Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào sản xuất

Doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào sản xuất

Nâng giá trị hạt gạo


Doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào sản xuất


SGTT.VN - Doanh nghiệp liên kết với nông dân hoặc các chủ thể trong chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị hạt gạo là hướng đi phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Vấn đề là có làm được hay không?










Nông dân xã Đông Bình (Thới Lai – Cần Thơ) đã thu hoạch phân nửa diện tích lúa vụ 3, nhưng doanh nghiệp bao tiêu vẫn chưa mua. Ảnh: Ngọc Tùng



Tại hội thảo nhằm tìm ra mô hình liên kết hữu ích mà hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 17.9 ở TP.HCM, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đều thừa nhận: nếu hai bên chấp hành đúng theo hợp đồng liên kết, người nông dân sẽ là đối tượng được bảo đảm lợi ích thông qua việc doanh nghiệp mua giá lúa cao theo hợp đồng và ngược lại, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng hàng hoá đồng đều, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu…


Lợi ích là rõ ràng


So với các doanh nghiệp khác, công ty TNHH xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà, TP.HCM (công ty Thu Hà) hầu như không có tiếng tăm trong ngành xuất khẩu gạo. Thế nhưng, thông tin về các dự án đầu tư vùng nguyên liệu mà bà Thu Hà, giám đốc công ty này trình bày tại buổi hội thảo ngày hôm qua thật sự khiến cho các doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm không khỏi chạnh lòng. Trước năm 2011, công ty Thu Hà chỉ là một cơ sở bán lẻ gạo tại thị trường thành phố. Nhận thấy công việc kinh doanh gạo sẽ chẳng bao giờ có lợi nhuận cao nếu chỉ tập trung mua gom gạo trôi nổi trên thị trường, nên năm 2011 Thu Hà mạnh dạn xuống huyện Tam Nông, Đồng Tháp liên kết bao tiêu 200 mẫu lúa với ba hợp tác xã (HTX) của địa phương này. Hình thức bao tiêu là ký hợp đồng trực tiếp với ba HTX trong huyện, sau đó là ứng vốn để ban chủ nhiệm mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giao nông dân để họ sản xuất giống lúa và quy trình của doanh nghiệp chọn. Đến vụ, giá mua lúa theo thị trường có cộng thêm 200 đồng/kg cho nông dân và 10 đồng trả công cho ban chủ nhiệm HTX. Sau ba năm triển khai, đến nay diện tích tăng lên 2.500ha.


Bà Võ Thị Thu Hà khẳng định: công ty đang mua được loại lúa tốt nhất, không có lẫn lộn giống, gạo đạt chất lượng, giá bán cao hơn 10 – 15% và hơn hết là nông dân có lãi hơn 20% so với trước. Ngoài ra, liên kết sản xuất lúa còn tạo ra nguồn hàng lớn cho Thu Hà, giúp công ty này chuyển đổi từ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nội địa sang mô hình công ty xuất khẩu kể từ năm 2011. “Chúng tôi khẳng định tuy tham gia xuất khẩu sau nhưng gạo của Thu Hà được khách hàng tín nhiệm rất cao”, bà Thu Hà hồ hởi.


Từ năm 2010, công ty Bảo vệ thực vật An Giang liên kết với các hộ nông dân, tạo ra vùng nguyên liệu mà sau này là cánh đồng mẫu lớn thông qua ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, liên kết các cánh đồng nhỏ để tạo ra vùng sản xuất lớn. Công ty đầu tư phân bón, thuốc, quy trình kỹ thuật không tính lãi 120 ngày, sau đó mua lại lúa tươi về sấy, nông dân được gửi kho 30 ngày không mất phí. Năm 2012, công ty này xây bốn nhà máy trong kế hoạch 12 nhà máy đến năm 2018 ngay tại vùng nguyên liệu để thu mua, tồn trữ, xay xát gạo và đến nay họ đã xây dựng được thương hiệu “hạt ngọc trời” xuất khẩu đi các thị trường khó tính nhất, giá cao hơn 40 – 70 USD/tấn…


Nâng cao giá trị và phân phối lại cho nông dân


Cuối năm nay công ty Thu Hà sẽ đưa vào hoạt động cụm nhà máy chế biến gạo, nhà máy sấy trị giá trên dưới 250 tỉ đồng ngay giữa trung tâm vùng nguyên liệu lúa của công ty này ở Tam Nông. Theo bà Thu Hà, đây là một minh chứng để khẳng định đã đến lúc doanh nghiệp, nông dân “không thể sản xuất riêng lẻ được nữa” bởi giống lúa sản xuất theo quy mô nhỏ không đạt yêu cầu. Do đó, sản xuất tập trung sẽ đi vào đồng bộ, sản xuất theo quy hoạch, theo yêu cầu thị trường.


Cho đến nay mới có 13 doanh nghiệp trong tổng số 150 đầu mối xuất khẩu thực hiện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Đây đó vẫn còn những tiếng kêu “bẻ kèo”, nhưng qua thực tế liên kết, VFA đánh giá đây là mô hình nếu làm tốt sẽ mang lại lợi ích hài hoà cho cả nông dân, doanh nghiệp, ngoài ra còn huy động nguồn lực tổng hợp thông qua việc gắn kết doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, đầu mối cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ngân hàng để hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Các mô hình liên kết có thể là doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn như cách làm của công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang, hay liên kết với chủ thể thứ hai là HTX, tổ hợp tác như Thu Hà hoặc liên kết nhiều chủ thể với nhau như doanh nghiệp, nông dân và công ty cung ứng vật tư, ngân hàng, nhà máy xay xát của Angimex, Docimexco, Gentraco…


Nội dung quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo mà bộ Công thương vừa công bố quy định điều kiện cần để tham gia xuất khẩu là doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu hoặc liên kết với các chủ thể khác tạo ra vùng nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này không là mệnh lệnh hành chính mà là đòi hỏi của thị trường. Và quy định này có thể là một ràng buộc khắc phục tình trạng doanh nghiệp “bẻ kèo”. Bản thân các doanh nghiệp buộc phải tham gia vào sản xuất mới có thể tồn tại được.


Hoàng Bảy






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ