Xử phạt người kinh doanh thực phẩm bẩn
Vẫn chỉ là răn đe!
SGTT.VN - Các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện ra các vụ thực phẩm “bẩn”, độc hại khiến người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy cũng khó tự vệ. Trong khi đó, sau khi thanh tra, việc xử lý vi phạm hầu như chỉ mang tính “răn đe” khiến việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm như trò đùa.
Sau khi công bố thông tin về các cơ sở sản xuất bún “bẩn”, hôm 12.8, sở Công thương TP.HCM đã công bố mức xử phạt những cơ sở sản xuất vi phạm, với số tiền từ 30 – 52 triệu đồng/cơ sở. Với số tiền phạt chỉ bằng doanh số một vài ngày của các cơ sở này thì việc xử phạt hầu như chỉ mang tính răn đe, trong khi tác hại của việc sản xuất và kinh doanh bún “bẩn” thì khôn lường.
Một công đoạn trong việc sản xuất cà phê bẩn bằng các hóa chất độc hại. Ảnh: TL internet |
Với nhóm hàng thực phẩm nông sản, thuỷ sản khi xuất khẩu đi các nước luôn chịu sự kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm nhưng tiêu thụ trong nước thì lại quản lý lỏng lẻo. Chương trình giám sát các chất độc hại trong thuỷ sản được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố trong tháng 7 cho thấy, có 11 mẫu là cá tra, cá rô phi, cá lóc, tôm thẻ, sò điệp, sò lông nhiễm các độc tố. Chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hoá chất trong thịt gia súc, gia cầm cũng phát hiện ra nhiều mẫu nhiễm kháng sinh, chất cấm. Mới đây, hôm 8.8, công an TP Cần Thơ công bố một nhãn hiệu càphê làm giả càphê bột bằng đậu nành và hương liệu, với hàm lượng cafein chỉ từ 0,18 – 0,66%. Trước đó, Cảnh sát môi trường (bộ Công an) đã có chuyên án về càphê dỏm, phát hiện ra sáu cơ sở sản xuất càphê bột không chỉ sử dụng các nguyên liệu phụ gia không rõ nguồn gốc mà còn sử dụng cả chất bị cấm... Điều đặc biệt là hầu hết các cơ sở này đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, mức phạt hành chính cao nhất là 100 triệu đồng, có bổ sung thêm các hình phạt như tước giấy phép, thu hồi chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, nếu so sánh với những khoản lợi nhuận không nhỏ từ việc vi phạm thì mức xử phạt này vẫn chỉ là “răn đe”. Sau khi phát hiện việc vi phạm trong sản xuất càphê bột, ông Phạm Văn Bình, trưởng phòng 6, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường cho rằng cần sửa đổi điều 244 bộ luật Hình sự về cấu thành tội phạm an toàn thực phẩm. Theo đó, phải lượng hoá được mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của các hành vi vi phạm để xử lý. Do hậu quả của việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa nhìn thấy ngay nên chưa có vụ vi phạm nào bị xử lý hình sự, tuy nhiên, những tác hại của sự vi phạm này lại kéo dài và để lại hậu quả lớn về sức khoẻ cho nhiều gia đình và gánh nặng chi phí cho cả xã hội.
Lê Phượng
Ý kiến bạn đọc Cần xử lý hình sự Thời gian vừa qua, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở nên đáng báo động và rất được dư luận nhân dân quan tâm chú ý. Việc sử dụng bừa bãi hoá chất trong rau quả, thực phẩm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhân dân và là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ ung thư ở Việt Nam tăng nhanh (tỷ lệ ung thư ở Việt Nam hiện nay cao hàng đầu thế giới). Việc nhiễm hoá chất trong thời gian dài thậm chí còn có thể gây nguy cơ biến đổi gen cho cả thế hệ tương lai của đất nước, ảnh hưởng đến giống nòi Việt Nam. Cán bộ hưu trí chúng tôi cho rằng một phần nguyên nhân của tình trạng sử dụng bừa bãi hoá chất trong bảo quản, chế biến thực phẩm là do luật pháp của chúng ta còn chưa đủ sức răn đe. Tôi thấy ở các nước khác người ta xử lý hình sự rất nghiêm đối với những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (chẳng hạn ở Trung Quốc đã có nhiều người bị xử tử hình trong vụ sữa nhiễm melamine và nhiều vụ khác bị xử tù rất nặng). Thế nhưng ở Việt Nam tôi chưa thấy có vụ xử lý hình sự nào đối với những người dùng hoá chất độc hại trong sản xuất phở, bún, bánh mì, rau quả... Tôi mong rằng luật pháp sẽ được sửa đổi nghiêm minh hơn và cơ quan quản lý sẽ quan tâm hơn đến việc phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng buôn bán và sử dụng bừa bãi các hoá chất độc hại trong rau quả, thực phẩm. Trần Văn Sáng, cán bộ hưu trí, giáo sư tiến sĩ y học, và là độc giả trung thành của quý báo |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét