Triết gia Plato và thú mỏ vịt rủ nhau đi nhậu
SGTT.VN - Nếu bước vào nhà sách mà vô tình cầm lên tay cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… (Nhã Nam – NXB Thế Giới, 9.2013) của Thomas Cathcart & Daniel Klein, do Tiết Hùng Thái dịch, hẳn nhiều độc giả sẽ bị sốc. Bởi triết học gì mà tếu và “phá chấp” đến như vậy?
Đọc sách này xong, chúng ta sẽ biết triết gia cổ đại Plato và con thú mỏ vịt nói gì trong quán bar. Trong sách có vô số chuyện tiếu, kiểu như thế này: “Tại sao một con voi lại to, màu xám và nhăn nheo? Bởi vì nếu nó nhỏ, trắng và trơn nhẵn thì nó là một viên aspirin rồi”; hay “Hai con bò đang đứng trong đồng cỏ. Một con nói với con kia: “Bạn nghĩ gì về cái bệnh bò điên này?” “Tớ sợ cóc gì?”, con kia nói. “Tớ là một chiếc trực thăng mà”.
Trong lời dẫn, có đoạn giải thích sự kết hợp quái chiêu này: “Cách xây dựng và điều bổ ích của những chuyện đùa, cũng như cách xây dựng và điều bổ ích của những khái niệm triết học được làm bằng cùng thứ chất liệu. Chúng kích thích trí óc theo cùng một cách. Đó là bởi vì triết học và sự bông đùa bắt nguồn từ cùng một sự thúc đẩy: làm cho các cảm giác của chúng ta ngạc nhiên về cách hiện hữu của mọi sự vật, để lật ngược cái thế giới của chúng ta, và để lục tìm lôi ra những sự thật ẩn giấu thường không mấy dễ chịu, của đời sống. Cái mà các triết gia gọi là thấu thị, các tay thích đùa gọi là bông phèng”.
Ví dụ trong truyện này: “Morty về nhà thấy vợ hắn cùng với Lou – người bạn thiết thân của hắn – đang cùng nhau trần truồng trên giường. Morty chưa kịp mở miệng thì Lou nhảy ra khỏi giường và bảo: “Trước khi cậu nói bất cứ điều gì, nghe đây, ông bạn vàng ạ, cậu tin vào cái gì, tin tớ hay tin vào mắt của cậu?”
Thomas Cathcart và Daniel Klein cắt nghĩa truyện này như sau: “Bằng cách thách thức ưu việt hoá kinh nghiệm cảm giác, Lou đã đặt câu hỏi loại dữ liệu nào là chắc chắn và tại sao. Liệu có một cách thu thập dữ kiện về thế giới – chẳng hạn, nhìn – là đáng tin cậy hơn các cách khác – chẳng hạn, một bước nhảy của lòng tin cậy, nơi chấp nhận cách mô tả của Lou về thực tại?”
Cứ một chuyện tiếu lại có những cắt nghĩa theo lăng kính triết học như trên, nên người đọc có thể quên khái niệm rắc rối, nhưng lại nhớ chuyện để suy ngẫm. Sự tài tình và điểm thu hút lớn của sách chính là ở điểm này. Một hành trình triết lý của Tây phương từ cổ đại đến đương thời, từ những tượng đài lớn (như Plato) đến đời thường (thú mỏ vịt), từ thuyết bất khả tri đến thiền, từ thông diễn học đến vĩnh cửu luận…
Khi sách này mới ra mắt, nó đã nhận về nhiều sự chỉ trích và bị vài nhà xuất bản từ chối in, nhưng nay lại thuộc nhóm những sách triết học bán chạy. Bởi thực tế cho thấy, các sách kinh điển về triết học không dễ lĩnh hội, dù tri kiến từ triết học thì rất quan trọng với bất kỳ ai muốn trưởng thành về tư duy. Để đời thường hoá, Thomas Cathcart và Daniel Klein đã chế ra khái niệm “philogagging”, mà Tiết Hùng Thái dịch là “tiếu học”. Khái niệm này được cấu tạo từ “philo”: yêu thích với “gag”: chuyện đùa; trong khi “philosophy” (triết học) thì từ “philo” và “sophia”: sự thông thái.
Thomas Cathcart và Daniel Klein sống ở New England (Hoa Kỳ), từng làm những nghề bình thường sau khi tốt nghiệp triết học tại đại học Harvard. Thomas làm việc với các băng đảng đường phố ở Chicago; Daniel viết truyện cười cho các diễn viên hài. Họ còn là đồng tác giả những tác phẩm “tiếu học” về đại triết gia Aristotle, Heidegger…
Hiền Hoà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét