Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

“Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng phản đối”

“Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng phản đối”

Thiếu tướng Lê Văn Cương


“Việt Nam phải tiếp tục lên tiếng phản đối”


SGTT.VN - Mặc dù thừa nhận quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2013 có nhiều tiến triển tích cực, nhưng thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện Chiến lược bộ Công an, cho rằng không vì thế mà khẳng định “mọi chuyện yên ổn”. Ông Cương trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 12.1.


Thưa ông, sau một thời gian yên tĩnh, Trung Quốc mới đây lại công bố quy định cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, trong đó một số khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam?










Thiếu tướng Lê Văn Cương



Việc Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước khác là phi lý, trái với Công ước luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc (UNCLOS). Không thể yêu cầu hàng xóm không được đánh bắt cá trong ao nhà họ. Trung Quốc đã làm rắc rối thêm tình hình, không chấp hành cả Tuyên bố DOC, trái với các cam kết song phương và đa phương. Tôi cho rằng Việt Nam và các nước có liên quan phải tiếp tục lên tiếng phản đối. Trung Quốc đang gây hấn với các nước thông qua những việc này, từ nhà đương cục chứ không riêng chính quyền địa phương.


Liệu có phải Trung Quốc tiếp tục biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp?


Đúng thế, sách lược của Trung Quốc là lấn dần đến vùng biển của các nước thông qua nguỵ biện, biến vùng biển của láng giềng thành cái gọi là có tranh chấp. Từ đó dùng sức mạnh áp đặt chuyện đã rồi, đưa tàu bè đến đánh cá, thăm dò dầu khí và làm mọi chuyện, tạo nên trạng thái cực kỳ khó khăn cho các nước có tiềm lực nhỏ hơn.


Nhưng năm 2013 được đánh giá là năm có tiến triển trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc?


Tình hình chung năm 2013 trên Biển Đông là tương đối yên tĩnh, ổn định hơn hẳn so với năm 2011 và 2012. Nguyên nhân là phía các nước ASEAN có sự đồng thuận cao hơn trong nhiều vấn đề, trên con đường hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015.


Bên cạnh đó, sau Đại hội 18, Trung Quốc cũng có điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước láng giềng nói chung, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Chưa bao giờ lãnh đạo Trung Quốc đến các nước này cấp tập như thế, với tinh thần cởi mở, hợp tác. Không khí năm 2013 khác hẳn mọi năm, tạo đồng thuận trao đổi về COC. Đó là những điều đáng mừng, nhưng không vì thế mà nghĩ mọi chuyện yên ổn. Con đường đến COC là con đường đầy chông gai, Biển Đông chỉ tạm thời như vậy. Trước khi các vấn đề cơ bản khác được giải quyết thì việc tranh chấp chủ quyền những năm tới đây chưa có gì để nói là mọi chuyện tốt đẹp. Quan hệ hiện nay giữa Việt Nam – Trung Quốc cũng chưa đủ kết luận là hợp tác chuyển sang trang mới. Được việc nào hay việc đó.










Bộ đội chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Trường Sa. Ảnh: NLĐO



Việt – Trung cũng đã thành lập nhóm công tác trên biển và đường dây nóng nghề cá?


Việc hai bên có liên lạc thường xuyên là tích cực, nhưng đừng nghĩ đơn giản từ đấy mọi chuyện xong xuôi. Đặc biệt, việc cấm đánh bắt cá mới đây là nằm trong sách lược của Trung Quốc. Họ có thể thể hiện chỗ này đẹp đẽ, hữu nghị nhưng các việc khác vẫn cứ làm.


Vậy tình hình Biển Đông trong năm 2014 sẽ thế nào, thưa ông?


Nhìn vào nhân tố ASEAN, hiệp hội đã trưởng thành nhất định, xu thế đồng thuận là không đảo ngược được. Trong năm 2013, Trung Quốc đã ký một số thoả thuận với ASEAN nói chung và các thành viên nói riêng, không có lý do gì năm 2014 lại quay ngược lại cả. Có thể tin rằng quan hệ Trung Quốc và ASEAN, trong đó có Việt Nam trong năm 2014 này không thể xấu hơn năm 2013. Hai bên hiện thực hoá những điều đã cam kết, sẽ không có đột biến theo chiều hướng xấu. Tình hình Biển Đông tuy có trắc trở nhưng cũng khó có đột biến xấu.


Cảm ơn ông!


Việt Anh thực hiện






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ