Áp dụng quy định mới
Khu trung tâm TP.HCM không còn chỗ cho ôtô!
SGTT.VN - Chính phủ vừa ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 11/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nghị định cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Vị trí được phép sử dụng tạm thời có kết cấu chịu lực phù hợp và phải đáp ứng ba điều kiện: không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị; phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng đủ cho hai làn xe cơ giới và một làn xe thô sơ cho một chiều đi; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu 1,5m. (Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20.10.2013).
Thiếu chỗ đậu xe, nhiều tài xế phải “ép mình” nửa trên nửa dưới trong tâm trạng hồi hộp vì không biết bị phạt lúc nào. |
Đọc quy định trên, ông Lê Trung Toàn, một người dân sử dụng ôtô làm phương tiện đi lại có nhà ở khu trung tâm TP.HCM, nói: “Khó tìm thấy con đường nào ở khu trung tâm đáp ứng đủ điều kiện mới này”.
Đúng như lời ông Toàn, theo khảo sát của phóng viên trong hai ngày 7 và 8.9, ở khu vực trung tâm thuộc quận 1, 3 có rất ít các tuyến đường đáp ứng được yêu cầu về bề rộng của lòng đường theo quy định mới để có thể tổ chức cho đậu ôtô dưới lòng đường và thu phí. Còn các tuyến đường một chiều có thể đáp ứng được quy định về chiều rộng lòng đường, như đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu thì lưu lượng xe cộ quá lớn – vì là trục ngang chính để ra vào thành phố – thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ nên cũng khó có thể bố trí chỗ đậu ôtô.
Riêng các tuyến đường đang được TP.HCM cho phép đậu ôtô dưới lòng đường thì dù có “căng kéo” cỡ nào cũng không thể áp được quy định mới của Chính phủ, như đường Trần Quốc Thảo (đoạn từ Tú Xương – Võ Văn Tần), đường Lê Quý Đôn (đoạn từ Lý Chính Thắng đến Tú Xương), đường Huyền Trân Công Chúa, Alexandre De Rhodes, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Siêu…
Theo ông Toàn, nếu không được gửi xe dưới lòng đường như lâu nay thì “không ai chịu nổi với các bãi xe” vì phải trả 30.000 – 50.000 đồng cho 5 – 10 phút gửi xe, đó là chưa kể các bãi xe trong khách sạn. Ông Vũ Quang (nhà ở quận 9), kể “chỉ một buổi sáng chạy xe vòng qua vài ba chỗ khu trung tâm để liên hệ công việc đã mất gần 200.000 đồng tiền gửi xe”. Ông Toàn kiến nghị: “Trong điều kiện các tuyến đường ở khu trung tâm không thể mở rộng được hơn nữa, các bãi giữ xe ngầm quy mô lớn chưa được đầu tư, nên chăng TP.HCM xin “cơ chế riêng” để tạo điều kiện cho người dân có chỗ đậu xe với chi phí phải chăng”. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một cán bộ sở Giao thông vận tải (đề nghị không nói tên) cho rằng, nghị định do Chính phủ ban hành thì các tỉnh, thành phố đều phải thực hiện.
Trước đây, để giải quyết tình trạng thiếu bãi giữ xe ôtô cũng như xe máy, từ tháng 11.2009 thành phố đã ban hành danh mục 73 tuyến đường được đậu xe dưới lòng đường có trả phí và 160 tuyến đường được phép giữ xe trên vỉa hè. Sau thời gian triển khai nảy sinh nhiều bất cập, giữa năm 2012, TP.HCM đã rút lại nhiều tuyến đường cũng như vỉa hè trong danh mục được sử dụng tạm. Theo đó, hiện tại chỉ còn 69/160 tuyến đường sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công có thu phí, và bỏ 34/73 tuyến đường đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Từ đó, tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe, nhất là ôtô đã trở nên trầm trọng.
bài và ảnh: Đào Lê
Dễ thở hơn cho xe gắn máy! Theo quy định mới, vỉa hè được sử dụng để giữ xe, chỉ cần chừa ra 1,5m cho người đi bộ là được. “Vỉa hè rộng ở TP.HCM rất nhiều, bởi các tuyến đường sau này khi đầu tư xây dựng đều có vỉa hè trên 3m. Điều này, nếu TP.HCM “thoáng” một xíu, cho thuê thêm hàng loạt các vỉa hè rộng làm bãi giữ xe thì rõ ràng bãi giữ xe máy sẽ không còn khan hiếm như hiện nay”, ông Quách Hải Văn, một người dân ngụ đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc cho phép lập bãi giữ xe phải được quản lý, kiểm soát chặt, nếu không vì lợi nhuận người ta sẵn sàng đẩy người đi bộ xuống đường. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét