Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam lần thứ nhất – VDPF 2013
Tài chính thực của DNNN thế nào?
SGTT.VN - Trong hội nghị thay thế cho hội nghị CG (diễn đàn đối thoại giữa chính phủ với cộng đồng các nhà tài trợ tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế) diễn ra ngày 5.12 tại Hà Nội, nhiều đối tác tiếp tục bày tỏ quan ngại về tiến độ chậm chạp của cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Theo ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam, điểm khởi đầu quan trọng cho cải cách DNNN và tập đoàn kinh tế (TĐKT) là công khai tình hình tài chính thực. Bao gồm báo cáo thu nhập và bảng cân đối được kiểm toán cũng như các khoản vay từ hệ thống ngân hàng, bởi các doanh nghiệp này sử dụng công quỹ cho các hoạt động của họ.
Đáng chú ý, ông Kalra nói, mặc dù kế hoạch tái cơ cấu đã được một số tập đoàn kinh tế, DNNN xây dựng, nhưng các kế hoạch này không được công bố. Kế hoạch phải được xây dựng cho tất cả các tập đoàn kinh tế và DNNN. Các kế hoạch đó nên được xem xét kỹ về khả năng khả thi về mặt tài chính và về tính hiệu quả một cách công khai, và nên được thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn.
Nhiều đối tác tiếp tục bày tỏ quan ngại về tiến độ chậm chạp của cải cách doanh nghiệp Nhà nước Ảnh: |
Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị về việc các tập đoàn, tổng công ty nợ gần 50% GDP năm 2012, ông Kalra nói, rất khó để bình luận về việc này vì các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này chưa được công bố. Công chúng chỉ được biết báo cáo tài chính của những công ty có tên trên sàn giao dịch chứng khoán.
Về số thua lỗ lớn của các tập đoàn, ông Kalra cho rằng, khi các doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả thì cần phải đặt ra câu hỏi, có phải họ hoạt động ngoài lĩnh vực chính của mình? Liệu có thể chuyển giao một số lĩnh vực sang cho khu vực tư nhân? Trong khi cổ phần hoá sẽ giúp mang lại nguồn vốn cho ngân sách, từ đó giúp tái cấu trúc trở lại các tập đoàn, tổng công ty.
Với tư cách hỗ trợ Việt Nam thí điểm cải cách một số DNNN, giám đốc quốc gia ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura nêu thực trạng, trên thực tế, tái cơ cấu doanh nghiệp là một việc phức tạp, vì liên quan nhiều vấn đề, không chỉ là về cấu trúc kinh doanh mà đôi khi là vấn đề tài chính, lao động… Ông Kimura khuyến nghị: “Cải cách cấu trúc liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, vì thế việc phối hợp chặt chẽ liên bộ là điều sống còn trong quá trình làm luật. Chúng tôi nhận thấy các bộ và cơ quan khác nhau thường thảo ra các quy định liên quan đến cải cách của riêng mình, mà chưa có sự tham vấn với các bộ và cơ quan liên quan. Chính phủ nên cân nhắc tăng cường dàn xếp về thể chế để hỗ trợ cho việc phối hợp liên bộ và đảm bảo giám sát hiệu quả việc chuẩn bị và thực hiện các quy định liên quan đến cải cách, đặc biệt là cải cách DNNN”.
Theo ông, Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích rõ ràng hơn để thúc đẩy bộ máy quản lý DNNN thoái vốn khỏi ngành kinh doanh không phải là cốt lõi để tập trung vào lĩnh vực chính của mình.
Liên minh châu Âu EU công bố con số ODA cam kết của khu vực này dành cho Việt Nam năm 2014 hơn 784 triệu USD. |
Giám đốc quốc gia của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn chậm chạp. Tác động của khu vực nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp, khu vực kinh tế quốc doanh trì trệ. Bà Kwakwa khuyến nghị Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân. Đặc biệt, tạo sự minh bạch và tăng cường quản trị doanh nghiệp trong DNNN và khu vực tài chính sẽ nhanh chóng mang lại kết quả, thông qua thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và thực hiện cổ phần hoá.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hoá DNNN. Trong năm 2014 – 2015, chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Thực hiện cổ phần hoá khoảng 500 DNNN, trong đó cổ phần hoá 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90 (trong tổng số 87 tổng công ty) và bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hoá, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hoá vào 2020. “Dự kiến đến năm 2015 sẽ cổ phần hoá 500 doanh nghiệp, 600 doanh nghiệp còn lại sẽ cổ phần hoá những năm tiếp theo”, Thủ tướng khẳng định.
Không nên kéo dài VAMC?
Đại diện IMF nói, công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) không nên trở thành phương tiện hỗ trợ thanh khoản kéo dài cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán, vì việc đó sẽ làm yếu đi động cơ để tái cơ cấu và trì hoãn việc cấp vốn bổ sung cần thiết trong khu vực ngân hàng.
Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, về xử lý tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, dự kiến hết năm 2013, VAMC xử lý 30.000 – 35.000 tỉ đồng nợ xấu. Năm 2014, VAMC sẽ xử lý khoảng 100.000 – 150.000 tỉ đồng nợ xấu, đưa con số xử lý được trong năm 2013 – 2014 lên khoảng 130.000 – 180.000 tỉ đồng. Phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu về 3%. Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9.2013, nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 4,6%. Thủ tướng nhấn mạnh, với mức tăng GDP đạt 5,4% trong năm 2013 (trung bình ba năm là 5,6%), quy mô kinh tế của Việt Nam hiện đạt gần 176 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Bảo đảm GDP 2014 là 5,6% và năm 2015 là khoảng 6%.
Việt Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét