Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Cao su: có bảo hiểm thì không có nước mắt

Cao su: có bảo hiểm thì không có nước mắt

Cao su: có bảo hiểm thì không có nước mắt


SGTT.VN - Câu chuyện “nước mắt cao su” của người dân ở thị trấn nông trường Việt Trung huyện Bố Trạch, Quảng Bình sau cơn “hung bão” Wutip khiến người nghe không khỏi xót xa khi hơn 70% diện tích rừng cao su bị “phá nát”, thiệt hại đè nặng lên vai người nông dân lên đến hàng trăm tỉ đồng. Không phải ai cũng có thể “gạt nước mắt đứng dậy” sau đại thảm hoạ này.


Thế nên hơn bao giờ hết trong lúc này cả những cơ quan chức năng, những nhà chính sách lẫn người nông dân đều “chép miệng” rằng phải chi có bảo hiểm nông nghiệp thì nỗi đau của họ sẽ nhẹ đi rất nhiều.


“Bàn tay” chính sách chưa với tới










Anh Lê Phước Xuân ở Vĩnh Linh thất thần trước gia tài là vườn cao su đang độ sung sức, cho thu hoạch bị bão quét đổ tan tành Ảnh: TTO



Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vai trò của bảo hiểm nông nghiệp trong bối cảnh người nông dân thường xuyên phải đối diện với những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh trong suốt quá trình canh tác. Thế nên, quyết định số 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 ra đời đã mở ra một giai đoạn mới cho một ngành nông nghiệp giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Theo quyết định 315 thì các đối tượng được bảo hiểm nông nghiệp bao gồm một số đối tượng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như cây lúa, trâu, bò, heo, gia cầm, cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng.


Trớ trêu thay, khi tổng diện tích cao su tăng lên đến 910.500ha trong năm 2012, tăng 13,6% so với 2011 (theo số liệu công bố của tổng cục Thống kê), và có xu hướng tăng cao hơn trong giai đoạn 2012 – 2020 theo kiến nghị của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thì đối tượng “vàng trắng” lại chưa xuất hiện trong danh sách các đối tượng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Điều đáng chú ý hơn, việc trồng cao su thường phân bổ theo các nông trường lớn (không khác so với việc tập trung trồng lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai (đặc biệt là gió bão), thế nhưng sau hai năm triển khai, chính sách bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa chạm được vào đối tượng quan trọng này.


Như vậy, việc thí điểm hiện nay còn có hai khoảng trống rủi ro cần được xem xét và chú ý, bao gồm: i) các đối tượng cây trồng có diện tích lớn, đầu tư chi phí cao trong dài hạn (như cao su, càphê…) và có nhu cầu được bảo hiểm; và ii) các đối tượng nông nghiệp cá biệt có nhu cầu bảo hiểm sản phẩm (do diện tích lớn, do lo lắng và thiên tai). Nghĩa là, chính sách thí điểm thay vì chỉ chú trọng vào một vài đối tượng mà Chính phủ và các cơ quan đánh giá là quan trọng dựa trên kim ngạch xuất khẩu, thì nên chú trọng đến nhu cầu và lợi ích của người dân để xác định đối tượng được bảo hiểm. Thế nên, dù chính sách còn trong giai đoạn thí điểm thì cũng rất cần sự linh hoạt với biên độ cho phép, để hạn chế tối đa những trường hợp “lọt sổ” để lại những thiệt hại lớn.


Cơ chế tài chính phải song song giám sát quy trình cung – ứng









Tại Quảng Bình, sau bão số 10, 10.000/ 18.000ha cao su tại hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch bị gãy đổ. Đây là cao su đã trồng từ 7 – 8 năm trở lên và bắt đầu vào thời kỳ khai thác. Tại Quảng Trị, tính đến ngày 2.10, diện tích cao su bị thiệt hại là gần 10.000ha bị gãy, đổ, xiêu vẹo, chứ không phải chỉ hơn 7.000ha như thống kê sơ bộ ban đầu.



Chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện nay cũng đối diện không ít những khó khăn xuất phát từ các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Thực tế, để xây dựng và triển khai thành công một số sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp thường đòi hỏi một khoảng thời gian đủ dài từ tám đến mười năm, trong khi Việt Nam chỉ vừa thí điểm hai năm. Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp chính là xây dựng một môi trường bảo hiểm có cơ chế tài chính tương đối an toàn (giảm rủi ro để cả nông dân và công ty bảo hiểm có thể đảm bảo lợi ích) – điều Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Một đại diện của ngành là công ty bảo hiểm Bảo Việt cho biết công ty bảo hiểm nông nghiệp không có doanh thu, thậm chí là lỗ do tiền bồi thường vượt quá tổng thu. Trong khi đó, số liệu từ tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam cho biết việc tái bảo hiểm nông nghiệp theo chương trình thí điểm vừa qua đã bị lỗ tới 330 tỉ đồng. Tình trạng “không kham nổi” của các công ty bảo hiểm dẫn đến việc bồi thường cho các hộ nông dân diễn ra chậm, gây khó khăn cho đời sống sản xuất.










Một người dân ứa nước mắt nhìn lại vườn cao su nhà mình sau trận bão. Ảnh: TTO



Như vậy, khâu tính toán tài chính để xây dựng hệ thống bảo hiểm nông nghiệp có vấn đề, dẫn đến không mang về hiệu quả. Bài học từ Ấn Độ – một quốc gia có sự tương đồng cao về nông nghiệp đối với Việt Nam, đã chỉ ra rằng việc quản lý và cung cấp các số liệu thống kê nông nghiệp là rất quan trọng để xây dựng các loại bảo hiểm rủi ro khác nhau với tỷ lệ phí bảo hiểm phù hợp. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc lại sử dụng linh hoạt mô hình hợp tác công – tư (PPP) để điều chỉnh phí hàng năm, nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân lẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, quốc gia này “thanh lọc” các bộ phận quản lý bảo hiểm, tập trung 100% chi phí quản lý cho các công ty bảo hiểm nhằm hạ phí thu cho người nông dân, đồng thời tăng cường vốn hoạt động cho các công ty.


Bên cạnh đó, ở Việt Nam cơ chế bảo hiểm phải song song với chính sách hỗ trợ và giám sát nông nghiệp. Ở góc độ chính sách nông nghiệp, việc nghiên cứu, cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng kháng bệnh cao, được nuôi, trồng theo các mô hình hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… là rất cần thiết để hạn chế gánh nặng các công ty bảo hiểm.


Muốn thế, vai trò Chính phủ càng phải được thể hiện thông qua việc kết hợp các bộ, ban ngành về nông nghiệp và tài chính, để thực hiện chương trình hợp tác công – tư ngành bảo hiểm nông nghiệp.


Thắng Nguyễn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ