Kiểm toán 2014
Nặng mối lo thất thoát vốn
SGTT.VN - Năm 2014, 185 đầu mối được kiểm toán (tăng 42 đơn vị so với năm 2013) tập trung ở một số vấn đề nóng như giá xăng dầu; học phí, viện phí; huy động, sử dụng vốn tại các công ty tài chính thuộc các ngân hàng… Thông tin này vừa được phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái đưa ra tại cuộc họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014, ngày 18.2 tại Hà Nội.
Ông Lê Minh Khái trả lời báo chí. Ảnh: news.go.vn |
Gây thất thoát vốn: bốn vụ chuyển cơ quan điều tra
Năm 2013, thông qua 150 cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 22.778 tỉ đồng và chuyển năm vụ việc cho các cơ quan chức năng, trong đó bốn vụ việc cho cơ quan điều tra, một hồ sơ cho cơ quan thanh tra ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tiếp tục điều tra, xử lý. Cụ thể, bốn vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra bao gồm: quản lý vốn có khả năng thất thoát của tổng công ty Tài chính Sông Đà; mua bán không thu hồi được nợ gây khả năng mất vốn của tổng công ty Thuỷ sản; cho vay bất động sản tại hai chi nhánh Bình Phú và TP.HCM của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), cả hai trường hợp này đều rơi vào tình trạng không thu hồi được vốn vay cũng như không chấp hành đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Hồ sơ được chuyển qua thanh tra NHNN là vi phạm bán ngoại tệ vượt trần, liên quan đến tập đoàn Hoá chất và một số ngân hàng, như: Chinatrust, HSBC (Việt Nam), Eximbank, Agribank và BIDV Cần Thơ.
KTNN cũng đã kiến nghị Chính phủ xử lý trách nhiệm 30 cá nhân và nhiều tập thể liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán; cung cấp 14 bộ hồ sơ, kết quả kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền…
Sẽ kiểm toán hàng loạt công ty cho thuê tài chính
Theo ông Lê Minh Khái, năm 2014, KTNN sẽ kiểm toán 185 đầu mối, tăng 34 đầu mối so với năm 2013, trong đó tập trung vào một số nội dung lớn: quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với tái cơ cấu nền kinh tế; công tác quản lý thu ngân sách, chú trọng khoản thu ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, các khoản phí, lệ phí như học phí, viện phí, phí giao thông… và một số lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, như: giá xăng dầu, chương trình thu mua, tạm trữ lúa gạo, hiệu quả sử dụng vốn tại các công ty tài chính thuộc các ngân hàng…
Theo phó tổng KTNN, đối với khối tập đoàn, tổng công ty, công tác kiểm toán đi sâu vào lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, tiền tệ, với một số đơn vị như: tập đoàn Bảo Việt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng công ty cổ phần Bảo Minh, tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex, tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), công ty TNHH MTV Mua bán nợ (DATC).
Về khối ngân hàng, năm nay, KTNN tập trung chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại hai công ty cho thuê tài chính I (ALCI) và II (ALCII) của Agribank; công ty cho thuê tài chính TNHH MTV của các ngân hàng BIDV, Vietinbank và Vietcombank. Sở dĩ KTNN tập trung vào chuyên đề này bởi trước đó đã có hàng loạt vi phạm liên quan đến công ty cho thuê tài chính được phát hiện, điển hình là của ngân hàng Agribank. Kết quả kiểm toán năm 2013 của KTNN cũng phát hiện sai phạm tại tổng công ty Tài chính Sông Đà.
Trả lời câu hỏi của báo giới về vai trò phát hiện sớm vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, điển hình như vụ án Huyền Như gây rúng động dư luận vừa qua, ông Khái nói: “Cũng có trường hợp do chúng tôi chọn mẫu không đúng, hoặc thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi, chúng tôi không phát hiện được. Thậm chí, trường hợp của Huyền Như, bản thân lãnh đạo ngân hàng Vietinbank cũng không nắm được”.
Thảo Nguyễn
Tổng số đầu mối kiểm toán năm 2014 là 185, bao gồm 14 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 35 tỉnh, thành phố trong đó đã lồng ghép năm chuyên đề; 17 chuyên đề độc lập; 35 dự án đầu tư; 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước; 11 đầu mối thuộc bộ Quốc phòng; 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét