Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Câu chuyện của Mohamach Abdoula

Câu chuyện của Mohamach Abdoula

Thâm nhập thị trường Asean:


Câu chuyện của Mohamach Abdoula


SGTT.VN - “Lòng tin là nền tảng để tôi trở thành nhà phân phối lớn”, Mohamach Abdoula, sau mười năm nhập khẩu thiết bị đồng bộ về xay xát lúa gạo của công ty Bùi Văn Ngọ vào Indonesia, đã khẳng định như vậy với các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thực phẩm quốc tế Indonesia đầu tháng 9.2013.










Mohamach chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng vào Indonesia.



Nói như vậy cũng giống như “kinh nghiệm xương máu” của ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT Vinamit sau nhiều năm xuất hàng khắp các châu lục: “Doanh nhân, đi tìm đối tác, trước hết là tìm bạn chứ không chỉ biết có tiền; tập trung sức kiên cố hoá lòng tin, cân bằng tốt lợi ích các tác nhân tham gia chuỗi giá trị thì mới có thể làm ăn lâu dài”.


Hiểu đúng, làm đúng về quốc tế hoá và địa phương hoá


Ở Indonesia, là thành viên hội liên hiệp Nông dân Indonesia và tổng giám đốc PT. VietIndo Jaya, Mohamach Abdoula nói rằng lúc đầu nhập máy xay xát lúa gạo của công ty Bùi Văn Ngọ về, nhiều người hỏi “Có thật là Việt Nam làm được máy này?” Tới khi sử dụng, họ so sánh với máy Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản mới hiểu giá trị máy của Việt Nam và bắt đầu đặt lòng tin.


Indonesia có 35 tỉnh thành, thì 15 tỉnh thành có sức chi phối nền kinh tế xứ vạn đảo. Xu hướng quốc tế hoá tạo thời cơ cho các quốc gia và các doanh nghiệp khôn ngoan tìm được vai trò mình trên chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Mohamach, Việt Nam nhập dầu cọ từ nhiều nước, nhưng nguồn hàng không nhỏ là từ Indonesia. Mỗi năm, Mỹ, EU… bán sang Indonesia 6 – 7 triệu tấn bột mì nhưng cũng lấy từ nhiều nguồn khác. Tương tự thị trường Indonesia có nhiều sản phẩm may mặc, giày thể thao có thương hiệu được làm từ Việt Nam. Hội chợ thực phẩm quốc tế Interfood – Jakarta lần thứ 13 cho thấy cạnh tranh dữ dội giữa các nước về những sản phẩm như bánh phồng tôm, bánh phở, bánh gạo, hạt sen, bột dinh dưỡng, thịt cá chà bông… nhưng điều rõ nét nhất là cửa vào của Việt nam khá rõ miễn là ta biết cách và quyết tâm thực hiện.


“Vào quán càphê thưởng thức chả giò”, Mohamach Abdoula, nói: Đó là cách làm ăn “địa phương hoá” rất được việc ở Indonesia. Cũng theo doanh nhân nửa dòng máu Việt này, đang có cơ hội thành lập công ty vệ tinh “Vietnam House” ở Jakarta, dù còn cần thời gian chuẩn bị kỹ, trong đó có việc tuyên truyền kết nối tới mạng lưới kinh doanh ở Indonesia. Đây sẽ là đối tác tương xứng để nhập khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cung cấp cho thị trường Indonesia.


Trên chuỗi giá trị về thuỷ sản đông lạnh, Mohamach thấy có thể xuất khẩu cá Skipjack Tuna và Baby Tuna Yellow Fin từ xứ vạn đảo sang Việt Nam và sau đó, nhập trở lại món các chế biến tinh xảo, hợp khẩu vị người Indonesia. “80% thực phẩm trên thị trường được tẩm bột”, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc SG Food nhận xét: “Philê basa tẩm bột của SG Food từng xuất sang châu Âu, rất phù hợp thị trường Indonesia”. Mohamach gợi ý: “Mạng lưới trường học thực sự có nhiều cơ hội cho philê basa”.


Trong khi philê basa còn đang tìm thị trường thì bánh phồng tôm Bích Chi rất được ưa chuộng vì nhà phân phối TTS đã chế biến bốn loại nước chấm theo khẩu vị địa phương dùng kèm rất hấp dẫn.


Đứng ở Indonesia, nhiều doanh nghiệp HVNCLC thấy rõ việc cụ thể phải làm do xu hướng quốc tế hoá và cả cách địa phương hoá để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất. Cũng từ đây, SG Food bất ngờ khám phá logo một sản phẩm là SOGood lại khá giống logo của mình. Vậy phải tính chuyện xa hơn sản phẩm, cụ thể là xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. “Địa phương hoá tên thương hiệu; xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới cho thị trường nước ngoài để tránh hàng nhập lậu của chính hãng từ trong nước tuồn ra; kiểm tra lại thiết kế logo xem rủi có trùng hay có tương tự với những doanh nghiệp ở nước ngoài”, ông Trương Cung Nghĩa, phân tích gia cuộc khảo sát thị trường, nói.


Thời khắc hành động cụ thể cho thị trường, đừng cứ chung chung hay rề rà…


Trong chuyến đi, ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc công ty Vinamit ngồi đến quá nửa đêm trao đổi thật cụ thể cùng các doanh nghiệp Nutifood, Bích Chi, SG Food và CLB đặc sản Trà Vinh về con đường trụ vững ở thị trường Indonesia. Họ bàn cách thực hiện những điều ông Mohamach chia sẻ: cách xây dựng đầu mối nhập hàng từ Việt Nam, cách đăng ký chứng nhận Halal và làm sao đạt chứng nhận sản phẩm ASEAN khi khối kinh tế này vận hành vào năm 2015.


Bà Trần Thị Lệ, tổng giám đốc Nutifood đã “thu hoạch” một thùng hàng nặng trĩu mua từ mười ngôi chợ truyền thống ở Jakarta phân tích về giá hàng. Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc SG Food kể kinh nghiệm học được sau khi leo vào kho hàng tìm hiểu cách người Indonesia bảo quản thực phẩm đông lạnh.


Anh Nguyễn Trường Chinh của chả hoa Năm Thuỵ tỉ mẩn chụp ảnh, ghi chép về báo cáo cho CLB đặc sản Trà Vinh. Họ bàn chuyện tiếp tục đi dự hội chợ CANTON FAIR tháng 10 tại Quảng Châu.


Ông Nguyễn Lâm Viên đã xây dựng công ty phân phối ở thị trường này hơn chục năm đã chia sẻ kinh nghiệm: với thị trường Trung Quốc, hãy (1) Tìm một tên theo tiếng Trung Quốc, đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Trung Quốc; (2) Tìm một ngân hàng tại Trung Quốc (ưu tiên ngân hàng Trung Quốc) để giao dịch; (3) Tìm sinh viên Trung Quốc (khoa tiếng Việt) để làm phiên dịch; (4) Tìm nhà phân phối và biết cách chia lợi nhuận cho họ theo kiểu trừ lùi tới nhà sản xuất (giá bán đến người tiêu dùng cuối cùng phải đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý cho từng thành viên của chuỗi phân phối); (5) Nên xem Singapore (hoặc Hong Kong) là nơi để lên sàn (và lập công ty/chi nhánh). Đó là nơi mà dòng vốn dễ chảy về Việt Nam và cuối cùng, nhất thiết phải tìm hiểu những thủ thuật tài chính/ngoại hối.


Hoàng Lan – Trần Nguyên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ