Liên kết trong chuỗi cá tra
Bên bán bị lép vế dẫn đến thất bại từ hợp đồng
SGTT.VN - Đó là nhận xét của ông Nguyễn Phương Lam, trưởng phòng pháp chế VCCI chi nhánh Cần Thơ về nguyên nhân dẫn đến thất bại từ hợp đồng tại hội thảo “Liên kết trong chuỗi cá tra – vấn đề tín dụng và hợp đồng” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 9.10.
Số người nuôi sẽ giảm theo dung lượng thị trường xuất khẩu? Ảnh: Lê Hoàng Yến |
Theo ông Lam, các điều khoản trong hợp đồng mua bán hiện nay đều dựa trên lợi thế của bên mua (bên mua có quyền từ chối nhận hàng, có quyền đánh giá, có quyền hủy hợp đồng, có quyền không nhận nguyên liệu...); trong khi đó lại mô tả hàng hóa quá sơ sài, dễ gây tranh cãi. Đặc biệt, trong các trường hợp ký kết hợp đồng giữa nông dân (bên bán) và doanh nghiệp (bên mua) thì tất cả đều do bên mua soạn thảo.
“Tại sao trước khi mua cá, doanh nghiệp nào cũng xuống hộ nuôi kiểm tra từ thức ăn, kích cỡ, đến màu sắc,… Vậy mà tới lúc muốn “bẻ kèo” thì lại lấy những lý do này lý do kia ra để không mua hoặc thanh toán tiền chậm, phải chăng đó chỉ là cái cớ để bên mua muốn thoái thác trách nhiệm khi gặp rủi ro?” Ông Nguyễn Hữu Nguyên, chủ nhiệm HTX Châu Phú, An Giang, đặt vấn đề.
“Tôi đã dự quá nhiều hội thảo, hội nghị, đã nghe quá nhiều. Và, câu hỏi chưa ai trả lời rõ ràng, đó là tại sao con cá tra có uy tín, từng chiếm lĩnh thị trường như thế mà càng ngày càng đi xuống?", ông Nguyên bức xúc.
Làm sao cải thiện mức tiêu dùng ca tra ở thị trường nội địa? Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Theo TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, trường ĐH Cần Thơ, muốn tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững thì điều đầu tiên là phải kiểm soát được cung cầu, chất lượng và số lượng và phải sản xuất giống tập trungchứ không để tự phát.
“Trong mô hình liên kết chuỗi cá tra, 50-70% hộ nuôi bán cho doanh nghiệp, số còn lại gặp rất nhiều rủi ro mỗi khi có biến động về thị trường”, TS Lộc cho biết.
NGỌC BÍCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét