Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Bộn bề đau thương sau bão đi qua

Bộn bề đau thương sau bão đi qua

Bộn bề đau thương sau bão đi qua


SGTT.VN - Sau ba ngày cơn bão đi qua, trong hoang tàn đổ nát, người dân tỉnh Quảng Bình đang gắng gượng sống từng ngày để bòn mót từng viên gạch, từng manh áo, từng chiếc chén, đôi đũa để chống chọi với cái đói, cái rét. Đi đến đâu cũng tràn đầy nước mắt do mất mát, người dân dường như bị kiệt sức trước những thiệt hại quá lớn.










Bến tàu xã Cảnh Dương như nghĩa địa tàu ma sau bão.



Tàn sức trong hoang tàn


Bà Nguyễn Thị Lương ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch vật lộn với đống lúa bị ướt sũng nói: “Lo nhất chẳng biết lấy gì mà ăn trong mấy tháng tới, lúa ướt hết mà trời còn mưa, chẳng phơi phóng sau bão được, chắc tui phải vay mượn mà ăn, người làng cũng như tui, bị ướt sạch lúa gạo, làng mà khó thì chỉ còn cách ra đường ăn xin”.


Ở xã Liên Trạch (Bố Trạch), con đường độc đạo ra với bên ngoài là chiếc cầu treo duy nhất đi lại của hơn 1.000 hộ dân trong xã bị hỏng, nên chưa có nhà nào lợp lại được mái nhà. Ông Hoàng Minh Tú, chủ tịch xã nói: “Nhà tui bị tốc mái hết, nhưng dân cũng bị tốc mái thì đi giúp dân trước đã. Xã ở trong hốc núi, cầu hỏng, khó khăn trăm bề, không biết đi mô kiếm vật liệu lợp lại mái. Bà con phải đi bộ cả chục cây số ra đường lộ này xin mua bạt về giăng trên mái nhà ở tạm tránh mưa đã”.


Có mặt tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), nơi bão số 10 giật đến cấp 14, 15 khi đi vào đất liền, chúng tôi thấy cảnh hàng chục tàu đánh cá có công suất lớn đã bị bão và triều cường đánh vật lên đê nằm một dãy dài. Ngư dân Nguyễn Văn Hồng nói: “Tui cùng anh em đầu tư vô tàu 3 tỉ bạc, nhưng chừ nó đánh bay tàu lên đê, thân tàu xiêu vẹo, mất tiền tỉ cả đời tích cóp rồi chú ơi”.


Bẻ dương làm đũa ăn cơm


Ở tỉnh Quảng Bình, đi đâu cũng thấy cảnh thương đau nhà cửa đổ nát, mái ngói xiêu vẹo, trống hoác, những người nghèo lại nghèo thêm sau khi cơn bão đã cướp đi những căn nhà của những hộ dân mà cả đời họ tích cóp được. Xa xa trên xã biển Ngư Thuỷ Bắc (Lệ Thuỷ), chị Ngô Thị Giang chẳng còn gì ngoài mấy bộ áo quần ướt sũng. Liếp nhà nhỏ của chị dựng trên đụn cát của làng đã bị bão thổi bay mất. Bữa cơm của gia đình chị Giang là một chiếc nồi méo mó vừa được chị nấu cơm bằng gạo mốc, sau đó, chị bới ra đặt vào cái mẹt tre đen đúa, rồi lấy nước khe cát nấu ít canh để cả nhà cùng ăn bằng những đôi đũa được làm từ mấy cọng dương bẻ ra.


Cạnh nhà chị Giang là nhà chị Nguyễn Thị Não, gió bão thổi bay nhà ra biển, nền nhà chỉ còn lại trơ chiếc giường rách nơi người chồng của chị bị bệnh tâm thần nằm nghỉ, mọi thứ đồ đạc từ áo quần, xoong nồi đều bị bão quật bay và chôn vùi trong cát. Ăn vội trong khung cảnh hoang tàn bằng đôi đũa bẻ vội từ mấy cành dương sau vườn, vừa lùa mấy hạt cơm đen khét, chị Não vừa khóc cho thân phận không may của gia đình chị, giờ đây, mọi thứ tài sản, vật dụng trong gia đình chị đã bị trời cướp mất.


Khánh kiệt làng biển


Cảnh Dương được đánh giá là xã biển hùng mạnh nhất nhì miền Trung khi mỗi năm tổng doanh thu từ biển ở đây đạt đến cả trăm tỉ đồng. Hơn 10.000 dân trong xã đã sống nhờ những con tàu bám biển Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng sau khi bão số 10 đổ bộ, chúng đã quật nát hơn 100 chiếc tàu, còn 50 chiếc tàu khác bị sóng đánh chìm, hư hỏng. Chị Lê Thị Vân nói như mếu: “Chẳng còn chi nữa chú ơi. Cả nhà hy vọng vào chiếc tàu gần tỉ bạc vay mượn để làm ăn, chừ chìm rồi thì mất trắng, cẩu cái máy lên coi mót được cái vít, cái vỏ chi thì thu lượm gỡ gạc thôi”.


Khắp làng biển Cảnh Dương, đi đâu, chúng tôi cũng thấy cảnh tan hoang tàu cá. Các làng biển khác như: Nhân Trạch, Đức Trạch (Bố Trạch)... cũng điêu tàn, ngổn ngang sau khi cơn bão số 10 đi qua. Tất cả các người dân ở đây đều nghẹn lòng không nói nên lời, bởi toàn bộ tài sản, nhà cửa của họ đã bị cơn bão quét sạch sành sanh.


bài và ảnh Quốc Nam









Phòng chống dịch bệnh sau bão


Ngày 3.10, TS Trần Đắc Phu, cục phó cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết cục đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương vừa trải qua cơn bão số 10 tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa bão lũ. Theo đó, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, xử lý rác thải, xác súc vật chết; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng chloramin B và các hoá chất khử khuẩn thông thường khác để có nước sạch

tại các vùng trọng điểm ngập lụt.


L. Hà







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ