Nhật ký trên những đôi giày
Ngày mai, mẹ quê Long Iram đi hành hương
SGTT.VN - Biết tôi sẽ đi Kalimantan, các lữ khách giang hồ gặp trên đường luôn khuyến cáo hành trình lang bạt đường thuỷ trong rừng già rậm rịt Borneo, dù là khi còn ở Java hay Bali xa đó hàng ngàn cây số. Nên vừa tới Samarinda, cửa ngõ đổ ra biển của dòng Mahakam, tôi liền hỏi han, tìm chuyến tàu thuỷ ngược cánh rừng nhiệt đới già nua nhất hành tinh này.
Sau cổng chào là ngôi nhà thờ Công giáo và rất khó có thể nhận biết khi nhìn từ bên ngoài. |
Dài 980km, Mahakam là con sông dài nhất ở tỉnh rộng lớn Đông Kalimantan, Indonesia. Đến giờ, nó vẫn là đường giao thông quan trọng vì nhiều miền đất trong rừng Borneo, quanh lưu vực của Mahakam chỉ đến được bằng tàu đò. Mà còn tuỳ thuộc vào con nước. Tháng 9 thưa mưa, Long Iram là bến cuối của miền thượng du. Cũng đành tự bằng lòng vậy, dù đây chỉ là nửa cung đường thuỷ vào sâu trong rừng Borneo ở mùa khác.
Cách vài cây số là một tộc người
Vì dù Long Iram nghèo nàn nhỏ bé, đèo heo hút gió, nhưng thường được chọn là điểm dừng chân cho lữ khách trên tuyến đường này. Từng là một miền đất đông đảo những người mong đổi đời đổ xô về đây đào vàng, Long Iram giờ trở về vẻ hoang vắng xưa khi chính quyền sử dụng biện pháp mạnh và giao việc khai thác vàng cho một công ty lớn. Long Iram, thị tứ thủ phủ của huyện, cùng nhiều làng nhỏ xung quanh lại rất khác nhau về tộc người, về tôn giáo, cũng như văn hoá… dù họ sống cách nhau chỉ vài kilômét. Như ở Long Iram, cư dân chính là người Java, theo đạo Hồi. Còn ở làng Tering Lama cách đó mươi phút đi đò, người dân Dayak đã cải sang Công giáo dù tập tục thờ cúng thiên nhiên, tổ tiên vẫn còn được lồng ghép vào… Do vậy, kiến trúc từ nhà cửa đến nơi thờ cúng, khu sinh hoạt chung của bà con… của mấy ngôi làng này mang những nét đặc trưng rất khác xa. Nhà thờ Hồi giáo không thể không có những chóp củ hành, ở Long Iram vẫn có thêm những cổng chào bằng gỗ chạm trổ tinh xảo của người Java. Còn ở Tering Lama thì khó lòng nhận ra ngôi nhà thờ Công giáo bằng gỗ sống động những hình vẽ, chạm khắc về những vật linh totem của làng, những câu chuyện về cuộc sống của người dân… nếu không thấy chiếc thánh giá bên trong căn nhà, trên bức tường bị che khuất bởi những túm ngô, bó lúa khô lủng lẳng treo đầy.
Miền đất này còn cuốn hút du khách bởi nhiều thứ nữa. Muốn trekking ngắn vài tiếng thì có con đường mòn nối các làng len giữa rừng già rậm rịt, cao ngút những đám cổ thụ vài mươi mét. Con đường còn cuốn hút bởi lũ hoa dại tưng bừng, bướm bay chim lượn ríu rít… Lười biếng không muốn lội rừng, xuống bờ sông có đầy đò ngang tàu dọc. Đi đò tàu, không chỉ tiện mà còn được ngắm nhìn sông nước mênh mông, những cánh rừng chen bóng với những căn nhà trên bờ lẫn trên sông… cũng hay hay. Choáng ngợp với đông đúc khói bụi ô nhiễm ở các thành phố lớn của Kalimantan… những ngày Long Iram trong trẻo, dù chưa mang đến cảm giác như trong rừng sâu Borneo, mang đến những cảm giác thật thú vị.
Cháu nội đến mừng bà sắp lên đường đi hành hương đến Mecca. |
Bốc thăm để đi hành hương thánh địa
Dự định mai lên đường, buổi chiều lang thang như để chào Long Iram, thấy hoa giăng đèn kết trước một căn nhà tôi tò mò ghé tán chuyện. Mới hay là chuẩn bị cho lễ vui của nhà anh kỹ sư Rudy, mừng cho chuyến hành hương Mecca sắp tới của mẹ. Nhận lời mời ngày mai ghé chơi, tôi huỷ vé chuyến tàu sớm mai, ở lại Long Iram, để “ăn ké” tiệc vui, cũng như tìm hiểu thêm cuộc sống, lễ lạt nơi đây. Mai sớm tôi đến, vào thăm bác gái và chúc mừng bác có người con hiếu thảo lo được cho mẹ chuyến hành hương – dĩ nhiên là nhờ anh Rudy dịch lại. Thấy mấy người bạn anh cười cười tôi hơi lo lo. Ra ngoài ngồi chơi, dần dà hỏi kỹ mới biết là tôi chúc mừng bác đúng, nhưng chỉ một phần nhỏ.
Hành hương đến Mecca là 1 trong 5 điều người theo đạo Hồi cần làm trong đời. Có hai “cách” để thực hiện ước mơ này. Bỏ ra nhiều tiền để mua tour, mua vé tự đi. Ở Long Iram này mọi người chọn cách 2, đóng một số tiền ít hơn rất nhiều và chờ bốc thăm, phần kinh phí còn lại sẽ do các tổ chức khác trả. Theo Rudy, phần lớn người dân ở đây chọn cách này dù có thể lo đủ tiền để tự đi. Vì cho rằng ơn trên đã chọn chính họ, nên họ mới được đi. Vì phải rất may mắn. Anh cho biết, “với số người đăng ký ở Indonesia, số suất đi như hiện nay, thì đến 250 năm nữa mới giải quyết hết”. Trong làng, có ba người đã đóng tiền, chờ đến bảy năm vẫn chưa đến lượt, trong khi anh chỉ mới đăng ký cho mẹ hai năm thì bác đã may mắn trúng thăm. Nên, đúng ra ngoài việc mừng bác gái có người con thảo, tôi phải chúc mừng thêm là bác rất may mắn… sớm được đến miền đất thiêng.
Trò chuyện, chung vui với gia đình, với những người lớn tuổi đến mừng, đùa vui với các em bé, chọc ghẹo các cô gái quê đến phụ giúp nấu nướng bưng bê… tôi hiểu, mến thêm cuộc sống giản dị, thành tâm của người quê miệt này. Dù kinh nghiệm gối đầu trên đường lang bạt là không nên nói chuyện tôn giáo, chính trị với người lạ, tôi vẫn dễ dàng trao đổi mọi việc ở đây. Hiểu thêm dù tôn giáo nào, dân tộc nào người dân nơi đây vẫn giữ gìn nếp sống mộc mạc đong đầy tình làng nghĩa xóm, giữ nếp làng, nếp nhà là chính. Chia tay, tôi một lần nữa vào chào, thành tâm chúc mừng bác. Và nhìn vẻ rạng ngời của bác, tôi thầm ước mong cho nhiều mẹ quê, không chỉ ở Long Iram, có được một lần đến miền đất thiêng của đời mình.
bài và ảnh: Trần Hoàng Bảo
Có nhiều chuyến bay hàng không giá rẻ từ Jakarta đến Samarinda. Từ đó có thể đi tàu đến Long Iram (khoảng 24 – 27 tiếng tùy con nước). Bản thân hành trình trên dòng Mahakam hùng vĩ đã khá thú vị. Các dịch vụ ở Long Iram, nếu không đi theo tour từ Samarinda, khá đơn giản, thiếu thốn và rẻ, nhưng ấm áp, thân tình. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét