Vasep phản đối kết quả vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh VN tại Mỹ
SGTT.VN - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ngày 14.8, đã ra thông cáo phản đối quyết định về mức thuế chống trợ cấp (CVD) của bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
VASEP đề nghị ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.
Quyết định áp thuế CVD là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường. Ảnh: TL |
Ngày 12.8.2013, bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam. Theo thông báo gửi đăng Công báo Liên bang do ông Paul Piquado, trợ lý bộ trưởng, phụ trách Cục quản lý nhập khẩu DOC ký ngày 12.8.2013, DOC đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp lên các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam. Cụ thể: mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc là công ty Thủy sản Minh Quí (Minh Qui Seafoods Co. Ltd) là 7,88% và công ty Thủy sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Co.) là 1,15%; mức thuế suất CVD toàn quốc cho tất cả các công ty khác là 4,52%.
Theo Vasep, quyết định áp thuế CVD là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua.
Quyết định này, cùng với việc đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ là một quyết định không công bằng, đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm và gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.
Không chỉ ngành tôm của Việt Nam và các nước khác chịu thuế CVD này bị ảnh hưởng nặng nề mà chính người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng sẽ chịu tác động trực tiếp. Họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ. Tôm nhập khẩu chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Hoa Kỳ. Đáng quan tâm hơn nữa, năm 2012, ngành tôm nội địa Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả sản lượng và giá cả, cho thấy tôm nhập khẩu không có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại ngành đến tôm nội địa của Mỹ.
Các Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét