Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước
Cổ đông chiến lược và những con kền kền
SGTT.VN - Một trong những giải pháp được nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty cho rằng sẽ quyết định thành công của quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là phải chọn được đối tác chiến lược.
Vietnam Airlines đang cân nhắc lựa chọn giữa các nhà đầu tư chiến lược để đạt nhiều mục đích. Ảnh: TL |
Có thể khẳng định rằng, cảm nhận chung của rất nhiều người là chưa bao giờ Chính phủ lại quyết liệt tái cơ cấu DNNN như lúc này.
Tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN do Thủ tướng chủ trì ngày 18.2 vừa qua, kế hoạch phải cổ phần hoá 500 DNNN (mà thực chất là còn 432) từ nay đến năm 2015 đã được người đứng đầu Chính phủ “nới trần” khi Thủ tướng khẳng định sẽ có nhiều doanh nghiệp đáng ra sau năm 2015 mới cổ phần, nhưng sẽ làm ngay trong năm nay.
Báo cáo tại hội nghị hôm ấy, một kinh nghiệm được cho là yếu tố quyết định đến sự thành bại khi cổ phần hoá đã được bộ trưởng Giao thông vận tải chia sẻ. Theo bộ trưởng Đinh La Thăng, đó là phải chọn được nhà đầu tư chiến lược trước khi cổ phần hoá. “Đây là một bài học mà chúng tôi đúc rút được sau khi tiến hành cổ phần hoá 44 doanh nghiệp thuộc bộ trong ba năm qua”, bộ trưởng Thăng nói. Con số này gần bằng phân nửa số doanh nghiệp được cổ phần hoá của cả nước cùng giai đoạn này.
“Trong tổng số 11 tổng công ty của bộ cổ phần hoá trong hai năm tới thì có chín tổng công ty đã tìm được nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, có doanh nghiệp cùng lúc đã chọn được nhiều đối tác chiến lược”, bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
“Ai chần chừ mời làm việc khác” Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh DNNN là công cụ của Nhà nước để điều tiết nền kinh tế, cơ bản đã làm được. Tuy nhiên, DNNN còn nhiều khiếm khuyết, phải đổi mới để hiệu quả hơn. Kết quả làm được của DNNN thời gian qua, theo Thủ tướng, chưa tương xứng với nguồn lực, yêu cầu, lợi thế. “Vốn tăng, tài sản, doanh thu, đóng góp ngân sách tăng nhưng so với tiềm năng, lợi thế thì có thể làm tốt hơn. DNNN vay hơn 60% nguồn vốn tín dụng nhưng đóng góp khoảng 33% GDP thì thấp quá”. Thủ tướng cho rằng thực hiện tái cơ cấu DNNN thời gian vừa qua còn chậm, ba năm qua mới sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 99 doanh nghiệp, riêng bộ Giao thông vận tải đã chiếm 44 doanh nghiệp. “Nếu các bộ khác cũng làm được như bộ Giao thông vận tải thì cơ bản xong rồi”. Thủ tướng cũng nhắc nhiều nơi đề án tái cơ cấu đều đã được phê duyệt rồi nhưng chậm triển khai. Như bộ Văn hoá – thể thao và du lịch có 16 doanh nghiệp được phê duyệt mà chưa làm gì cả... “Phải quyết liệt, phải có tinh thần trách nhiệm”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, về định hướng cổ phần hoá, Thủ tướng chỉ đạo bên cạnh 432 doanh nghiệp đã được xác định cổ phần hoá trong hai năm tới, cần tiếp tục rà soát để bổ sung vào danh sách theo hướng giảm mạnh số doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm giữ cổ phần chi phối. “Vấn đề là giữ được thương hiệu”, ông nói. Về tiền lương, Thủ tướng cho rằng lương không phù hợp thị trường thì cũng không tạo động lực tốt, nhưng quá mức cũng không được. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh/thành phải đề cao trách nhiệm, quyết tâm làm, các cấp uỷ cũng phải có nghị quyết để thống nhất hành động. “Ai chần chừ trong việc tái cơ cấu, cổ phần hoá DNNN thì đề nghị bộ trưởng mời làm việc khác, đừng đề bạt lên cao hơn”, Thủ tướng nhắc lại. Theo Tuổi Trẻ |
Cụ thể hơn, chủ tịch hội đồng thành viên tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Viết Thanh cho biết, tổng công ty đang cân nhắc lựa chọn giữa các nhà đầu tư chiến lược sao để vừa đáp ứng được mục tiêu là mở thêm được nhiều đường bay quốc tế, vừa nâng cao sức cạnh tranh của hãng hàng không quốc gia.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, chủ tịch hội đồng thành viên tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) cũng thông tin, SBIC đang được cùng lúc làm việc với nhiều đối tác lớn của nước ngoài như Damen, Samsung…
Kinh nghiệm này cũng được lãnh đạo tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, tổng giám đốc Lại Văn Đạo rất ủng hộ. Ông Đạo kể, SCIC được Chính phủ cho phép bán cả lô cổ phần khi tìm được đối tác chiến lược. Nhiều trường hợp tỷ lệ cổ phần mà tổng công ty này bán lên đến 30%.
Tại hội nghị với các tập đoàn tổng công ty hôm ấy, sau khi nghe lãnh đạo bộ Giao thông vận tải và SCIC chia sẻ, Thủ tướng đã lưu ý lãnh đạo tập đoàn tổng công ty khác phải coi đây là bài học quý báu để áp dụng trong tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp của mình.
Vậy nhưng, là một nhà tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt phản bác quan điểm này. Ông nói với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị:
Không thể trông chờ vào các cổ đông chiến lược được. “Bởi vì hiện giờ còn chưa có cổ đông phi chiến lược thì làm sao có cổ đông chiến lược được”, ông Bạt đặt câu hỏi.
Theo ông, cổ đông chiến lược chỉ hình thành sau khi đã có cổ đông phi chiến lược. Vì vậy, khi chúng ta hy vọng cổ đông chiến lược thì phải quan sát cổ đông phi chiến lược trước đã.
Chuyên gia này giải thích: Cổ phần hoá là bán xí nghiệp nhưng vấn đề là ai có tiềm lực để mua. Và cổ đông chiến lược là người có năng lực mua ở quy mô lớn các triển vọng kinh tế, thể hiện thông qua tính tích cực của cổ đông phi chiến lược. Cổ đông phi chiến lược tạo ra thị trường, còn cổ đông chiến lược tạo ra khuynh hướng của thị trường. “Không có thị trường thì làm sao tổ chức ra khuynh hướng thị trường được”, ông kết luận.
Ông Bạt cũng lo rằng, trong tiến trình cổ phần hoá DNNN tới đây, sẽ có nhiều nhà đầu tư kỳ vọng song trong đó có cả những con kền kền đứng đợi. “Vấn đề đáng ngại là các doanh nghiệp Việt Nam chưa có những tiêu chí nào, cơ sở để nhận dạng đó là nhà đầu tư chiến lược hay là những con kền kền!”, ông Bạt nói.
Bông Trung
Bốn loại DNNN nắm giữ 50% cổ phần trở lên Theo báo cáo của ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, từ năm 2011 – 2013 cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 99 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp được cổ phần hoá từ trước đến nay là 4.065. Số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tính đến hết năm 2013 còn 949 doanh nghiệp. Vẫn theo báo cáo này, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước năm 2012 là 2,57 triệu tỉ đồng, trong khi tổng doanh thu năm 2012 của khối này đạt hơn 1,7 triệu tỉ đồng, và số nợ phải trả là 1,42 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, theo dự thảo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN của bộ Kế hoạch và đầu tư, DNNN được chia ra bốn loại gồm: * Thứ nhất là Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như: trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, truyền tải hệ thống điện quốc gia... * Thứ hai là những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên, hoạt động trong các lĩnh vực như: quản lý, khai thác, bảo trì cảng hàng không, sân bay; cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông, khai thác khoáng sản quy mô lớn; khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên... * Thứ ba là những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên, hoạt động trong các lĩnh vực như: chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên; sản xuất thuốc lá điếu; trồng và chế biến cao su, càphê tại các địa bàn chiến lược; những doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như bán buôn thuốc, bán buôn lương thực, bán buôn xãng dầu... * Thứ tư là những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần, hoạt động trong các lĩnh vực như: thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị; tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán)... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét