Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Khoanh vùng cứu rùa quý

Khoanh vùng cứu rùa quý

Kết nối thiên nhiên


Khoanh vùng cứu rùa quý


SGTT.VN - Thông tin UBND Quảng Ngãi trong tháng 7 qua đã quyết định xây dựng trung tâm cứu hộ và quy hoạch khu bảo vệ sinh cảnh loài rùa Trung bộ tại huyện Bình Sơn, được những người yêu thiên nhiên coi là biện pháp tích cực mở ra cơ hội sống sót cho loài rùa quý.










Các nhà khoa học đang khảo sát lần cuối hiện trạng khu bảo tồn sinh cảnh rùa Trung bộ xã Bình Khương.



Viện Sinh thái học miền Nam, thuộc viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ là một đối tác chính cùng với chương trình bảo tồn rùa châu Á triển khai dự án trên. Dự kiến từ tháng 8.2013 đến tháng 5.2014, sẽ tiến hành xây dựng trung tâm cứu hộ; từ tháng 6.2014 trở đi tiến hành các hoạt động phục hồi sinh cảnh tự nhiên cho loài rùa Trung bộ.


“Hot” bên bờ tuyệt chủng


TS Vũ Ngọc Long, viện trưởng viện Sinh thái học miền Nam cho biết, rùa Trung bộ có tên khoa học Mauremys annamensis (Siebenrock, 1903), bộ rùa (Testudinata), họ rùa đầm (Emydidae), có kích thước nhỏ, chiều dài mai 28 – 30cm. Mai rùa màu xám sẫm, yếm màu vàng hay da cam, có những đốm lớn màu đen ở mỗi tấm yếm, hơi dẹp, sau mai không có răng cưa, trên mai có ba gờ chạy dọc, gờ giữa lưng rõ nhất. Đầu rùa màu nâu sẫm hoặc xám đen, mỗi bên có ba sọc màu vàng: một từ sau mũi qua phía trên ổ mắt tới cổ, một sọc khác lớn hơn từ mũi qua ổ mắt và màng nhĩ tới cổ, và một chạy dọc phía dưới hàm tới cổ. Sinh cảnh của chúng là suối và đầm lầy, nơi nước chảy chậm hay tĩnh; ăn tạp các loài côn trùng, giun, cá và thực vật thuỷ sinh. TS Long cho biết: “Loài rùa Trung bộ đang được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt vì tính đặc hữu, có khu vực phân bố rất nhỏ hẹp và hạn chế. Một điều rất đáng quan tâm là loài rùa này chỉ được tìm thấy ở vùng đất ngập nước ở miền Trung Việt Nam từ Đà Nẵng vào đến tỉnh Phú Yên”.


Cũng theo TS Long, loài rùa Trung bộ này đang trên bờ tuyệt chủng vì bị mất nơi cư trú và kiếm ăn do việc chuyển đổi nhanh chóng các vùng đất ngập nước nội địa trong tự nhiên thành đất nông nghiệp, hoặc ô nhiễm môi trường trong quá trình đô thị hoá, mà hầu hết các vùng đất ngập nước tự nhiên bị thoái hoá và phân cắt nhỏ.










Loài rùa Trung bộ – Mauremys annamensis.



Bò từ thực đơn vào Sách đỏ


Theo nghiên cứu của TS Long, vào những năm 1980, người ta còn thấy sự xuất hiện của loài này trong môi trường tự nhiên, thậm chí ngay trên ruộng lúa dưới chân đồi sim cằn cỗi, hay các vũng nước nhỏ giữa các bụi dứa dại đầy gai sắc nhọn ven suối các tỉnh ven biển Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nay số lượng rùa Trung bộ đã bị suy giảm rất nhiều và hiện tại rất hiếm gặp cá thể loài này trong tự nhiên. “Mặc dù được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã nhưng trên thực tế, vẫn chưa thể ngăn chặn sự truy lùng của những kẻ săn rùa cho các thực đơn ẩm thực truyền thống được cho là rất bổ dưỡng, có giá trị chữa bách bệnh…”, TS Long bức xúc.


Quần thể rùa Trung bộ bị săn bắt ráo riết với số lượng lớn trong tự nhiên và buôn bán trái phép ngày càng nhiều. Cho đến nay, chưa có ghi nhận nào về rùa Trung bộ ở các khu bảo tồn thiên nhiên đã được khoanh vùng, “điều này làm tăng thêm mức độ cấp thiết của việc khoanh vùng, bảo vệ môi trường sống cho rùa Trung bộ – loài vật quý hiếm đang dần biến mất trên bản đồ Việt Nam”, TS Long nhận định.


Nguyễn Linh San


ảnh: Vũ Ngọc Long









Mục tiêu dự án


Trung tâm cứu hộ rùa Bình Sơn được thành lập tại khu vực phân bố tự nhiên của chúng ở miền Trung để nhân nuôi bảo tồn loài. Trung tâm sẽ tiếp nhận các cá thể rùa Trung bộ được sinh sản thành công ở Mỹ, châu Âu và trung tâm bảo tồn rùa vườn quốc gia Cúc Phương để tiến hành nhân nuôi và thả về tự nhiên. Mục tiêu của dự án là thành lập khu bảo vệ sinh cảnh cho rùa Trung bộ, tạo môi trường sống tự nhiên cho loài. Đây là một trong những khu bảo vệ sinh cảnh đầu tiên ở Đông Nam Á để bảo tồn loài rùa cực kỳ nguy cấp này.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ