Nhật ký trên những đôi giày
Tết Hoa đăng Nakhon Phanom
SGTT.VN - Nakhon Phanom xa xôi hẻo lánh miền Đông Bắc Thái Lan được nhiều người Việt biết, vì Hồ Chủ tịch từng sống, hoạt động ở đó. Đã có tour đưa khách Việt đến đây. Nhưng ít ai biết miền đất quanh năm bình yên này có một lễ hội độc đáo, duy nhất trên đất Thái, thu hút khách địa phương, quốc tế nô nức đổ về những ngày thu tháng 10 – Lhai Ruahfai Festival.
Những điệu múa hoành tráng trước ngôi chùa cổ Phra That Phanom. |
Lhai Ruahfai hay Lai Rue Fai theo tiếng địa phương, tiếng Anh là Illuminated Boat Procession… nhưng anh Dew, người Thái gốc Việt ở Nakhon Phanom cứ kêu tôi gọi là tết Hoa đăng cho gọn. Vì dù có đua thuyền, rước thuyền, nhảy múa hát ca… điểm chính của lễ hội chín ngày là những con thuyền hoa đăng sáng rực trên dòng Mekong.
Nhiều nguồn gốc, có truyền thuyết cho rằng để tạ lỗi nữ thần sông do con người đã sử dụng, làm bẩn sông suối. Nơi khác lại nói, để mừng mùa chay kết thúc. Nơi kia rằng, để tạ ơn Phra Mae Kong Ka – Mẹ Nước… Tết Hoa đăng tổ chức dịp tròn trăng tháng 10 mỗi năm. Kéo dài 9 ngày, tết Hoa đăng hoành tráng lộng lẫy nhất vào đêm rằm, cũng là đêm cuối. Ham vui, tôi đến sớm. Mấy ngày coi đua thuyền, ca hát nhảy múa… riết hơi ngán, nghe ở huyện nhỏ That Phanom có một buổi biểu diễn lạ, tôi nhảy song-thẻo tìm đến.
Và, may mắn được chiêm ngưỡng buổi lễ đẹp, trước ngôi chùa đẹp Phra That Phanom.
Múa giao lưu, tán tỉnh nhau bên chùa cổ. |
Vũ điệu chim công trước ngôi chùa xưa
Chùa Phra That Phanom cổ, quan trọng nhất miền Đông Bắc Thái và cả xứ Lào bên kia dòng Mekong. Theo truyền thuyết, ngôi bảo tháp cao 57m được chạm trổ cẩn dát tinh xảo 112kg vàng, có lưu giữ xá lợi Phật, đã được xây dựng lần đầu những năm 2.500 trước CN. Qua dâu bể, ngôi chùa hiện nay, dù “trẻ” hơn, cũng đã năm thế kỷ tuổi tác – được xây bởi một vị vua Lào (!), ngày miền này còn thuộc bên đó. Dáng dấp thanh thoát chùa xứ Lào, lấp lánh vàng đỏ chùa Thái, Wat Phra That Phanom là nơi thờ phụng linh thiêng của người dân ở hai bên dòng Mekong, và cả từ nhiều nơi xa về.
Hôm nay cũng vậy. Người về, chen kín khoảng sân thênh thang trước chùa, háo hức chờ xem vũ điệu chim công, chỉ trình diễn mỗi năm hai lần vào tết Hoa đăng và lễ rằm tháng 2. Nam thanh nữ tú của các dân tộc ít người từ núi rừng nương rẫy giờ xúng xính, lấp lánh trong những trang phục dân tộc đặc sắc. Hình như đã thống nhất nhau nên mỗi đội, đặc trưng cho từng dân tộc Phu Thai, Thai Yo, Saek… chọn những màu không trùng lắp. Khoảng sân trước chùa lấp lánh như chú công đang khoe mẽ...
Rồi dưới nắng thu xanh ngắt, các bạn say mê trình diễn các điệu múa kể về câu chuyện đẻ đất đẻ nước, chuyện chiến chinh, chuyện làng mạc mùa màng, chuyện lứa đôi hẹn hò… trong tiếng nhạc dân tộc khi rắt réo lúc dặt dìu. Mấy tiếng đồng hồ qua nhanh. Mọi người ồ lên khi đội Phu Thai xuất hiện với những chiếc lông công lấp lánh múa nhịp nhàng, dáng uyển chuyển làm khán giả mê say – vũ điệu kết thúc buổi biểu diễn.
Những chiếc thuyền hoa đăng được tạo hình bằng những cái “đèn lon” và đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. |
Rực rỡ đêm hoa đăng trên sông Mekong
Về lại Nakhon Phanom, phố phường dậy lên tiếng reo hò cổ vũ các đội đua thuyền đang vun vút trên Mekong – có cả những khách mời từ Thà Khẹt, Lào bên kia sông. Tôi cũng tham gia hò hét nhưng lòng cứ háo hức chờ đêm xuống, những “con thuyền” hoa đăng rực rỡ xuất hiện trên dòng Mekong. “Thuyền” thực ra là những giàn giáo tre cao ngất, dựng trên những chiếc bè tre, treo đèn xếp hình con thuyền,… đốt đèn lên là những con thuyền đỏ rực xuất hiện. Đèn, lúc chưa đến đây nghĩ rằng giờ đã dùng bóng điện cho tiện, an toàn, nhưng không. Các bạn vẫn dùng đèn dầu. Chỉ tiện hơn là thay vì đèn chai ngày trước, giờ làm từ lon kim loại đã sử dụng của các loại sữa, càphê… uống một lần, mà từng ngôi làng đã phải chuẩn bị trong nhiều tháng. Chỉ một thuyền hoa đăng cỡ vừa, dài 60m, cao 20m đã sử dụng đến 10.000 chiếc đèn. Những thuyền dài đến 110m, cao 40m thì số lượng đèn lên đến vài mươi ngàn, tuỳ theo các hình sắp xếp trên đó. Nếu dùng bóng đèn điện, chỉ vài phích cắm sẽ xong. Nhưng treo lên mươi ngàn ngọn đèn theo những đường nét chuẩn để tạo hình, rồi đốt sáng chừng ấy đèn cho một con thuyền… thời gian và công sức không phải là nhỏ.
Từng con thuyền hoa đăng chầm chậm trôi trên Mekong, làm sông đen bừng sáng. Vài mươi chiếc thuyền là bấy nhiêu hình ảnh khác nhau rực sáng. Từ hình ảnh quốc vương Bhumibol Adulyadej cùng hoàng hậu, đến các vị cao tăng, các dân tộc anh em trong khối Asean… đều được thể hiện linh hoạt, rõ ràng, sắc nét dù chỉ làm từ những ngọn đèn dầu hoả. Sông đen lấp lánh, rồi càng lộng lẫy hơn khi pháo hoa từ những thuyền hoa đăng bay lên, rực rỡ với người vui... Đám đông ngây ngất trong tiếng reo hò mừng tết Hoa đăng, cầu mong một mùa no ấm lại về.
Đêm hội kéo dài tới sáng hôm sau ở sân khấu ca nhạc trước toà thị chính. Chia tay phố đang ngủ yên sau ngày mệt nhoài hội hè, chia tay những người bạn Thái gốc Việt thân tình… tôi mong một mùa nao sẽ lại về... Chờ tôi nhé, Nakhon Phanom!
bài và ảnh: Trần Hoàng Bảo
Có thể từ Quảng Trị lên đường 9, ngang Lào, sang Thái (Mukdahan) đến Nakhon Phanom trong ngày. Cách Bangkok 740km, xe đêm từ bến Bắc Bangkok (10 tiếng, từ 300.000 đồng), là lựa chọn tiết kiệm khác. Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở bản Nachok cách phố 4km là điểm đến của nhiều du khách. Khách sạn nhiều, từ bình dân 120.000 đồng/phòng, đến cao cấp bên bờ sông Mekong. Nhiều quán Việt cho du khách chưa quen các món Thái – Lào, dù thức ăn Isan của vùng này rất nổi tiếng. Tết giá vẫn bình thường, 20.000 – 30.000 đồng/phần ăn đơn giản. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét