“Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…”
SGTT.VN - Bạn hỏi tôi làm sao diệt trừ “cái ngã” trong chúng ta, bạn đã cố gắng liên tục nhưng đôi khi vẫn thất bại mà không hiểu vì sao?
Bạn không nên quá cầu toàn. Cuộc sống, sự sống chung quanh mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi hơi thở đều có cái mới liên tục xuất hiện, chúng ta cứ sống, cứ quan sát và thưởng thức cuộc sống một cách hồn nhiên. Đừng làm cho nó nặng, cũng chớ có ý định áp đặt cho cuộc sống màu sắc mà chúng ta muốn, hình thức mà chúng ta quen cho thêm mệt.
Hãy xem thử cái ngã ở đâu trong chúng ta? Cái xuất hiện từ sắc tướng của thân, ta quen gọi là “thân tướng”, là cái có thật, vuốt ve biết khoái, đánh đập biết đau. Còn ngã là cái không tồn tại, song song với cái có như đất và không khí. Chúng không xuất hiện bên ngoài mà chúng ẩn tàng vào ý nghĩ, vào tư duy, vào ham muốn giận, ghét, thương, buồn, khổ khi thân tướng tiếp xúc với ngoại cảnh, từ cái thấy nghe, tưởng tượng đó, tác động tới ý thức, cái ngã bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu muốn làm hay không, muốn chán nản hay hào hứng, và cứ thế cái ngã ẩn núp để xúi giục thân tướng đứng dậy đi làm, phản ứng vui buồn, giận ghét, oán hận, tha thứ, khoan dung… Nhưng rốt lại thì sao? Cái thân tướng nghĩ tốt, làm nhiều điều tốt thì được khen ngợi hoan nghênh, nếu nghĩ sai làm quấy thì thân tướng bị quở trách, bị phạt tù, bị xử tử nếu là tội nặng, và thế là cái ngã lúc bấy giờ biến mất, trốn biệt, để lại thân tướng sống chết một mình!
Vậy thì chúng ta đã phần nào nhận ra cái sự thật “hai trong một” tự nơi mình chưa? Và nếu nhận ra thì chúng ta sẽ lắng nghe, sẽ hành động theo cái nào? Cái tôi thân tướng hay cái ngã của không sắc tướng lúc nào cũng ẩn tàng xúi xử người ta làm chuyện này chuyện nọ theo cái tâm phàm phu, nhưng không bao giờ xuất hiện để chịu trách nhiệm với người đời, khiến nhà thơ Nguyễn Du đã phải cay đắng thừa nhận: “Có thân phải luỵ vì thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!” Ông còn chưa nói hết vì sao cái thân phải luỵ.
Nếu chúng ta chưa phân biệt gốc gác cội nguồn của sự hình thành thân tứ đại này thì chúng ta rất dễ lầm lẫn, không nhận ra đâu là chủ, đâu là người khách trọ. Và như vậy thì dĩ nhiên ta đau đầu với những tham giận kiêu căng si mê lầm lạc... mà cái ngã thường xuyên quăng vào nhà chủ, để rồi ông chủ luôn luôn bị vạ lây khốn khổ không biết đường nào mà gỡ.
Chúng ta cần phải nhắc nhở nhau thường xuyên, quyết tâm học hỏi để có thể đi tới nơi mình muốn tới. Thường xuyên quan sát ở nơi ta, con người đang ăn, đang nói, đang nghĩ là ai: chủ hay khách? Sự phân biệt không nhằm trên dưới trong ngoài cao thấp hèn sang... mà để nhận ra cái sự thật đang tồn tại có mang lợi lạc cho người, cho đời, cho bản thân hay đang làm hại đời, hại người, làm trầm luân nghiệp chướng của cái gọi là ta.
Khi bạn và tôi nhận biết đầy đủ cái lẽ chân thật vừa nói thì cái gọi là ngã còn chỗ đâu mà tồn tại, mà trú ẩn để làm mưa làm gió, làm vọng tưởng, làm điêu đứng, đớn đau, khổ não ưu phiền cho thân tướng?
TS.NSND Bạch Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét