Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Người “lạ” về quê lập nghiệp

Người “lạ” về quê lập nghiệp

Người “lạ” về quê lập nghiệp


SGTT.VN - Gọi là người lạ, bởi họ từng được mệnh danh là công dân toàn cầu, từng chu du khắp nơi và làm những công việc “xịn như mơ”. Nhưng giờ, họ chọn những công việc lạ lẫm, phiêu lưu và gắn liền với mảnh đất quê hương của mình bằng những câu chuyện đẹp, đầy hứng khởi và truyền cảm hứng cho nhiều người khác…










Tuấn Anh (trái) trong một chuyến đi làm việc với hội phụ nữ nông thôn để giới thiệu bếp thần kỳ.



Hành trình của Tuấn Anh, Kiều Trang và Xuân Yến là không giống nhau, nhưng nó có một điểm đến chung của những người đã trải qua những môi trường làm việc khắc nghiệt nhất, đã có những thành tích vượt ra khỏi biên giới nhưng nơi mà họ chọn để làm mới cuộc đời và bản thân mình, lúc nào cũng là Việt Nam. Điểm đến này, chính là một điểm tựa mà họ luôn cảm thấy được thoả sức tung hoành, sáng tạo và cống hiến…


Bếp thần kỳ của Tuấn Anh


Trong cuộc trò chuyện chủ đề “thanh niên nông thôn nghĩ giàu làm giàu”, anh Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc công ty Thế hệ xanh kể lại câu chuyện của mình: “Nếu một ngày, bạn nhìn thấy một chuyện lạ lùng diễn ra quanh mình và cứ ám ảnh hoài chuyện này, thì mình nên bắt tay vào việc thôi”. Đó là chuyện mà chàng trai từng làm việc ở những công ty hàng đầu của Mỹ khi về quê, thấy Hà Nội cứ như có sương mù lãng đãng. Thì ra là khói đốt đồng của khu vực ngoại thành. “Một năm hai lần, cả thủ đô được hun khói. Vì sao những phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ không được tận dụng để làm ra giá trị gì khác mà lại đem đốt vừa lãng phí vừa ô nhiễm môi trường?”


Nghĩ hoài chuyện này, thế là Tuấn Anh cảm thấy mình sắp “được” chơi một cuộc chơi mới, thay vì suốt ngày “bị” đi làm việc, dù là một công việc đang rất ăn nên làm ra. Nghiên cứu ngày đêm, tìm hiểu tất tần tật những mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp của các nước, xin đi theo tham khảo các dự án quốc tế, lặn lội vào bếp để nấu ăn cùng người nông dân. Một năm nghiên cứu và một năm thử nghiệm, và sản phẩm bếp sinh khối mang tên Thế hệ xanh ra đời, nhưng người dân quê thích gọi với cái tên vui là “bếp thần kỳ”.


“Bếp thần kỳ”, đơn giản là một ứng dụng rẻ tiền cho người dân có thể nấu nướng tiết kiệm đến 60% lượng chất đốt nhờ vào cấu trúc giữ nhiệt và tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, vỏ cây, rễ cây… Quan trọng hơn, là chiếc bếp lại chính là một chiếc cần câu mới dành cho những người lao động thu nhập thấp có thể tự mua về, lắp ráp đơn giản và kinh doanh lại để kiếm thêm thu nhập.


Bài toán kinh doanh với người thu nhập thấp hoá ra cũng không quá phức tạp, nhưng lại đòi hỏi những nỗ lực không ngừng khi mà tập quán nấu nướng ở mỗi vùng nông nghiệp sẽ khác nhau chút ít và đòi hỏi những tuỳ biến. Nhưng có sá gì, chàng thư sinh làm quản lý ngân hàng thuở nào giờ đã ra dáng nông dân lắm, xắn quần lội vào những cánh đồng xa nhất để trò chuyện, ghi chép và cải tiến mỗi ngày. Anh khoe: “Môi trường làm việc mới với bà con nông dân, với những đại diện của hội phụ nữ thật sự làm tôi cảm thấy cuộc sống của mình tươi mới mỗi ngày. Mỗi chiếc bếp được đưa vào sử dụng, là một viên gạch của giấc mơ mang thêm những giá trị mới làm cho cuộc sống nhà nông tốt hơn thành hình. Tôi nghĩ mình vẫn chỉ mới bước đi những bước đầu tiên của một hành trình dài…”


“Siêu nhân” Kiều Trang


Nhắc đến Lê Diệp Kiều Trang, cái tên mà suốt nhiều năm nay luôn xuất hiện dày đặc trên mặt báo, lúc nào cũng làm các “fan hâm mộ” hào hứng. Bởi cô nàng từ nhỏ tới lớn luôn đứng ngôi đầu bảng ở tất cả các trường từ nhỏ đến lớn, từ Lê Hồng Phong đến Oxford (Anh) sang cả MIT (Mỹ), cô luôn là một nữ siêu nhân với khả năng sáng tạo và xử lý công việc tưởng như vô tận. Cũng nhiều người biết Trang đang nắm giữ công ty sản xuất thiết bị y tế thế hệ mới nhất với khả năng “mặc” trên người Misfit Wearables. Nhưng ít ai biết “đại bản doanh” của thiết bị đang dẫn đầu các bình chọn công nghệ, thiết kế tại các hội chợ lớn nhất thế giới lại nằm ở TP.HCM.


Gặp lại Kiều Trang sau một cuộc hội thảo đầy ắp tiếng cười tại toà nhà Itaxa với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, cảm giác được một luồng năng lượng mạnh mẽ của cô nàng 8X này truyền thẳng sang người: “Hiện giờ, tui hạnh phúc nhất là mình có đươc một đội ngũ ở Việt Nam. Các bạn rất yêu thích công việc, yêu thích học hỏi, nên thấy mấy bạn đó phát triển rất nhanh. Các bạn trưởng thành nhiều, say mê với công việc, gắn bó với nhau và với công ty. Công ty hầu như không có người quản lý vì Trang bay suốt, nhưng mấy bạn tự tổ chức sắp xếp với nhau, rất tự giác, và rất hiệu quả. Không có ai quản lý mà đến những giai đoạn nước rút, mọi người hoàn thành được nhiều công việc không tưởng...”


Cái cảm giác về sự hào hứng này rất khác với lần gặp trước, khi mà Kiều Trang đang làm quản lý cấp cao trong một công ty hàng đầu thế giới, công việc không vất vả như bây giờ nhưng cô nàng dường như cũng bị “hết pin” vào buổi chiều muộn… Hơn mười năm theo dõi, nhưng chưa bao giờ nghe Trang “khoe” về công việc của mình một cách tự hào như bây giờ: “Từ tháng 8 tới giờ, thiết bị của tụi mình đã có mặt trong các hệ thống cửa hàng lớn trên thế giới: Apple, Best Buy, Selfridges… và có hệ thống đại lý trên 30 quốc gia rồi”.


Góc vườn của Xuân Yến


“Khách nước ngoài rất mê làng rau Trà Quế ngoài Hội An. Đó là một làng rau nhỏ, luống rau nhỏ và lá rau lại càng nhỏ hơn. Đất miền Trung hơi cằn cỗi, nên những lá rau thơm không lớn phổng phao mà cứ bé xíu, nhưng lại chắt chiu tất cả hương thơm từ đất, từ nước, từ những nhánh rong dùng chăm bón để tạo ra những nhánh rau thơm không lẫn vào đâu được. Trà Quế studio ra đời từ cảm giác này, một không gian nhỏ, ấm cúng và trong lành giữa lòng thành phố để mọi người có thể đến để trò chuyện, cùng nhau vẽ vời, lên ý tưởng và mang về những tấm thiệp nhỏ xinh nhưng được chăm chút bằng tất cả tài năng và tấm lòng của người hoạ sĩ” – đó là câu chuyện của nhà kỷ lục Nguyễn Thị Xuân Yến.


Bỏ qua những tháng ngày thủ lĩnh của đoàn quân hàng Việt về nông thôn, gác lại những chuyến đi vòng quanh châu Âu, Xuân Yến mở Trà Quế studio với mong muốn chân quê như vậy. Rất nhanh, những đơn hàng từ Mỹ, từ Nhật, từ Sing gởi về, ai cũng mong muốn có những tấm thiệp cưới chở theo thông điệp về sự yêu thích thiên nhiên, mang trong lòng những hoạ tiết cổ truyền của những vùng đất nước mà mình đã đi qua.


“Niềm vui không phải là đông khách, mà là càng ngày càng có nhiều người bạn mới đến từ mọi nơi để chia sẻ niềm say mê với những hoạ tiết, hoa văn truyền thống của quê mình. Niềm vui và sự chia sẻ, sự đồng cảm thì không phải lúc nào cũng có được, nó mới chính là động lực để mình làm việc nhiều hơn và hoàn thành công việc tốt hơn…” – vừa in tấm khăn trải bàn hình chùa Một cột lên tấm vải thô dệt bởi người dân tộc ở Cao Bằng, Yến vừa kể...


Vy Anh – Bảo Văn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ