Không ngoại ngữ làm sao hội nhập?
SGTT.VN - Mới đây, phương án bỏ ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi chính trong dự thảo về đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã làm dư luận tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng tình với giải pháp của bộ vì cho rằng sẽ tạo nên sự công bằng cho các học sinh vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, số còn lại thì cho rằng bỏ ngoại ngữ khác nào nền giáo dục đang đi lùi.
Vì học sinh hay vì thành tích?
Theo lý giải của bộ GD-ĐT, “không bỏ môn thi ngoại ngữ và khuyến khích học sinh thi môn này để cộng điểm tốt nghiệp” là vì việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập. Hơn nữa, năng lực của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa còn thua kém đối với học sinh tại các thành phố. Hình thức thi ngoại ngữ bằng trắc nghiệm lạc hậu và chưa đánh giá được năng lực ngoại ngữ thực sự của học sinh.
Bỏ ngoại ngữ khác nào nền giáo dục đang đi lùi? Ảnh: VNE |
Thực tế những mô tả của bộ về thực trạng dạy và học ngoại ngữ như trên là tương đối chính xác. Tuy nhiên, không bắt buộc thi ngoại ngữ để tìm cách giải quyết thực trạng này là điều dường như không hợp lý. Đơn cử như việc viện cớ “thi trắc nghiệm lạc hậu”. Nhiều nước trên thế giới, đối với môn ngoại ngữ (và nhiều môn khác) đều sử dụng lối thi trắc nghiệm đánh giá kiến thức học sinh. Các chứng chỉ Anh ngữ Quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC... đều dùng hình thức trắc nghiệm, trừ thi nói, thi viết. Vậy là, vấn đề không phải là thi trắc nghiệm lạc hậu, mà là chúng ta quá nặng ngữ pháp, từ vựng mà bỏ qua nghe nói.
Bên cạnh đó, nhìn lại tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, các tỉnh vùng sâu vùng xa đa số đều đạt trên 90%, thậm chí có tỉnh thành đạt trên 95%. Như vậy, dù trình độ chênh lệch nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy môn thi ngoại ngữ đang tạo ra sự mất công bằng, nhất là khi các học sinh vùng sâu vùng xa trước giờ có điểm cộng ưu tiên theo vùng.
Thiết nghĩ, nếu nói ủng hộ bỏ môn thi ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi chính thức vì công bằng cho học sinh vùng sâu vùng xa, vì chuẩn bị cho cải cách giáo dục như cái cách giải thích của bộ GD-ĐT thì chưa thuyết phục. Có chăng, nghi vấn về “bệnh thành tích” tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông lại hiện ra?
Nên giữ “kim chỉ nam” để học sinh phấn đấu
Nhìn một cách tổng thể về giáo dục ngoại ngữ nước ta, nếu môn này chỉ được xem là môn khuyến khích, nghĩa là “môn được quyền bỏ thi”, thì dường như chúng ta đang “xây nhà ngược”.
Trước đây, hoà theo xu hướng hội nhập và nhu cầu tuyển dụng, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được một số trường đại học áp dụng. Sau đó, nhận thức được lỗ hổng kiến thức và sự xuất phát không đồng bộ về trình độ, một số trường đại học yêu cầu sinh viên phải thi đầu vào ngoại ngữ, thậm chí phải đạt chuẩn đầu vào mới được học chuyên ngành. Tất cả những yêu cầu về chuẩn đầu vào, đầu ra ngoại ngữ thời đại học là động lực để sinh viên tiếp cận và học ngoại ngữ.
Trong khi đó, cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho học sinh phổ thông. Mới đây, sở GD-ĐT TP.HCM công bố thang điểm cụ thể về chuẩn đầu ra tiếng Anh cho học sinh từ tiểu học đến hệ trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.
Nhìn sang các nước bạn trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia hay ngay cả Campuchia, họ xây dựng nền giáo dục ngoại ngữ dựa trên chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông. |
Như vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng học sinh phổ thông phải đạt một trình độ ngoại ngữ nhất định, trước khi bước vào giai đoạn giáo dục cao hơn. Chuẩn đầu ra mà TP.HCM xây dựng sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học ngoại ngữ. Đó còn là động lực cho học sinh nỗ lực học ngoại ngữ để có thể tốt nghiệp phổ thông, vào được các trường đại học lớn và nhận được những cơ hội về việc làm, du học ngay khi rời ghế phổ thông.
Cái khó của chúng ta là không thể đồng loạt áp dụng mô hình của TP.HCM vì sự chênh lệch về điều kiện học tập. Thế nên, khi chưa có chuẩn đầu ra, thì ít nhất việc bắt buộc thi ngoại ngữ để tốt nghiệp phổ thông nên được giữ để làm kim chỉ nam cho học sinh lẫn thầy cô phấn đấu dạy và học.
Còn nhớ năm ngoái, đoạn clip rất nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM đồng loạt xé đề cương môn lịch sử vì không thi tốt nghiệp gây chấn động dư luận. Chưa ai biết được liệu chỉ dùng hình thức khuyến khích thi ngoại ngữ thôi thì có đoạn clip tương tự nào nữa đối với đề cương ngoại ngữ hay không.
Làm sao nói “hội nhập” mà không biết ngoại ngữ
Cụm từ hội nhập dường như xuất hiện trong hầu hết các văn bản, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong suốt những năm qua. Việc mở cửa cho các đơn vị nước ngoài vào mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội, trong đó phải nói đến luồng khoa học – công nghệ, thông tin mới, và các mô hình giáo dục, y tế, văn hoá – xã hội hiện đại, hữu ích. Để tiếp thu được những giá trị trên, đòi hỏi chúng ta phải dùng “cặp kính” ngoại ngữ để có thể hòa nhập được vào môi trường mới. Từ đó mới có thể hiểu, vận dụng chúng vào xây dựng và phát triển đất nước.
Hội nhập còn mở ra cánh cửa cho nguồn nhân lực Việt Nam, khi các học sinh từ bậc phổ thông đến đại học, sau đại học có nhiều cơ hội ra nước ngoài học tập bằng nguồn tài trợ. Tuy nhiên, cơ hội trước mắt là một chuyên, còn nắm bắt lại là một chuyên khác. Để đạt được cơ hội, buộc học sinh – sinh viên phải hiểu được thế giới cần gì, nhà tài trợ cần gì, các giáo sư nước ngoài dạy gì... Sinh viên dù học ngành kinh tế, kỹ thuật hay xã hội thì ngoại ngữ luôn là yếu tố ưu tiên quan trọng. Nếu ngoại ngữ không được yêu cầu xây dựng từ nhỏ, thì học sinh vẫn thất bại trên núi cơ hội.
Nhìn sang các nước bạn trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia hay ngay cả Campuchia, họ xây dựng nền giáo dục ngoại ngữ dựa trên chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông. Nhiều trường đại học của các nước này yêu cầu học sinh phải học tại các trường phổ thông giảng dạy bằng tiếng Anh. Thậm chí, để được học đại học các học sinh phải có bằng tiếng Anh phổ thông. Thay vì đào tạo khi bắt đầu học đại học, ngoại ngữ được chú trọng đào tạo từ khi trẻ còn học mầm non.
IRYS Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét