Thờ gia thần và những cắt nghĩa lý thú
SGTT.VN - Tập tục và tín ngưỡng thờ gia thần của người Việt quả là phong phú, nhưng cũng phức tạp, vì nó phát xuất từ nhiều cội nguồn cùng quan niệm, triết lý, ảnh hưởng khác nhau. Vượt lên trên các nghi thức thờ cúng thông thường, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần (NXB Văn Hoá Văn Nghệ, 2013) vừa phát hành của Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc đưa ra những cắt nghĩa lý thú về các cơ sở cấu thành tín lý thờ gia thần.
Vì tựa đề khô khan và cách trình bày trang nghiêm, sách này có thể khó thu hút người đọc bình thường khi đối diện nó tại nhà sách nào đó. Thế nhưng, chỉ cần có một chút thắc mắc hay tự hỏi về các tín ngưỡng mà cha ông, tổ tiên truyền lại, vẫn hiện diện xung quanh đời sống, giở sách này ra, hẳn nhiên sẽ tìm được nhiều cắt nghĩa lý thú.
Sách này chạm đến ba thế mạnh mà khó một quyển nào cùng chủ đề có thể sánh kịp. Thứ nhất, dù giới hạn về số trang (gần 180 trang) nhưng đã bao quát từ nguồn cội cho đến các phái sinh, ứng biến trong việc thờ gia thần của người Việt từ Nam ra Bắc; đặc biệt là khu vực Nam bộ và các ảnh hưởng từ Trung Hoa, Ấn Độ. Huỳnh Ngọc Trảng (sinh 1952) là nhà nghiên cứu văn hoá từng trải, đã có nhiều tác phẩm về chủ đề này, nên sự xâu chuỗi rất linh hoạt, đa diện, nhiều phát hiện.
Thứ hai, không chỉ dừng ở việc cắt nghĩa một cách khô khan theo giọng đặc khảo các chủ đề thuộc phạm vi tôn nghiêm, mà sách đã bình dị hoá các triết lý sâu xa vào giọng văn có tính cách du ký, nên gần gũi, hấp dẫn. Đây là giọng văn phổ biến trong các sách du ký văn hoá, nhằm thu hút độc giả một cách rộng rãi nhất. Dù như vậy, nhưng tác giả vẫn bảo đảm lập luận, dẫn chứng và hàm lượng thuật ngữ một cách dồi dào, để giúp người đọc thông thường và cả giới nghiên cứu có thể căn bản nắm bắt được triết lý thờ gia thần.
Thứ ba, cấu trúc của cuốn sách vừa chia theo trình tự vấn đề để dễ theo dõi, vừa có tính khu biệt hoá và nâng cao qua từng chương. Cho nên, độc giả có thể chỉ cần đọc chương 1 và 2 (khoảng 30 trang) cũng đủ nắm được triết lý căn bản về thờ cúng tổ tiên và thờ ông Táo – nhất gia chi chủ. Từ chương 2 đến chương 5 là các thần độ mạng, thần bản gia – bản thổ, các thần linh thượng giới…; nếu có quan tâm thì tìm hiểu tiếp theo.
Ví dụ khi viết ông Táo, trang 40, có đoạn: “Trong thời gian ông Táo về trời, người ta kê tạm mấy hòn gạch để đun nấu và đến 30 tháng chạp, sau khi rước ông Táo, người ta mới đặt ba ông Táo mới và nhóm bếp lửa mới. Tập tục gầy lửa mới hàng năm này khá gần với nghi lễ lửa mới của đạo Công giáo được cử hành trong đêm lễ Phục sinh, và đặc biệt tương đồng với nghi lễ này của Thần đạo (Shinto/Nhật Bản) vào dịp lễ Năm mới. Ông Táo/Táo quân về trời và trở lại nhiệm sở được thông qua các nghi lễ nói trên hàm chứa ý nghĩa tẩy uế và tái sinh. Sự hiển thánh của bộ ba ông Táo, ba nhân vật chính trong sự tích Táo quân coi ra cũng thông qua việc chết thiêu trong lửa”.
“Thần tích của thần Bếp (Táo quân/ba ông Táo) là một chuyện kể đậm chất thế sự hơn là thần thoại. Sự tích hiển thánh bộ ba gồm hai nam một nữ này mang tính chất suy nguyên về quẻ Ly hoả của quan niệm Dịch lý, gồm hai hào dương kèm giữa một hào âm”.
Trích chi tiết hai đoạn như vậy để thấy được tính xâu chuỗi và lật lại vấn đề là thế mạnh của sách này. Với các độc giả bình thường, sách không chỉ nói chuyện tín ngưỡng thường nhật, mà còn cung cấp tri thức có tính liên thông và phân tích, tổng hợp về tín lý thờ gia thần. Với các độc giả tầm cao hơn, cách xâu chuỗi này tạo ra một điểm nhìn vừa khách quan (trong cuộc sống nó như vậy) vừa chủ quan của con mắt nhà nghiên cứu có thẩm quyền.
Hiền Hoà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét