LTS. Gần đây, việc cùng đứng tên trên một bài báo khoa học dù không có đóng góp tương xứng với vị trí đồng tác giả ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Theo quan điểm của nhà khoa học y khoa Nguyễn Văn Tuấn, người vừa đoạt giải Sách Hay 2013, đây là hành vi vi phạm đạo đức khoa học.
Công trạng trong khoa học
Bài 1: Từ tác giả danh dự, tác giả ma...
SGTT.VN - Nội dung một bài báo khoa học phản ảnh những phát hiện đáng chú ý mà tác giả muốn chia sẻ cùng cộng đồng khoa học. Đứng tên tác giả một bài báo khoa học không chỉ có nghĩa chịu trách nhiệm về nội dung và có thẩm quyền về bài báo, mà còn là một hình thức ghi nhận công trạng.
Phải cùng tham gia nghiên cứu mới là đồng tác giả. Ảnh: nhóm các nhà khoa học trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, thuộc đại học Khoa học tự nhiên – đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học thuộc đại học Columbia (Hoa Kỳ) về “Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” mà kết quả vừa được xuất bản trên tạp chí Nature. Ảnh: VNU |
Một cây làm chẳng nên non
Số lượng bài báo mà một cá nhân đứng tên tác giả thường được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng để xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng (như giáo sư, phó giáo sư). Ở nhiều trường đại học trên thế giới, nghiên cứu sinh cần phải đứng tên tác giả đầu của một số công trình nghiên cứu mới được bảo vệ luận án tiến sĩ. Đối với các cơ quan tài trợ như Nafosted của bộ Khoa học và công nghệ, bài báo khoa học là một trong những tiêu chí để “nghiệm thu” công trình nghiên cứu. Ở cấp quốc gia, số bài báo khoa học (mà công dân của quốc gia đó đứng tên tác giả) được xem là một thước đo quan trọng để đánh giá trình độ khoa học kỹ thuật của quốc gia. Do đó, việc phân định công trạng qua đứng tên tác giả bài báo khoa học rất có ý nghĩa đến cá nhân nhà khoa học và uy danh quốc gia.
Vấn đề phân định công trạng rất đơn giản nếu bài báo chỉ có một tác giả duy nhất, nhưng trở nên phức tạp khi bài báo có nhiều tác giả. Từ thế kỷ 17 đến thập niên 1920, quy ước của cộng đồng khoa học là mỗi bài báo chỉ có một tác giả. Do đó, việc phân định công trạng chưa được đặt ra. Đến thập niên 1950 thì quy ước một tác giả bị chất vấn, và đến thập niên 1980 thì cộng đồng khoa học thay đổi theo hướng dân chủ hơn.
Ngày nay, mở một tập san khoa học lớn (như Nature, Science, Cell), chúng ta thấy có rất nhiều bài báo với nhiều tác giả, có bài số tác giả lên đến hàng trăm người! Theo thống kê của Nature, tính trung bình, số tác giả của mỗi bài báo ngày nay tăng gấp bốn lần so với thập niên 1950.
Ngày nay, nghiên cứu khoa học thường là nỗ lực của một tập thể, vì có sự đóng góp của nhiều chuyên gia từ nhiều chuyên ngành. Do đó, hiện tượng nhiều tác giả không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng việc phân định công trạng không dễ dàng khi mà mọi người đều có thể nói “không có tôi thì công trình này không thành công”. Người viết bài này từng chứng kiến những tranh cãi như thế rất nhiều lần, và mỗi lần đều dẫn đến những kết cục buồn, vì sứt mẻ tình bạn và quan hệ đồng nghiệp.
Ba tiêu chuẩn vàng
Câu hỏi đặt ra là ai xứng đáng đứng tên tác giả? Năm 1985, uỷ ban Tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra ba tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học. Năm 2000, ba tiêu chuẩn này được hiệu chỉnh, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để quy quyền tác giả. Theo định nghĩa của ICMJE, một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ ba tiêu chuẩn: có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện; đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung bài báo một cách nghiêm túc; và phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san. Những người chỉ có công tìm tài trợ, chỉ có công thu thập dữ kiện, hay chỉ có công lãnh đạo một nhóm nghiên cứu thì không có quyền đứng tên tác giả.
Nguyên tắc là thế, nhưng trong thực tế không phải ai cũng dựa theo những tiêu chuẩn vàng trên. Có nhiều bài báo khoa học mà trong đó một số tác giả chẳng đóng góp gì đáng kể, thậm chí chẳng biết nội dung bài báo nói về cái gì, có người còn chưa thấy bài báo ra sao! Gần đây, với áp lực xin tiền tài trợ cho nghiên cứu và xin đề bạt, xuất hiện hiện tượng tác giả danh dự, tác giả ma (ghost author), và… cướp công trong khoa học.
Ở Việt Nam, không ít tác giả đứng tên tác giả trong bài báo khoa học nhưng không đáp ứng ba tiêu chuẩn vàng trên. Họ không dính dáng gì đến việc khai sinh ý tưởng bài báo, không tham gia soạn thảo bài báo, nhưng thường là giám đốc một trung tâm, hay đứng đầu một nhóm nghiên cứu lớn. Là giám đốc, họ có thể gây áp lực đến nhà khoa học dưới quyền hay đối tác nước ngoài ghi tên họ vào danh sách tác giả. Đối với nghiên cứu sinh, do ở vị thế “bất lợi” nên đành phải làm theo yêu cầu. Đối với đối tác nước ngoài, vì lý do ngoại giao và làm việc lâu dài, cũng sẵn sàng đề tên các sếp vào danh sách tác giả. Thuật ngữ khoa học gọi những “tác giả” loại này là “tác giả danh dự” (honorary author), “tác giả mời” (guest author), “tác giả quà” (gift author). Đối với tác giả chính, có tác giả danh dự hay tác giả quà chẳng hại gì, mà còn thắt chặt thêm tình đồng nghiệp trong tương lai, khi mà lúc “có qua có lại” trở thành một lợi thế cho sự nghiệp khoa bảng. Theo một phân tích công bố trên tập san JAMA vào năm 1998, có gần 20% các bài báo có những “tác giả danh dự”, tức rất phổ biến!
“Tác giả ma” là một thuật ngữ tương đối mới trên thế giới, nhưng nó lại không hề mới trong giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Theo cách hiểu thông thường, tác giả ma là người soạn thảo bài báo khoa học nhưng lại không có tên trong danh sách tác giả (và người đứng tên tác giả thì không hề viết bài báo!) Hiện tượng tác giả ma chỉ xuất hiện trên các tập san khoa học khoảng 20 năm qua, và “thủ phạm” là các công ty dược. Các công ty dược làm nghiên cứu, rồi mướn chuyên gia khác viết bài báo, và mời các giáo sư nổi tiếng (không liên quan gì đến công trình nghiên cứu) đứng tên tác giả. Khoảng 11% các bài báo y khoa có hiện tượng tác giả ma. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện tượng tác giả ma khá phổ biến từ lâu và xuất hiện dưới nhiều dạng. Có những người chuyên viết thuê luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, có người chuyên viết thuê bài báo khoa học, có những người chuyên soạn bài nói chuyện cho các giáo sư v.v. Do đó, hiện tượng tác giả ma ở Việt Nam có phần “phong phú” hơn so với thế giới.
Nguyễn Văn Tuấn
Kỳ sau: Đến vị trí tác giả và công trạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét