“Không vì thu ngân sách mà thu tiền cấp giấy đất… cao”
SGTT.VN - Những vướng mắc trong chuyện chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) là nội dung nhận được sự quan tâm của đa số đại biểu tại phiên chất vấn bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang diễn ra chiều 20.8, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cấp giấy là để… quản lý
Quan điểm của bộ Tài nguyên và Môi trường là cấp GCN QSDĐ là để quản lý chứ không phải vì thu ngân sách. Ảnh: binhduong.gov.vn |
Theo bộ trưởng, tỷ lệ lớn chưa được cấp giấy chủ yếu ở các tỉnh miền núi, các tỉnh có điều kiện khó khăn bởi theo quy định địa phương phải dành 10% số thu từ tiền sử dụng đất cho việc đo vẽ bản đồ để có cơ sở cấp giấy. Tuy nhiên, nguồn thu từ đất các địa phương này không nhiều, diện tích đất lại rộng. “Riêng khối lượng công việc này từ năm 2012 trở về trước vẫn còn nợ 1.000 tỉ đồng. Các địa phương rất khó nên chúng tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 1.000 tỉ đồng, riêng cho các tỉnh miền núi”, ông Quang kiến nghị.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) và đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ, (Bình Định) cho rằng nguyên nhân chậm còn ở chỗ nghị định và văn bản hướng dẫn mâu thuẫn với luật Đất đai. Ông Vỡ dẫn chứng: luật không quy định dân phải đóng tiền nếu phần đất được cấp sổ không vượt quá hạn mức, thế nhưng nghị định 120 lại thu 40%.
Bộ trưởng thừa nhận và cho biết đã báo cáo phó Thủ tướng để phối hợp cùng các bộ sửa lại. Như nghị định 120 quy định thu tiền với diện tích đất cấp lần đầu quá hạn mức. Bộ Tài chính quy định thu theo quyết định của UBND địa phương cộng với hệ số K từ 1 – 4 lần, tuy nhiên, vận dụng hệ số K là quyền của địa phương. “Như vừa qua tại TP.HCM, người dân không nhận giấy vì hệ số K quá cao, thành phố áp dụng mức cao nhất, là hệ số 4. Quan điểm của bộ là đề nghị thành phố xem xét lại. Cấp GCN QSDĐ là để quản lý chứ không phải vì thu ngân sách. Chỉ với hộ mua gom đất, đầu cơ thì mới nên áp dụng hệ số 4 cũng được”, ông Quang nói.
Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường, bộ trưởng thừa nhận có nhiều khó khăn vì chưa có thanh tra chuyên ngành, thêm nữa, muốn xử lý thì phải bắt quả tang nên ngay cả “đi đêm về hôm” nhưng vẫn khó! Đáng chú ý, ông Quang kể, có tình trạng lãnh đạo địa phương xin xỏ “vừa phải thôi” để… thu hút đầu tư, “nếu không nhà đầu tư không vào chúng tôi (địa phương – PV) cũng chết”, bộ trưởng nói. |
Cấp phép khai thác khoáng sản: sai 50%
Vấn đề cấp giấy phép quyền khai thác khoáng sản tràn lan cũng được nhiều đại biểu bức xúc. Phó chủ tịch hội đồng Dân tộc Danh Út hỏi: 50% giấy phép sai phạm, là vi phạm những nội dung gì, có xử lý hay kiến nghị Chính phủ giải pháp gì. Bộ trưởng nói: trong năm 2013 bộ đã lập tám đoàn kiểm tra và trong 957 giấy phép đã cấp có 103 giấy cấp không đúng thẩm quyền, 345 giấy phép được cấp khi chưa có giấy đầu tư, 29 giấy cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường… “Các giấy phép sai chủ yếu là thuộc trách nhiệm các địa phương, trong đó nhiều địa phương cố ý làm trái; còn trên này bộ cấp ít và không sai”, ông Quang nhấn mạnh. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) yêu cầu công khai danh tính địa phương làm sai, làm trái. Nhiều đại biểu muốn bộ trưởng công khai các trường hợp địa phương bị xử lý.
Dù không công khai, song bộ trưởng cho hay đã kiến nghị Thủ tướng xử lý một số địa phương, phê bình một số lãnh đạo. Thêm vào đó chín tỉnh phải thu hồi giấy cấp không đúng quy định; 11 tỉnh tạm đình chỉ với giấy cấp khi chưa có thăm dò… và cuối năm sẽ báo cáo Quốc hội kết quả xử lý.
Đối với công tác công bố các khu vực khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, bộ trưởng cho biết nhiều địa phương tỏ ra sốt ruột, các tỉnh đề nghị rất nhiều nhưng quan điểm của bộ là phải “hết sức bình tĩnh”. “Hiện đã công bố 84 khu vực, nhưng cần hết sức kiềm chế vì càng làm càng thiệt hại. Phải xem xét địa phương được gì, nhân dân được gì? Tôi từng làm ở địa phương nên tôi thấy sai lầm”, bộ trưởng thú nhận.
Chí Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét