Sẽ có bến tàu khách quốc tế trên sông Nhà Bè
SGTT.VN - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong tờ trình “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030” vừa được cục Hàng hải Việt Nam trình bộ Giao thông vận tải.
Các bến trên sông Sài Gòn sẽ từng bước di dời, trong đó tận dụng một phần cầu bến tại Khánh Hội để làm bến tàu khách nội địa và trung tâm dịch vụ hàng hải. Ảnh: T.L |
Hiệp Phước: hàng, Sài Gòn: khách
Cụ thể, các cảng thuộc TP.HCM trong nhóm cảng số 5 (Đông Nam bộ) được xác định như sau:
Khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) là khu bến chính của cảng, phát triển thay thế các bến hiện có trên sông Sài Gòn hiện nay và là đầu mối tiếp chuyển hàng xuất nhập khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cảng Hiệp Phước sẽ chủ yếu làm hàng tổng hợp, container cho tàu trọng tải đến 5 vạn DWT và tàu container sức chở 4.000 TEU. Luồng qua cửa Soài Rạp được cải tạo nâng cấp từng bước cho tàu 5 vạn DWT ra vào. Khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai sẽ là khu bến container chính của khu vực trong giai đoạn trước mắt, quy mô tiếp nhận tàu 2 – 3 vạn DWT vận hành theo luồng Lòng Tàu.
Đối với khu bến trên sông Sài Gòn, Nhà Bè: các bến trên sông Sài Gòn sẽ từng bước di dời (theo quyết định 791 của Thủ tướng từ năm 2005), trong đó tận dụng một phần cầu bến tại Khánh Hội để làm bến tàu khách nội địa và trung tâm dịch vụ hàng hải. Các bến trên sông Nhà Bè sẽ không mở rộng cho tàu trọng tải đến 3 vạn DWT vận hành qua luồng Lòng Tàu mà sẽ xây mới thành bến tàu khách, tiếp nhận tàu du lịch quốc tế đến 5 vạn GRT tại Phú Thuận (hạ lưu cầu Phú Mỹ).
Cũng theo đề xuất này, cảng Vũng Tàu – Bà Rịa Vũng Tàu sẽ là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại 1A) với các khu chức năng: hàng tổng hợp, container xuất nhập khẩu trên tuyến biển xa kết hợp làm trung chuyển container quốc tế sẽ do bến chính Cái Mép, Sao Mai – Bến Đình đảm nhận, tiếp nhận được tàu chở container từ 8.000 – 15.000 TEU. Khu vực Sao Mai – Bến Đình cũng có thể tiếp nhận được tàu chở khách du lịch quốc tế 10 vạn GRT để trở thành đầu mối tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn cho toàn vùng.
Vân Phong chỉ còn là cảng tổng hợp?
Đồng thời với việc cảng Vũng Tàu – Bà Rịa Vũng Tàu trở thành cảng cửa ngõ quốc tế, cảng Vân Phong, từ chỗ được quy hoạch để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, thì tại quy hoạch điều chỉnh này, tờ trình xác định Vân Phong trong giai đoạn đầu phát triển các bến tổng hợp và chuyên dùng cho tàu biển trọng tải lớn. Điều này được đánh giá là phù hợp với tiến trình đầu tư khu kinh tế Vân Phong. Trong đó cảng có các khu chức năng cụ thể như: khu bến Đầm Môn (Bắc vịnh Vân Phong) sẽ có chức năng chính là tổng hợp container, có bến chuyên dùng khách du lịch quốc tế và hàng khác, phục vụ trực tiếp khu công nghiệp – đô thị Hòn Gốm, Bắc Vân Phong. Dẫu vậy, Đầm Môn vẫn được coi là “khu tiềm năng phát triển về lâu dài để đảm nhận vai trò trung chuyển container quốc tế”.
Còn nhớ, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hoà cuối tháng 7 vừa qua, cục trưởng cục Hàng hải Nguyễn Nhật cũng thừa nhận, theo quy hoạch trước đây, cảng Vân Phong là cảng trung chuyển container quốc tế cấp 1A. Tuy nhiên, hiện nay nước ta đã có hai cửa ngõ quốc tế ra biển là cảng Cái Mép – Thị Vải ở phía Nam và cảng Lạch Huyện ở phía Bắc nên cần rà soát, quy hoạch lại cảng Vân Phong cho hợp lý.
Ông Nguyễn Mạnh Ứng, phó tổng giám đốc công ty Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển cũng cho rằng, Vân Phong đã bỏ lỡ cơ hội trở thành cảng trung chuyển quốc tế, ít nhất cũng là trong 20 năm tới. Theo chuyên gia này, hiện cả ba cảng ở khu vực Cái Mép – Thị Vải đã đón được tàu mẹ trên 11.000 TEU, nên hàng hoá xuất khẩu của toàn khu vực động lực kinh tế phía Nam có thể đi thẳng tới châu Âu và Bắc Mỹ mà không cần phải trung chuyển tại bất kỳ cảng nào khác.
Chí Hiếu
Cần 350.000 – 500.000 tỉ đồng Theo cục Hàng hải, để phát triển hệ thống cảng biển từ nay đến 2030 (theo đề xuất tại quy hoạch điều chỉnh nói trên), dự kiến cần một khoản kinh phí lên đến 350.000 – 500.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn từ nay đến 2020 cần khoảng 250.000 – 280.000 tỉ đồng – không kể kinh phí đầu tư xây dựng các bến/cảng chuyên dùng. Trong số này, dự tính nguồn từ ngân sách (kể cả ODA) bỏ ra khoảng 170.000 – 245.000 tỉ đồng (giai đoạn đến năm 2020 là 120.000 – 170.000 tỉ đồng), chiếm khoảng 45% tổng nhu cầu vốn. Tiền từ ngân sách để tập trung chủ yếu đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (như luồng vào cảng, đê chắn sóng, đầu mối logistics tại cảng). Còn lại 55% nhu cầu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng bến cảng, trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý, khai thác cảng sẽ do các doanh nghiệp kinh doanh cảng huy động. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét