ban hành chính sách hầu như không có. Không có một tổ chức nào đại diện cho người trồng lúa tham gia vào điều hành xuất khẩu gạo, dù hội Nông dân là tổ chức đại diện cho người nông dân song cũng không tham gia vào quá trình điều hành xuất khẩu gạo hay trong quá trình ban hành chính sách”, báo cáo lo ngại.

Ngược lại, vai trò của VFA lại rất nổi bật. Rõ nhất là trong xuất khẩu gạo, dù đã có tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo nhưng VFA vẫn giữ vai trò chủ đạo: trực tiếp quản ý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp; chịu trách nhiệm quyết định giá sàn gạo xuất khẩu (theo sự hướng dẫn và giám sát của bộ Tài chính và bộ Công thương); phân bổ 80% tổng khối lượng các hợp đồng… “Quyền lực VFA rất lớn. Đáng ra anh phải trung gian, nhưng lại ôm những “đứa con” của mình”, ông Thắng bình luận. Còn GS Võ Tòng Xuân thì lo ngại: Nếu cứ để VFA và Vinafood nhiều quyền thế thì sẽ triệt tiêu sáng kiến, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.


Chuyên gia Phạm Chi Lan bức xúc: VFA với danh nghĩa là hội thị trường, hội doanh nghiệp nhưng có vị thế kinh tế lớn, họ đề xuất chính sách, và lại là công cụ để Nhà nước thực hiện chính sách nên họ điều khiển chính sách có lợi cho mình, không cần đếm xỉa đến nông dân. “Còn độc quyền thì họ nghĩ lợi ích của mình đầu tiên, và đương nhiên thương lái, nông dân sẽ bị chèn ép”, bà Lan nói. TS Đào Thế Anh (hội Khoa học phát triển nông thôn) cho rằng, một khi vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp còn yếu thì khó mà hưởng lợi từ thị trường. Do vậy, cũng khó có tiếng nói trong xây dựng chính sách nếu đem so với hiệp hội – họ có tiềm lực tài chính lớn để “lobby”, để chính sách có lợi cho mình.


Tuy nhiên, các chuyên gia và nhóm nghiên cứu “lấy làm tiếc” vì không có đại diện của VFA hay bộ Công thương tham dự!


Chí Hiếu









Báo cáo cũng đưa ra bảy khuyến nghị như tăng cường liên kết trực tiếp giữa người trồng lúa và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đưa ra chiến lược, nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam; hình thành các vùng chuyên canh lúa; đưa ra mức giá sàn vào thời điểm đầu vụ, cân nhắc yếu tố giá sản xuất và sự khác biệt của mỗi vùng miền. Trong đó đáng chú ý là đề xuất Nhà nước thành lập ban điều hành lúa gạo với sự tham gia của đại diện nông dân, để nâng cao tiếng nói của người nông dân trong quá trình ban hành chính sách và quy định liên quan đến buôn bán lúa gạo.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ