Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Đường hoa, chất liệu và văn hoá đô thị

Đường hoa, chất liệu và văn hoá đô thị

Đường hoa, chất liệu và văn hoá đô thị


SGTT.VN - Hàng năm, hơn hai tháng trước tết, nhà tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ đã đặt những nông dân chuẩn bị sen, súng, lúa để làm mạ non, đồ đan lát, các loại hoa... chuẩn bị cho cuộc trình diễn “đồng quê” trên đại lộ trung tâm Sài Gòn. Cũng thế, chuối, bầu bí, bắp, lúa được trồng sẵn ở các bãi đất trống đường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Đức Cảnh, quận 7, ngay tại trung tâm khu đô thị hiện đại nhất Sài Gòn để chuẩn bị cho đường hoa tết Phú Mỹ Hưng.


Năm ngoái, đường hoa Phú Mỹ Hưng còn dựng được cả một rạch nước, cầu dừa miền Tây và... cả một cái chuồng bò (có bò hẳn hoi) bên cạnh những giàn mướp, bầu lúc lỉu trái.


Làng quê bỗng chốc mọc lên trong những khu phố hiện đại từ lâu nỗ lực thoát ra khỏi tình trạng “nông nghiệp lạc hậu” để tìm đạt cho bằng được các giá trị văn minh đô thị thời toàn cầu hoá. Cuộc “phục dựng” thế giới quê kiểng sình lầy trong những dịp lễ hội tết nhất đang minh chứng rằng, hoá ra “nhà quê” là một giá trị thực thụ có tính bền vững mà dù muốn dù không, những thị dân mới đa phần xuất phát từ xã hội nông nghiệp khó có thể chối bỏ, quay lưng, cũng như con người ta không thể nào thay đổi được hoàn toàn tác động quá khứ hay lịch sử trong cuộc sống hiện tại.


Từ góc độ môi trường, có thể nhận ra sự tìm về không gian làng quê giữa lòng đô thị như một cách thế biểu hiện của khát vọng thị dân hướng đến môi trường sống gắn bó, gần gũi và bền vững. Ở đó, những đô thị không thể là nơi thôn tính hệ sinh thái nhanh chóng nhất như chúng ta vẫn thấy hay lầm tưởng, mà phải là một thứ thiên nhiên thứ hai để con người an cư.


Hình ảnh rơm rạ, sình lầy, ruộng vườn được đi vào đô thị như một đặc sản ngày lễ tết, càng cho thấy, việc tách rời, thậm chí đối lập nông thôn với đô thị, coi đô thị hoá như một sự xung khắc, thôn tính giữa “các giá trị đô thị” với “các giá trị thôn quê” là hoàn toàn phiến diện. Mà ngược lại, thực tế gần đây, hiện tượng trỗi dậy lên ngôi của các sản phẩm gốc gác làng quê (trong ẩm thực, trong kiến trúc, hàng mỹ nghệ, thực phẩm sạch cho đến đề tài phim ảnh, văn học...) đang minh chứng rằng, cùng với dòng chảy nhập cư, là một quá trình “nông thôn hoá đô thị”, đặc biệt là những đô thị mở.









Cái gọi là di sản đô thị của hơn 300 năm qua ở một thành phố cởi mở bao dung, xét cho cùng, không thoát ra khỏi những đặc tính tích hợp từ một lịch sử khẩn hoang, văn hoá nhập cư và một hệ thiên nhiên từng rất giàu có.



Nông thôn ở đây không phải là thứ nông thôn nguyên trạng, càng không thể là thứ nông thôn sân khấu hoá, nó thực chất là một quá trình tiếp biến, tự điều chỉnh cho tương hợp với những đòi hỏi mới của đời sống theo cung cách và mô hình riêng của đô thị đa sắc thái và không trật khớp với xu hướng toàn cầu hoá đang diễn ra nhưng vẫn âm thầm bảo lưu những giá trị thuộc về bản sắc, truyền thống hay ký ức.

Việc tái hiện thiên nhiên, nếp sinh hoạt làng quê trong lòng đô thị hiện đại Sài Gòn trong mỗi dịp tết có thể xem là một sự đáp ứng nhu cầu tinh thần cho cư dân sống trong môi trường hiện đại nhưng vẫn còn xem truyền thống, ký ức là một phần quan trọng của đời sống.


Văn hoá đô thị, với trường hợp Sài Gòn, là biểu hiện rõ nhất của một sự tổng hoà giữa truyền thống và hiện đại. Và về mặt nào đó, nó cho thấy, cái gọi là di sản đô thị của hơn 300 năm qua ở một thành phố cởi mở bao dung, xét cho cùng, không thoát ra khỏi những đặc tính tích hợp từ một lịch sử khẩn hoang, văn hoá nhập cư và một hệ thiên nhiên từng rất giàu có.


Hồn cốt đô thị chắc chắn không nằm trên bề mặt những bản quy hoạch hãnh tiến bề thế, những cuộc so đo tiện nghi, mà cho cùng, nằm ở chỗ đảm bảo một không gian nhân văn để con người được sống thoải mái, gần gũi, gắn bó với nhau, gắn bó với môi trường sống của mình trong một hệ thống văn hoá thực sự giàu có.


Nguyễn Vĩnh Nguyên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ