Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Mong mỏi một môi trường sống tốt hơn

Mong mỏi một môi trường sống tốt hơn









Nên bỏ vòng xoay ngã tư An Sương thì tình trạng kẹt xe sẽ không bao giờ xảy ra? Ảnh: TL



Vấn đề bạn đọc quan tâm


Mong mỏi một môi trường sống tốt hơn


SGTT.VN - Trong tuần qua, có những thông tin ngắn, tưởng là nhỏ nhưng lại gây được sự chú ý của bạn đọc, bên cạnh những bài có chủ đề xuyên suốt là đời sống đô thị và bảo vệ môi trường. Vấn đề chất lượng sống của người dân đô thị luôn được bạn đọc quan tâm, vì suy cho cùng, ai cũng thấy đời sống của gia đình mình liên quan trong đó.


Từ chuyện 10 tỉ đồng đến chuyện thiết kế các nút giao thông


Thông tin tỉnh Cần Thơ chi 10 tỉ đồng để tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm trực thuộc Trung ương, trong đó 40% lấy từ ngân sách Nhà nước, còn lại là từ nguồn xã hội hoá, một bạn đọc là người dân địa phương với tên Hai Lúa Cần Thơ (mingkjn@....com) nêu ý kiến: “Tôi không bàn chuyện lớn nhỏ, chuyện lãng phí ở đây. Cái gì đáng chi thì chi. Chỉ có điều, mười năm rồi, thành phố chưa có nhà văn hoá thiếu nhi mà đang xài ké của quận Ninh Kiều. Mười năm rồi, cử tri ở Cái Khế mong có trường mới cho con em đi học đàng hoàng, nhưng mười năm qua, trường vẫn xập xệ và ngập nước. Mười năm rồi, thành phố vẫn đem rác đi đổ ké ở bãi rác Tân Long của Hậu Giang. Bãi rác Tân Long đóng cửa trong nay mai, bãi rác mới của thành phố thì chưa làm xong. Sau lễ này, thành phố đưa rác về đâu? Và cũng mười năm, cái bờ kè hoành tráng làm mãi không xong, đã vậy còn lở, còn hư, còn nhiều chuyện nhập nhèm! Thường, các vị lãnh đạo của thành phố vẫn hay nói tầm nhìn mười năm, 20 năm, tới tận 2050, nhưng chuyện cần làm trong nhiệm kỳ của mình thì không thấy làm! Hứa, hẹn, và hết nhiệm kỳ rồi thôi”. Và anh Hai Lúa Cần Thơ chua chát kết luận: “Tôi dám chắc, những điều trên sẽ không được nhắc đến trong lễ kỷ niệm 10 năm thành phố!”. Rõ ràng, những điều người dân Cần Thơ như anh Hai Lúa mong mỏi chỉ cụ thể thế thôi, cần chi một lễ kỷ niệm chỉ có tính chất biểu diễn?


Kế hoạch xây dựng hầm chui ở ngã tư An Sương và ngã tư Thủ Đức trong danh mục đầu tư “Các công trình giao thông trọng điểm TP.HCM năm 2014” của UBND TP.HCM đã được bạn đọc quan tâm góp ý, thậm chí phản biện. Trong đó, anh Đặng Trường (quận Gò Vấp, TP.HCM) đề nghị: “Nút An Sương tôi thấy không bao giờ bị tắc hoặc kẹt xe do dòng người lưu thông. Kẹt xe do thiết kế sai. Nếu bỏ vòng xoay phía gầm cầu đi thì mặc nhiên ngã tư này sẽ rộng gấp đôi và tình trạng kẹt xe sẽ không bao giờ xảy ra trong vòng 15 năm tới. Nên dành tiền giải phóng kẹt xe phía đường Cộng Hoà và khu vực Bà Quẹo”. Cùng chung nhận xét với anh Trường, bạn đọc Rùa Siêu Thịt (ruasieuthit...@gmail.com) góp ý:“Hiện tại hướng từ Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Tân Bình đổ về trung tâm chỉ đi qua hai đường chính là Trường Chinh và Cộng Hoà. Cả hai con đường này đều đang quá tải và gây ùn tắc thường xuyên. Đây là những đường trục cần phải đầu tư mở rộng hơn là xây cầu vượt An Sương!” Thiết nghĩ, cả hai ý kiến này đều bày tỏ thái độ lo ngại với tinh thần xây dựng. Chính quyền hoặc các nhà chuyên môn cần thông tin đầy đủ hoặc giải thích có chứng minh chặt chẽ để người dân biết.


Sử dụng sức lan toả của mạng xã hội để bảo vệ động vật hoang dã


Chương trình “Hành động hổ mang” lần 2 ở châu Á nhằm cứu động vật hoang dã của Liên minh quốc tế về đấu tranh chống tội phạm loài hoang dã (ICCWC) tổ chức từ ngày 30.12.2013 – 26.1.2014 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc. “Mỗi loài đều có những giá trị ẩn sâu bên trong. Việc làm biến mất một loài sinh vật được ví như xé những trang giấy ra khỏi cuốn vở nhưng chưa kịp đọc. Có vẻ như chúng ta đã quá quen với việc môi trường tự nhiên đa dạng mà quên mất rằng động vật hoang dã cũng cần được bảo vệ. Vì vậy, chúng ta nên hành động trước khi quá muộn” – đó là ý kiến của bạn Roney Phan (roneyphan@....com).


Vấn đề là làm thế nào? Bạn đọc Bình Lê (binhle...@yahoo.com.vn) đề nghị: “Kết nối cộng đồng có lẽ là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tiếng nói của một người sẽ không có tác dụng nhưng khi toàn bộ cộng đồng lên tiếng lại hoàn toàn khác. Hiện nay, giới trẻ cũng như cộng đồng nhận ra tác hại của việc săn bắn, giết hại động vật hoang dã chỉ vì mục đích lợi nhuận hay đơn giản từ thú vui nhất thời. Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… có một số lượng lớn giới trẻ, danh nhân, nghệ sĩ và chính trị gia… Chúng ta có thể sử dụng cộng đồng năng động này để lên tiếng bảo vệ động vật hoang dã và phản đối hành động săn bắn, sát hại chúng. Cách này sẽ tạo ra được một luồng lớn dư luận, tác động đến các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Tiếng nói của cộng đồng là sức mạnh bảo vệ động vật đã và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng”.


Thảo My (tổng hợp)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ