Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Sự thờ ơ khó hiểu

Sự thờ ơ khó hiểu

Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam


Sự thờ ơ khó hiểu


SGTT.VN - Trái ngược với nhiệt tình của các học giả Pháp thuộc viện Viễn Đông Bác Cổ: Olivier Tessier và Pascal Bourdeaux, những người đang nỗ lực bảo tồn và quảng bá tranh dân gian Việt Nam ra thế giới, buổi hội thảo nhân triển lãm Tranh dân gian – Tranh bộ ba (diễn ra tại trung tâm Văn hoá Pháp Hà Nội từ 13.1 – 28.2) hầu như vắng bóng giới nghiên cứu trong nước.













Tranh trưng bày tại triển lãm.



Người ngoài tâm huyết


Khi ra mắt tại TP.HCM vào tháng 2.2013, triển lãm Tranh dân gian – Tranh bộ ba gây chấn động với những tuyệt tác lần đầu công bố: bộ tranh khắc trên mộc bản minh hoạ truyện thơ Lục Vân Tiên đã mờ bụi sau hơn 100 năm trong kho viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn Pháp. Tác phẩm, theo nhận định của viện Viễn Đông Bác Cổ, khiến người ta sửng sốt trước giá trị thẩm mỹ. Mỗi trang bản thảo đều được thiết kế hoàn hảo với 4 – 6 hình vẽ bao quanh một khổ thơ chữ Nôm. Tổng cộng có 1.200 hình màu, tái hiện sống động phong tục tập quán, nếp sống, tư tưởng, tâm hồn người Nam bộ thế kỷ 19... GS Phan Huy Lê cho rằng, mật độ tranh minh hoạ dày đặc là điểm hết sức độc đáo, bởi các tác phẩm tương tự, hình minh hoạ thường chỉ điểm xuyết. Ngoài ra, phải kể đến những trang chú giải viết tay bằng tiếng Pháp đính kèm bản thảo, cắt nghĩa tường tận xuất xứ các nhân vật cùng các thuật ngữ, thể hiện thái độ vừa cẩn trọng vừa thích thú của người chấp bút, Eugène Gibert, một sĩ quan hải quân Pháp nhưng ưa ngao du trong văn hoá, đã bị nền văn hoá Á Đông cuốn hút. Say mê truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, ông đặt một hoạ sĩ ở Huế thực hiện tranh minh hoạ, về sau, đem tặng tác phẩm cho viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn Pháp. Điều kỳ lạ là sau hơn một thế kỷ bị lãng quên, tới khi được GS Phan Huy Lê phát hiện trong dịp sang Pháp giao lưu, màu tranh vẫn tươi sáng, hình nét vẫn nguyên vẹn. Như lời GS Lê, đó là nhờ sức sống bền bỉ của những chất liệu tự nhiên được sử dụng trong tranh dân gian Việt Nam. Bấy nhiêu, đã đủ khiến viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp lập tức khởi động một dự án lớn: xuất bản nguyên trạng tác phẩm, nhưng dưới dạng số hoá, và bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, nhằm giúp các nhà nghiên cứu và độc giả trên khắp thế giới có thể dễ dàng tiếp cận.


Bên cạnh bản thảo tranh minh hoạ truyện thơ Lục Vân Tiên, hai tác phẩm khác cùng ra đời đầu thế kỷ 20 được giới thiệu tại triển lãm: Kỹ thuật của người An Nam (Henri Oger) với 4.200 bức vẽ và ký hoạ, Tranh dân gian (Maurice Durand) với 473 tác phẩm càng khiến người ta kinh ngạc, cả về nét đặc sắc của tranh dân gian Việt Nam lẫn tâm huyết của tác giả, đều là người Pháp. Trong thời gian sống tại Hà Nội, Maurice Durand sưu tầm được những bức tranh dân gian tới giờ này trở thành vô giá, và những bức tranh khổ lớn rất hiếm thấy, khắc hoạ toàn diện đời sống, sinh hoạt của cả một ngôi làng xưa ở Hà Nội. Năm 1908, Henri Oger đến Việt Nam với tư cách quân nhân, nhưng đã dành hết thời gian cho một công trình lớn: tái hiện văn minh vật chất người Việt đầu thế kỷ 20 bằng tranh minh hoạ. Theo GS Phan Huy Lê, bộ tranh này có giá trị như một cuốn sử bằng hình ảnh về đời sống người dân Hà Nội đầu thế kỷ 20, từ cách ăn, ở, mặc, đi lại, mưu sinh... cho đến chu kỳ một đời người, rồi tất cả các nghề thủ công của Hà Nội đều được khắc hoạ tỉ mỉ từng chi tiết, từng công đoạn, nhưng rất tiếc chưa được các nhà nghiên cứu trong nước để tâm. Cái đáng quý là Henri Oger không sử dụng bất cứ kỹ thuật phương Tây nào, mọi công đoạn từ khắc, in trên giấy dó đến viết chữ Hán đều do nghệ nhân Việt Nam thực hiện theo đúng lối cổ truyền. Do thiếu kinh phí, năm 1910, bộ sách dày 700 trang mới được xuất bản với số lượng khiêm tốn. Đến 2009, viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tái bản bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, đồng thời

thực hiện số hoá và bản CD, cũng với mục đích đưa tác phẩm đến với độc giả toàn thế giới.


Nhưng, đây mới chỉ là tập một của bộ sách. Theo GS Phan Huy Lê, một trường đại học tư thục lâu đời của Nhật Bản đang lưu giữ tập hai. Tập này, Henri Oger mới chỉ thuê thợ vẽ và đề chữ Hán, chưa khắc và in, nhưng đã được dựng thành 700 trang, có trên 4.000 tranh không hề trùng lặp với tập một. Henri Oger mất tích bí ẩn tại Tây Ban Nha năm 1936 (trước đấy, ông bị trục xuất khỏi Việt Nam do tìm cách xây dựng một cơ chế mới, giúp hai phía thống trị và bị trị có thể gặp gỡ, thảo luận). Tập sách đang làm dang dở lưu lạc đến một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ cổ tại Nhật, rồi tình cờ được trường đại học tư thục phát hiện mua về. GS Phan Huy Lê là người Việt đầu tiên được tiếp xúc với bộ sách, khi ông đến Nhật giao lưu năm 1997. Điều thú vị là dù viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đề nghị phối hợp với phía Nhật để công bố tác phẩm, nhưng trường đại học tư thục muốn giữ “bản quyền” bằng một kế hoạch công bố độc lập trong tương lai.


Người trong ơ hờ


Nước ngoài nhiệt tâm với tranh dân gian Việt Nam thế, còn ta thì sao? Hội trường thưa thớt cử toạ trong buổi hội thảo Tranh dân gian – Tranh bộ ba phải chăng là câu trả lời? Việt Nam có bốn dòng tranh dân gian: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình (Thừa Thiên – Huế). Hiện tại, tranh Đông Hồ, tranh Làng Sình sống lắt lay, tranh Hàng Trống chỉ còn lại một nghệ nhân cuối cùng, tranh Kim Hoàng gần như “mất dấu”. Những làng giấy dó nổi tiếng một thời như giấy dó Vân Canh, giấy dó làng Bưởi… cũng bị xoá sổ. Những nghệ nhân còn lại đã lớn tuổi, không thể làm nghề. Lớp con cháu thì thờ ơ với vốn cổ vì không đủ mưu sinh. Trong tình cảnh ấy, những động thái cứu tranh dân gian Việt Nam lại quá dè dặt. Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch bảo tồn và khôi phục 21 làng nghề truyền thống, trong đó có các làng tranh dân gian, nhưng thời hạn đến tận… 2030. Dự án “Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ” cũng đã được khởi động, với những kế hoạch lớn lao và dài hạn: xây dựng trung tâm bảo tồn, ngân hàng dữ liệu tranh dân gian, cử người xuất ngoại tập huấn… Câu hỏi đặt ra là, cho đến lúc đó, những nghệ nhân nắm giữ tinh hoa của tranh dân gian Việt Nam, không biết còn hay mất? GS Phan Huy Lê luôn đau đáu một câu hỏi: Tại sao không “bảo tồn” nghệ nhân, cơ sở quan trọng nhất để tranh dân gian “sống dậy”, bằng những đãi ngộ thiết thực thay vì bằng khen, chẳng hạn: đầu tư kinh phí, giúp xây dựng thị trường tiêu thụ mà đơn giản nhất là kết hợp với du lịch. Thế nhưng, cũng theo lời GS Phan Huy Lê, cả mấy ngày nay, ông dạo khắp Tràng Tiền, Hồ Gươm, khu vực có rất nhiều cửa hàng lưu niệm thường được khách du lịch quốc tế ghé chân, để tìm mua một bộ tranh Đông Hồ tặng người bạn nước ngoài, nhưng tìm không ra!


Mục tiêu trước mắt, dễ thực hiện thế, còn chẳng ai nghĩ đến, chẳng ai thực hiện, nói gì đến mục tiêu xa…


Hương Lan






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ