Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Nhiều dự án thuỷ điện nhỏ có thể gây hoạ

Nhiều dự án thuỷ điện nhỏ có thể gây hoạ

Nhiều dự án thuỷ điện nhỏ có thể gây hoạ


SGTT.VN - Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện (DATĐ) và vận hành khai thác các công trình thuỷ điện (CTTĐ). Cho dù, theo kết quả rà soát, kiểm tra, bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc kiểm soát việc phát triển ồ ạt các CTTĐ, nhưng có những thông tin cho thấy tại nhiều khu vực, dự án, việc phát triển thuỷ điện đã và vẫn còn đang gây những hậu quả nhất định về môi trường, ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp tại địa phương.


Cả nước còn 815 dự án thuỷ điện


Hiện nay, theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, bộ Công thương và UBND các tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền, trên cả nước có 1.239 dự án với tổng công suất lắp máy trên 26.012MW. Cho đến tháng 9.2013, qua các đợt rà soát quy hoạch do bộ Công thương, UBND các tỉnh thực hiện, Chính phủ và các ngành, các địa phương đã loại khỏi quy hoạch sáu DATĐ bậc thang (395MW) và 418 DATĐ nhỏ (1.174,49MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thuỷ điện (375,65MW).










Việc phát triển thuỷ điện đã và vẫn còn đang gây những hậu quả nhất định về môi trường Ảnh: minh họa



Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội sẽ tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường – xã hội, điều kiện thực hiện thuận lợi... đối với bốn DATĐ bậc thang (208MW) và 132 DATĐ nhỏ (915,7MW). “Các dự án cần tiếp tục rà soát đánh giá: gồm 149 DATĐ nhỏ (1.344,8MW) và chín DATĐ bậc thang (551MW)”, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa uỷ quyền Chính phủ dẫn báo cáo.


Như vậy, sau khi các bộ, ngành rà soát, loại bỏ các DATĐ nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ có tổng công suất trên 24.320MW; trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017. “Có 31 dự án (tổng công suất 3.856,7MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017; đang nghiên cứu đầu tư 17 dự án (1.082MW); bảy dự án (424MW) chưa có chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm đăng ký do còn vướng mắc liên quan đến tác động môi trường, xã hội, có hai dự án (118MW) đã loại khỏi quy hoạch do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường và xã hội.


Theo đánh giá của Chính phủ, quy hoạch thuỷ điện hiện nay đã được làm đúng quy trình, có sự thẩm định kỹ lưỡng, có sự tham vấn nhiều chuyên gia đầu ngành về điện năng. Và về cơ bản, các nhà máy thuỷ điện đã đầu tư đã và đang góp phần đáng kể trong việc cung cấp điện năng, điều tiết bổ sung lưu lượng về mùa kiệt và cắt giảm lũ có hiệu quả cho hạ du.


Mặc dù vậy Chính phủ cũng đã thừa nhận, việc đầu tư xây dựng các DATĐ cũng đã gây ảnh hưởng khá lớn đến dân cư trong khu vực dự án; chiếm dụng khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; phần nào làm thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường – xã hội…


Đáng chú ý hơn nữa là quy trình vận hành các hồ chứa thuỷ điện. Hiện nay, hầu hết các hồ chứa đã vận hành hoặc chuẩn bị đưa vào vận hành đều có quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng thực tế cho thấy, có nhiều thời điểm, nhiều hồ chứa thuỷ lợi vừa và nhỏ đã bị cạn kiệt nước. Vì vậy, đã gây thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn tại nhiều tỉnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất cuối vụ đông – xuân năm 2012 – 2013, đầu vụ hè – thu năm 2013 và sinh hoạt của nhân dân (đặc biệt là các tỉnh Dăk Lăk, Dăk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận). Ở hầu hết các CTTĐ nhỏ, do dung tích hồ chứa bé nên hiệu ích tổng hợp không cao, việc vận hành liên hồ này chỉ có khả năng giảm lũ và cải thiện cấp nước cho hạ du.


Vấn đề lớn nằm ở dự án thuỷ điện nhỏ


Tuy nhiên, theo Chính phủ, vấn đề nằm ở các DATĐ nhỏ. “Các dự án này chủ yếu nằm trên các sông, suối nhánh với độ dốc lớn, lòng dẫn hẹp nên chủ yếu khai thác lưu lượng và chênh cao địa hình tự nhiên, không xây dựng được đập cao và hồ chứa lớn (không hiệu quả)”, bản báo cáo đánh giá. Hầu hết dự án chỉ có nhiệm vụ phát điện, một số ít dự án có khả năng kết hợp cấp nước tưới, điều tiết bổ sung lưu lượng về mùa kiệt, giảm lũ nhỏ và làm chậm lũ cho hạ du.


Các DATĐ nhỏ chủ yếu nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn nên tài liệu cơ bản thu thập được để lập quy hoạch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi... “Trong khi đó, các địa phương có dự án còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ. Vì vậy, chất lượng quy hoạch thuỷ điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư”, bản báo cáo nêu.









Mặc dù đã có những cảnh báo, những sự cố vỡ đập xảy ra song nhiều chủ đập thuỷ điện nhỏ vẫn còn chủ quan, thực hiện các quy định để đảm bảo an toàn cho hồ đập còn hình thức, chiếu lệ.



Sự an toàn của các CTTĐ nhỏ cũng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 166 nhà máy thuỷ điện có công suất lắp máy ≤ 30MW, một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập. Đáng chú ý, có 45 đập được kiểm định hoặc kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của hồ chứa trên tổng số 114 đập đến hoặc quá kỳ kiểm định/kiểm tra, 35 đập đang thực hiện và còn tới 34 đập chưa thực hiện. Có 36 đập đã có phương án bảo vệ được phê duyệt, 54 đập đang xây dựng hoặc đang trình duyệt và 76 đập chưa xây dựng… Đây là những con số đáng quan ngại và chắc chắn nó sẽ nhận được nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội trong kỳ họp tới.

Theo bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thì kết quả kiểm tra thực tế tại các hồ đập thuỷ điện, cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là đối với các thuỷ điện vừa và nhỏ. “Mặc dù đã có những cảnh báo, những sự cố vỡ đập xảy ra song nhiều chủ đập thuỷ điện nhỏ vẫn còn chủ quan, thực hiện các quy định để đảm bảo an toàn cho hồ đập còn hình thức, chiếu lệ”, báo cáo Chính phủ mà bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được uỷ quyền trình bày, nêu.


Theo nhận xét ban đầu của một số đại biểu quốc hội khi đọc báo cáo này, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, các địa phương mạnh tay hơn trong việc rà soát, cắt bỏ các dự án thuỷ điện có khả năng gây tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và sinh hoạt của người dân trong các vùng dự kiến triển khai dự án. Mặc dù Chính phủ có nêu những khó khăn do vướng mắc về chính sách tái định cư, đào tạo chuyển nghề, tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất làm thuỷ điện, nhưng theo một số đại biểu quốc hội khi đọc báo cáo, Chính phủ, các bộ có thể sửa đổi các chính sách này để đảm bảo lợi ích cho người dân mà không cần phải báo cáo quốc hội để xin ý kiến xử lý vì việc đó, nằm trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ.


Mạnh Quân – Nam Thanh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ