Nhật ký trên những đôi giày
Hải hành từ Yokohama đi Thượng Hải
SGTT.VN - Khi ghi danh tham gia một chuyến tàu container chở hàng thương mại có lộ trình từ Bắc Mỹ đến châu Á của hãng tàu biển MAERSK LINE, và dự định lên tàu từ cảng Yokohama – Nhật Bản và kết thúc tại Thượng Hải – Trung Quốc, tôi chưa hề biết điều gì đang chờ đón mình nhưng tôi mong chờ đây sẽ là một chuyến đi hứa hẹn nhiều thú vị với những trải nghiệm khó quên.
Bão đến rồi, vậy là con tàu phải chạy nhanh hơn. |
Lên tàu vào buổi trưa, sau khi làm thủ tục “check in” và nghe giới thiệu về con tàu cũng như các thông tin chuyến đi, tôi vội vã leo lên phòng điều khiển, phóng tầm mắt ra chung quanh và tận hưởng khung cảnh nơi đây; một bên là cầu cảng cùng bãi xếp container trải dài ngút tầm mắt và một bên là đại dương với cánh chim hải âu vẫy gọi. Tôi hít một hơi thở sâu và tự nhủ: “Đường ra biển lớn bắt đầu từ đây”.
Trong vài phút, con tàu MAERSK ALBERT nhổ neo ra khơi theo lệnh của thuyền trưởng với sự trợ giúp của hoa tiêu. Di chuyển gọn gàng và đổi hướng nhịp nhàng như một gánh hàng rong quen thuộc trên phố phường Hà Nội, con tàu nhanh chóng rời cảng Yokohama mang theo hàng ngàn container hàng hoá, tiếp tục công việc của mình trong chuỗi cung ứng cho thương mại toàn cầu.
Ra khơi
Ra khơi, nghĩa là chỉ còn con tàu và hàng hoá, chung quanh không còn gì khác ngoài đại dương mênh mông. Chúng tôi sớm nhận được thông báo một cơn bão đang ập vào khu vực biển Nhật Bản và Trung Quốc, trực tiếp ảnh hưởng đến hành trình của chúng tôi. Bão đến rồi, vậy là con tàu phải chạy nhanh hơn, vậy là cánh thuỷ thủ phải dốc sức đi kiểm tra an toàn cho tất cả hàng hoá trên tàu. Còn cánh kỹ sư trên tàu phải lăn lộn dầu mỡ chuẩn bị đảm bảo cho thiết bị hoạt động ổn định trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tất cả vì an toàn của chuyến đi, an toàn của hàng hoá, an toàn của một dòng chảy thương mại xuyên châu lục. Chuẩn bị kỹ lưỡng là thế, lo lắng vẫn đến trên khuôn mặt mỗi thành viên của chuyến đi; bởi biển càng lặng, trời càng đẹp bao nhiêu trước bão, thì sức tàn phá của cơn bão càng mạnh mẽ, dữ dội bấy nhiêu. Ở đây không có chỗ cho sự chủ quan.
Đồng hành cùng bão
Gió giật từ phía sau, sóng cuộn lên từ phía trước, cứ thế đập vào mạn trái con tàu như giận dữ! Bão tới rồi, con tàu lắc lư trong bão nhưng vẫn tiến lên phía trước đúng theo hải trình. Kiên định!
Cùng với anh em thuỷ thủ đoàn và các kỹ sư lao vào công việc, tôi có cơ hội được trải nghiệm các nhiệm vụ trong bão một cách trực quan sinh động nhất, thực chất nhất mà ngay cả chính họ, những người đi biển chuyên nghiệp cũng hiếm khi phải làm. Có dính dầu, có chạm mỡ tôi mới hiểu để đưa xe hơi từ Nhật đến châu Âu, hay để đưa ngũ cốc từ Nam Mỹ về châu Á; mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu và mạng sống là những sự hy sinh cần thiết! Tai nạn lao động, cướp biển, hay thiên tai thảm hoạ, hay đơn giản như sự cô đơn là những rủi ro không báo trước của nghề đi biển.
Tác giả chụp hình kỷ niệm trên con tàu. |
Bão tan
Chúng tôi trở lại với sinh hoạt bình thường trên tàu sau khi vượt qua cơn bão lớn nhất đổ vào Nhật Bản trong vòng mười năm qua. Trời quang, chiều buông lững lờ với ánh sáng vàng rực rỡ cuối ngày. Cảnh tượng hùng vĩ ấy lôi cuốn tâm hồn chúng tôi rong chơi tận cuối chân trời.
Ở đây chúng tôi là anh em, là đồng chí, là bạn tâm giao. Những câu chuyện chúng tôi nói với nhau chủ yếu là về gia đình, về tương lai khi trở về đất liền, về những kế hoạch nhỏ mà chúng tôi còn nung nấu. Một cậu bạn người Ấn Độ vừa chia sẻ anh đang đợi đến ngày về thăm gia đình và bạn gái sau ba tháng ròng lênh đênh trên biển. Tôi mang càphê, hoa quả sấy khô, hạt điều, những hải sản của Việt Nam tặng lại đoàn thuỷ thủ, mong những buổi chia sẻ sau bữa tối của họ thêm vui vẻ và ấm cúng. Trên tàu chúng tôi ăn cũng rất ngon, đầy đủ cả chất và lượng bởi “anh nuôi” lúc nào cũng làm chúng tôi hài lòng với cả ba bữa. Thầm cảm ơn những con người ở đây, mỗi người một việc đang ngày ngày đóng góp công sức của mình làm nên điều vĩ đại.
Không biên giới
Tôi yêu nghề, yêu cả những con người trong nghề hàng hải. Nhờ có những chuyến tàu, chúng tôi đi khắp nơi trên thế giới, mang đến cơ hội cho người tiêu dùng cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp, mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội kinh doanh mới, mang đến sức sống cho nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, mang cả thế giới đến một điểm chung. Trong chuyến đi, chúng tôi có đi qua khu vực biển mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhưng không gặp phải bất cứ khó khăn nào. Với sứ mệnh rõ ràng và với thái độ tôn trọng với con người, văn hoá của mỗi quốc gia; mỗi một đất nước mà chúng tôi ghé thăm là nơi chúng tôi vẫy chào những người bạn mới và cùng chia sẻ cơ hội phát triển.
Cập cảng Thượng Hải vào sáng sớm, xuống tàu sau bốn ngày lênh đênh trên biển, tôi không quên ngắm nhìn bình minh bến cảng từ trên cầu tàu, không khí trong lành và mát mẻ. Thế là lại thêm một trung tâm kinh tế, xuất nhập khẩu của châu Á mà tôi có cơ hội được đến thăm. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục của cái gọi là hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải đường biển ở tầm quốc tế. Chào Thượng Hải, chào những cơ hội mới.
Kết thúc chuyến đi, tôi chợt nghĩ đến nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập, còn non trẻ trong xu thế toàn cầu hoá đang dò từng hải lý. Tôi mong lắm một ngày nào đó được chứng kiến Việt Nam trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới. Nơi mỗi người lao động Việt Nam như chúng tôi đang ngày đêm chung tay góp phần xây dựng nền kinh tế vững mạnh, giúp con tàu Việt Nam hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu.
bài và ảnh: Lê Sơn Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét