Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
TP.HCM có 5 đường vào
SGTT.VN - Sáng ngày 2.1, 20km đầu tiên của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn từ đường Vành đai 2 (quận 9, TP.HCM) đến Quốc lộ 51 (huyện Long thành, tỉnh Đồng Nai) đã chính thức được thông xe, cho khai thác tạm và tiến hành thu phí.
Biểu mức cước phí áp dụng cho các phương tiện đi trên tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ |
Mức phí dành cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 40.000 đồng; xe loại 12 đến dưới 30 chỗ ngồi và xe tải 2 – 4 tấn: 60.000 đồng; xe khách trên 31 chỗ và xe tải trên 4 tấn là 80.000 đồng/lượt.
Theo tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), vì đường Vành đai 2 và các đường nhánh kết nối với đường cao tốc phía quận 9 (TP.HCM) chưa hoàn chỉnh nên VEC và sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thống nhất chỉ cho ôtô khách và ôtô tải dưới 10 tấn lưu thông. Khi nào hoàn thành đoạn đường dài 4km từ nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2, các loại xe tải nặng mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, VEC cũng cho hay, hiện đơn vị này đang quyết tâm cùng với chính quyền TP.HCM hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng đoạn đường kể trên (hiện nay mới bàn giao được khoảng 93%), phấn đấu thi công hoàn thành vào cuối năm 2014 – đồng nghĩa các xe tải nặng được lưu thông lên đường cao tốc này nhanh nhất cũng phải vào đầu năm 2015.
Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho phép ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 100km/h (trong điều kiện thời tiết xấu là 80km/h); tốc độ tối thiểu 60km/h; khoảng cách an toàn tối thiểu 80m (tốc độ lưu thông 100km/h). Tốc độ này áp dụng chung cho cả hai làn đường, không phân biệt làn bên trong và bên ngoài.
Để người dân TP.HCM thuận tiện khi lưu thông vào đường cao tốc, sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chính thức đưa ra năm lộ trình khác nhau:
– Lộ trình 1 (hướng từ huyện Bình Chánh): Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) – Nguyễn Văn Linh – cầu Phú Mỹ – đường Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao Vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
– Lộ trình 2 (hướng từ các Q.1, 5, 6, 8, Bình Tân): Đường Võ Văn Kiệt – hầm Thủ Thiêm – Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống – đường vành đai 2 – quay đầu tại nút giao vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc; hoặc từ Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh – cầu Thủ Thiêm – đường dẫn cầu Thủ Thiêm – Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống – đường vành đai 2 – quay đầu tại nút giao vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
– Lộ trình 3 (hướng từ quốc lộ 13): Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn 2 – Xa lộ Hà Nội – Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống – vành đai 2 – quay đầu tại nút giao Vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
– Lộ trình 4 (hướng từ đông bắc thành phố): Xa lộ Hà Nội – Đỗ Xuân Hợp – Nguyễn Duy Trinh – Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao Vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
– Lộ trình 5: Cảng Cát Lái – Nguyễn Thị Định – vành đai 2 – quay đầu tại nút giao vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
Ngoài ra ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng khuyến cáo, do đường mới được đưa vào khai thác sử dụng tạm thời nên người dân khi lưu thông ở các tuyến lộ trình hướng lên cao tốc cần giảm tốc độ và quan sát hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường và lực lượng điều tiết giao thông để đảm bảo an toàn.
Đ. Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét