Tiếc quá những cơ hội thị trường bị bỏ lỡ
SGTT.VN - Càng được nghe nhiều thông tin về các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước, và càng được đi xem thực tế các thị trường lân cận, tôi càng thấy tiếc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sản phẩm Việt Nam ở hội chợ Interfood Indonesia. Ảnh: BSA |
Đầu tháng 8.2013, tôi có chuyến đi Singapore. Một nhóm bạn trẻ hào hứng đưa tôi đi xem một khu chợ Việt “để cô vui vì hàng Việt được bán rất tốt”. Họ đưa tôi đến một khu phố lầu có siêu thị hàng Thái tên Golden Mile. Sao lại đi xem hàng Thái? Ậy, Thái mà Việt cô ơi. Đứng giữa khu chợ hàng Việt, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và rồi đến cảm phục nhà kinh doanh người Thái này. Họ bán thực phẩm Việt mà “rành sáu câu” các kiểu khẩu vị vùng miền Việt Nam. Mắm tôm, cà pháo, tương chao, đủ các món đồ chay của các thương hiệu. Nước mắm, có cả Hồng Hạnh, Liên Thành, 584; bột thực phẩm có cả Tài Ký lẫn Vĩnh Thuận; mì ăn liền đã có Vifon còn có Hảo Hảo… Nghe nói, khu vực này phát đạt và đang mở rộng.
Chắc chẳng phải là họ đang ra sức thực hiện cuộc vận động “ưu tiên dùng hàng Việt” đâu. Động lực thực sự của họ là kinh doanh tốt, lợi nhuận ngon lành, thành ra người Thái đang khai thác cơ hội thị trường “giúp” cho hàng mình. Siêu thị Fair Price ở Singapore tôi cũng đến, chỉ tìm thấy có một món hàng Việt: mấy trái thanh long héo queo. Nay họ đã liên minh với Co.opmart mở Co.opXtra, thêm vây thêm cánh cho hàng Asean vào Việt nam, chẳng biết hàng Việt mình sẽ đến Singapore được bao nhiêu?
Giữa tháng 8, tôi đến Yangon. Tham tán thương mại Trần Phước Anh rất yêu nghề, thẳng thắn: “Các đoàn doanh nhân Việt Nam đến đây tìm hiểu nhiều. Tôi mong doanh nghiệp hành động, làm gì sớm sớm đi, cơ hội nhiều mà mỗi ngày cứ trôi tuột khỏi tay…” Tôi thấm thía điều người tham tán trẻ nói. Bà H. Weu, giám đốc công ty Link A., chuyên phân phối các hàng tiêu dùng nhanh tại Yangon cho rằng hàng hoá mỹ phẩm của Mỹ Hảo bán được cả ở hai kênh: siêu thị và chợ truyền thống. Bà chặc lưỡi tiếc khi nói đến càphê Trung Nguyên, thơm ngon, bao bì đẹp, công ty bà đã đem “test mù”, thấy thị trường thích nhưng Trung Nguyên đang được một nhà phân phối nào đó bán rất bình thường, chẳng tiếp thị và đầu tư dù cơ hội khá lớn.
Đến thăm siêu thị Sein Gay Har, người chủ dùng thử món mít sấy của Vinamit, rất thích thú, sau khi làm một hơi gần nửa gói, ông thẳng thắn nói, loại thực phẩm mít sấy này người tiêu dùng Myanmar chưa từng biết nhưng chúng tôi tin rằng hễ bán là thắng vì rất ngon và độc đáo. Còn nệm mút Vạn Thành, siêu thị Sky Mart cho rằng, giá rất được mà chất lượng cũng “OK”, nên tiếp tục thảo luận.
Công ty Dagon Win Win không ngại mích lòng, góp ý, tại Myanmar bây giờ rất nhiều nước đến làm hội chợ, nếu Việt Nam làm hội chợ kiểu đến hẹn lại lên thì khó thắng hội chợ của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vậy các bạn có gì đặc biệt hơn thì quảng bá đậm nét khác biệt đó mới thắng. Đó là điều mà ông Phước Anh nói, vào Myanmar bối cảnh thị trường này nên nghĩ tới hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, để người Myanmar biết rằng đó là những thương hiệu mạnh nhất, có uy tín nhất với người tiêu dùng Việt thì mới tạo ấn tượng khác biệt.
“Quá nhiều cơ hội bị bỏ lỡ khi mà hiện tại, trong nhiều ngành, hàng Việt mình bị ép đến chân tường trên các kênh phân phối trong, ngoài nước và thực sự cần thị trường như cần oxy để thở”. |
Tạo được ấn tượng khác biệt đã cực kỳ khó, nhưng chỉ có thế cũng không ăn thua. Mỗi doanh nghiệp phải tiếp tục tiếp cận khách hàng, xây dựng hệ thống phân phối ở đây. Đã có những doanh nghiệp Việt Nam lặng lẽ xây dựng hệ thống phân phối cho mình. Thiên Long mất mười năm, mà chỉ ba năm gần đây mới bán được hàng, và doanh số mỗi năm đang tăng 100%. Nói cho cùng, hàng Việt Nam hiện có nhiều ở các siêu thị Myanmar và khá đa dạng, tuy nhiên, còn rời rạc và không tạo ấn tượng. Đồ hộp Vissan, giấy Sài Gòn, bánh Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, càphê Trung Nguyên… có khối lượng đáng kể nhưng cũng không có quảng bá gì đặc biệt và bao bì, hầu hết còn chưa có tiếng Anh, huống gì tiếng Myanmar.
Thực tế này lần nữa chứng minh, hàng Việt Nam có thị trường, bán được nhưng đang được bán kiểu kinh doanh nhỏ lẻ, không có sự hợp tác xúc tiến chung cho thương hiệu Việt Nam để tạo hiệu ứng mạnh, mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm xuất xứ Việt Nam, một lợi thế vì được người Myanmar dành nhiều thiện cảm.
Với thị trường Indonesia, quả thực đang có nhiều định kiến về cơ hội thị trường. Một tờ báo lớn cho rằng, các mặt hàng chính của Việt Nam tương đồng hầu hết với Indonesia nên chắc chúng ta… không có cửa. Lại có ý kiến, đất nước Hồi giáo này đòi hỏi khá khắc nghiệt, chẳng hy vọng gì đâu. Chỉ nói riêng về hàng tiêu dùng, nếu chúng ta biết Thiên Long (văn phòng phẩm), thực phẩm Bích Chi, mít sấy Vinamit, cân Nhơn Hoà (sản phẩm cơ khí), Bùi Văn Ngọ (thiết bị nông nghiệp xay xát lúa gạo), nệm Liên Á (vật dụng nội thất), và hàng loạt thực phẩm công nghệ đã có mặt lâu năm ở Indonesia (cũng là tự doanh nghiệp tìm đường đi riêng lẻ) thì chúng ta phải nhìn nhận lại về cơ hội thị trường ở đây.
Điều cơ bản là nay ta cần quan niệm lại về cơ hội thị trường: các đối tác từ các nước sẽ tương tác với nhau như các khâu trên chuỗi giá trị, chứ không thể chỉ nhìn một thị trường là nơi tiêu thụ hàng của mình. Ví dụ, nếu nhập được cá nguyên liệu của Indonesia về chế biến và lại xuất qua nước bạn thì ta xử lý được khâu thiếu nguyên liệu nhẹ nhàng. Hay tổ chức phối hợp khâu đánh bắt thuỷ hải sản với nước bạn, thế mạnh mỗi bên bù đắp cho nhau để hai bên cùng có lợi cũng là cách khai thác tốt. Nếu không quyết liệt tìm các nguồn nguyên liệu có giá mềm hay giá phù hợp từ các nước chung quanh, thì việc “nô lệ” vào nguồn nguyên phụ liệu của Trung Quốc, khi ta vào TPP lại là một thảm hoạ nữa.
Nghe qua câu chuyện bôn ba thầm lặng rất dũng cảm của các doanh nghiệp Việt Nam, thấy rằng người Việt mình có ý chí kinh doanh nhưng lại ít chịu liên kết. Trong các bài toán khó nhất phải giải quyết của doanh nghiệp Việt Nam thì đầu tiên là vấn đề liên kết. Vâng, liên kết là chuyện sống còn. Về vai trò dẫn dắt của Nhà nước, những cơ quan đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế sẽ chi phối hoàn toàn chuyện làm ăn của doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp nắm thật sâu và đủ, như các vị chuyên gia đàm phán đang chỉ dẫn cho doanh nghiệp gia đình mình vậy. Việc hỗ trợ tài chính nếu cứ như vừa qua thì cũng không cần nữa, rõ ràng lề thói hành chính là kẻ thù không đội trời chung với cơ hội thị trường. Cần hơn là thông tin, là hướng dẫn các thủ tục, các kiến thức cạnh tranh và nhất là lắng nghe doanh nghiệp nói về chuyện làm ăn và nhu cầu của họ. Còn vai trò của các hội và tổ chức xúc tiến? Hãy hỏi doanh nghiệp. Họ có nhiều ý kiến và định hướng hay và thiết thực.
Vũ Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét