Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam
Xin cổ phần hoá để huy động tiền xây sân bay Long Thành
SGTT.VN - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hoá công ty mẹ – tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: TL |
“Bộ Giao thông vận tải kính đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ được thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ – tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của công ty cổ phần, được thực hiện trong năm 2014”, bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất. Trước đó, ngày 30.12.2013, ACV đã có công văn xin cổ phần hoá và ban cán sự Đảng của bộ Giao thông cũng có nghị quyết về vấn đề này.
Về cơ cấu tổ chức, ACV đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Trong đó, công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước làm chủ sở hữu bao gồm văn phòng tổng công ty và 24 đơn vị hạch toán phụ thuộc, ba công ty con và ba công ty liên doanh liên kết. Theo ACV, thực hiện đề án tái cơ cấu đã được bộ Giao thông vận tải phê duyệt, hiện tổng công ty đang tiến hành cổ phần hoá hai công ty con và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 3 năm nay là công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn.
Nói về sự cần thiết cổ phần hoá công ty mẹ, bộ Giao thông vận tải cho rằng, trong những năm tới ACV cần tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ ở tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện các dự án đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là hai dự án lớn nhất: dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất lên đến 100 triệu khách/năm và dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài để đạt công suất 50 triệu khách/năm.
Đặc biệt đối với dự án xây mới cảng hàng không quốc tế Long Thành, báo cáo trước đó của ACV cho biết, dự án này sẽ được mời gọi đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Ước tính giai đoạn 1 của dự án (2014 – 2020) sẽ cần khoảng 5,6 tỉ đôla Mỹ, trong đó, vốn nhà nước và vốn vay ODA chiếm khoảng 53%, 47% còn lại là vốn tư nhân. Vì vậy, việc cổ phần hoá có thể được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho dự án. “Để thực hiện các dự án nói trên đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn vốn cấp từ ngân sách rất hạn hẹp. Do vậy, để huy động được các nguồn lực thì việc cổ phần hoá công ty mẹ nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác là cần thiết”, bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải.
Vẫn theo bộ trưởng Đinh La Thăng, việc cổ phần hoá này sẽ giúp doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng điểm từng công trình, dự án.
Cũng phải nói thêm, tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dù chỉ mới được thành lập chưa đầy hai năm (đầu năm 2012) nhưng là trên cơ sở hợp nhất ba tổng công ty có quy mô lớn của ngành giao thông vận tải: tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc và tổng công ty Cảng hàng không miền Trung. Số liệu của ACV cho hay, đến cuối năm 2013 tổng tài sản của công ty mẹ là 30.500 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ so với năm 2012, trong khi vốn điều lệ năm 2013 là gần 14.700 tỉ đồng. Doanh thu năm qua của ACV là 8.411 tỉ đồng và lãi trước thuế khoảng 1.350 tỉ đồng. Số lao động đến cuối năm 2013 của ACV vào khoảng trên 8.400 người.
Chí Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét