LTS. Sáng chủ nhật 22.9, tại khách sạn Rex (TP.HCM) giải thưởng Sách Hay 2013 do viện IRED tổ chức thường niên sẽ được trao. Với mục tiêu góp phần lan toả tri thức từ những cuốn sách hay, sách quý, đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển chung của nền tri thức và văn hoá nước nhà, giải Sách Hay đã đóng góp không chỉ cho nền văn hoá đọc mà còn đem lại tinh thần tự học cho mỗi người. Nhân dịp này Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc về văn hoá đọc và tinh thần tự học.
Trước giờ công bố giải Sách Hay 2013:
Sách và khai minh
SGTT.VN - Hơn 200 năm trước tại châu Âu, ý niệm về tinh thần đại học được khởi sinh tại nước Đức với triết lý giáo dục của Humbolt. Cũng quãng thời gian trên, tại nước Nhật đã diễn ra cuộc dịch thuật vĩ đại là khởi nguồn cho cuộc cách mạng tư tưởng, văn hoá đọc. Tại Việt Nam, nhiều nhà trí thức trong lịch sử lẫn hiện nay đã và đang nỗ lực thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với đất nước, rằng chúng ta không thể yêu nước trong sự vô minh. Dù rằng, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng công cuộc dịch thuật và phổ biến tri thức là một công việc đầy khó nhọc và không kém phần nguy hiểm.
Bộ sách đoạt giải Sách Hay 2012. Ảnh: vovworld.vn |
Tuy nhiên, tri thức tinh hoa là tài sản chung của nhân loại và chúng ta là một phần của thế giới này. Chúng ta phải thoát thai từ sự vô minh đến sự trưởng thành về nhận thức và tư duy. Không còn cách nào khác trong sự nghiệp này là việc đọc. Đọc để khai minh, để trưởng thành từ sự kế thừa thành tựu tinh hoa của nhân loại. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh xã hội phải đối mặt với biết bao suy thoái đạo đức sâu rộng, trầm kha như hiện nay, có lẽ những quyển sách tử tế sẽ là phương tiện tốt giúp chúng ta đến với những cuộc đàm thoại riêng tư của thế giới người hiền.
Những cuộc tranh luận, suy tư về học thuật sẽ diễn ra trong tinh thần cởi mở, học hỏi lẫn nhau từ sách. Những cuộc gặp gỡ giữa những người già và trẻ trong các trao đổi học thuật đã khiến những cuộc sinh hoạt học thuật khởi phát một tinh thần học thuật. Chúng ta cần xây dựng thật nhiều không gian đọc sách – nơi những người yêu mến tri thức nâng niu từng quyển sách tinh hoa, nơi những toan tính đời thường nhường bước cho sự tử tế của việc học. Dẫu biết rằng sách mới chỉ là sự khởi đầu trong cuộc hành trình dài tìm kiếm tri thức của những người đầy ắp niềm đam mê nhưng lại thiếu thốn về tri thức. Dẫu biết rằng bên ngoài cánh cổng của các trường đại học là cuộc mưu sinh đầy khốc liệt trong bối cảnh của một xã hội thị trường vốn đề cao nhiều giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần. Dẫu biết rằng sẽ chẳng có một tháp ngà yên ấm nào để chúng ta mãi ngồi suy tư, nhưng với việc lật giở từng trang sách trong tâm thế của đọc sẽ là cuộc hành trình đầy thú vị của người yêu mến tri thức, yêu mến sách. Bởi “Không có thú vui nào trên thế giới có thể sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác” (Kaibara Ekken).
Có lẽ, đối với những người thao thức với sự nghiệp giáo dục và khai minh nước nhà, chúng ta sẽ phải nhìn nhận với nhau rằng Việt Nam có thể đi sau, đi trễ so với nước Đức, nước Nhật nhưng chúng ta cần phải vững vàng, mạnh mẽ, vượt qua trở lực để cùng bước trên đại lộ tinh hoa tri thức của nhân loại. Chúng ta cần một bước chuyển trong nhận thức của người học theo tinh thần của người Nhật đã từng làm, rằng: “Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà để khai minh và khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của dân tộc văn hoá có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không đọc” (Nguyễn Xuân Xanh).
Nguyễn Đức Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét