TS Đinh Thế Hiệp |
Hi-tech Agro 2013
Đầu tư khoa học để đẩy lùi thực phẩm bẩn
SGTT.VN - Tại hội thảo công nghiệp thực phẩm: an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng trong khuôn khổ Hi-tech Agro 2013 diễn ra sáng 12.12, TS Đinh Thế Hiệp, phó giám đốc sở Khoa học và công nghệ TP.HCM công bố những thông tin mới nhất về dự án sản xuất thịt heo an toàn được đơn vị này triển khai nghiên cứu. Những vấn đề mà dự án này đang đối mặt cũng phản ánh chung những nỗ lực, khó khăn, những việc cần tiếp tục làm để đưa được nông sản an toàn đến người tiêu dùng.
Việc kiểm tra, giám sát heo trong dự án, đặc biệt là khi bán ra thị trường được tiến hành như thế nào?
Mỗi bước thực hiện trong dự án chúng tôi đều tiến hành kiểm tra định kỳ. Trước khi xuất chuồng, chúng tôi lấy mẫu thịt phân tích, đến khi giết mổ xong lấy thêm lần nữa và trong quá trình vận chuyển các mẫu cũng được lấy để kiểm tra. Ngay cả khi bán ra thị trường chúng tôi cũng phải cử người xuống các chợ lấy mẫu. Chúng tôi rất mong muốn dự án này được triển khai trên diện rộng để làm sao có được nguồn thịt an toàn cung cấp ra thị trường. Trước đây, sở cũng đã trình bày với UBND TP.HCM, nếu được có thể đưa nguồn thịt trong dự án vào chương trình bình ổn giá, lúc này mới có thể hy vọng triển khai ra rộng được. Bên cạnh đó cũng phải có sự cam kết, đầu tư của nhà chăn nuôi, bởi giá bán không ổn định, bấp bênh, thị trường khó khăn nên nhiều khi nông dân không tuân thủ thực hiện hết quy trình chăn nuôi an toàn đề ra. Dự án này không chỉ đầu tư nhiều thứ mà còn tốn nhiều kinh phí theo dõi nên chuyện người chăn nuôi cam kết bán bằng giá thị trường cũng là cả một vấn đề nan giải.
Trước đây, rau trồng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ra vẫn bị đánh bật ra khỏi thị trường do giá quá cao, chỉ một số ít người vào siêu thị mua được, còn số đông vẫn ra chợ mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Liệu dự án thịt heo an toàn có đi vào vết xe đổ như vậy không?
Đó cũng là điều chúng tôi băn khoăn, vì vậy chúng tôi mới mong muốn phải có sự cam kết từ nhiều phía. Chẳng hạn như từ phía người chăn nuôi phải cam kết ý thức sản xuất ra sản phẩm an toàn, Nhà nước thường xuyên hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau như vốn, kiểm soát thị trường, giúp thị trường lành mạnh.
Ông có thể nói rõ hơn các giải pháp nhân rộng mô hình?
Ông Trầm Quốc Thắng, phó chủ nhiệm HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi): dự án nuôi heo an toàn được triển khai cách nay hai năm, hiện có 12 hộ chăn nuôi đang áp dụng nuôi theo mô hình an toàn, có kiểm soát, ghi chép từ đầu vào đến đầu ra. Số heo mà HTX cung cấp ra thị trường trung bình mỗi tháng khoảng 3.000 con, tất cả đều đạt chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thịt heo của HTX giá bán ngang bằng với thịt heo chăn nuôi thông thường nên lợi nhuận mang lại cho bà con nuôi heo an toàn trong hợp tác xã không cao, không thu hút được đầu tư tăng đàn. Hiện nay, người chăn nuôi trong HTX có tâm huyết theo mô hình chủ yếu là nhờ vào họ ý thức được vấn đề an toàn thực phẩm, muốn góp phần làm lành mạnh dần thị trường. |
Thật ra là từ thực tế thị trường, bởi công nghệ chế biến thực phẩm hiện nay có cao đến cỡ nào thì chất lượng và an toàn lại quyết định ở khâu đầu vào. Trong khi đó, các mặt hàng nông sản hiện nay lại có nhiều bất cập. Khâu sản xuất ra sản phẩm do ông nông nghiệp quản lý, khi đưa vào chế biến có ông công thương, bán ra thị trường lại do ông y tế quản lý. Do đó, sau này phải có một tổng tư lệnh quản lý, nhưng ý tôi muốn bây giờ phải có sự kết nối, các nhà khoa học phải nghiên cứu ra các biện pháp, công cụ quản lý trong quá trình sản xuất, còn khâu công nghệ chế biến thì hầu như các nhà doanh nghiệp đã làm tốt hết rồi. Hiện nay sản xuất bấp bênh, tiêu thụ khó khăn, giá cả trồi sụt nên người nông dân cũng rất khó cam kết đúng nghĩa sản xuất đạt chuẩn an toàn. Ngoài dự án thịt heo an toàn, chúng tôi cũng triển khai thêm một số dự án trồng cây dược liệu, do giá cao, lợi nhuận ổn định nên nông dân trong dự án khá yên tâm đeo đuổi. Còn một số dự án trồng rau an toàn, do tỷ lệ hư hỏng nhiều nên nông dân rất khó làm.
Hiện nay trên thị trường vẫn phát hiện nguồn thực phẩm bẩn. Theo ông khoa học công nghệ có thể đóng góp được gì để loại bỏ được tình trạng này?
Chúng ta chưa làm tốt vấn đề kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Thực phẩm sạch, an toàn vẫn bán lẫn lộn với loại không an toàn, thậm chí là hôi thối. Chúng ta chưa xây dựng được hệ thống cửa hàng, đại lý đủ mạnh để nhận diện thực phẩm an toàn, giúp người dân có thể lựa chọn tốt hơn nên điều này tạo kẽ hở cho đối tượng kinh doanh làm ăn phi pháp. Trong khi đó, thực phẩm không đạt an toàn khó có thể phát hiện bằng cảm quan, chỉ khi nào lấy mẫu đưa vào phòng thí nghiệm, tiến hành các bước kiểm tra bằng máy móc mới cho kết quả đạt hay không đạt.
Vừa qua sở khoa học và công nghệ đã nghiên cứu ra một số bộ kit thử, tuy không phát hiện ra đầy đủ, chính xác các yếu tố độc hại nhưng bước đầu sau khi thử cũng có thể cho biết có hay không có các chất cấm trong các mẫu thử. Chúng tôi đã triển khai các bộ kit thử này đến các cơ quan làm chức năng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra vừa rồi thành phố cũng ký kết với các địa phương về sản xuất, tiêu thụ thực phẩm, qua đó chúng ta có thể kiểm soát được nguồn thực phẩm tốt hơn.
Hoàng Bảy – Trọng Văn
Hội chợ Hi-tech Agro 2013 do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức diễn ra từ 11 – 15.12 tại công viên Lê Văn Tám, TP.HCM. Ngoài mục tiêu giúp ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm TP.HCM và các tỉnh, thành tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành tựu của nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, thì hội chợ cũng là kênh thông tin tư vấn cho người tiêu dùng tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn. Trong khuôn khổ hội chợ có các buổi hội thảo chuyên đề và tư vấn kỹ thuật mang nội dung sâu sát và thiết thực trong việc định hướng và ứng dụng công nghệ cao vào ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét