Người đỡ chết nhờ heo bớt xài kháng sinh
SGTT.VN - Hàng tấn thuốc kháng sinh được sử dụng hàng năm cho heo và gà nuôi ở châu Âu làm dấy lên sự lo ngại lạm dụng kháng sinh. Đan Mạch đang đi tiên phong trong việc từ bỏ thói quen này.
Đan Mạch không cho sử dụng các loại kháng sinh thuộc thế hệ thứ ba và thứ tư trong chăn nuôi, loại thuốc rất quan trọng với con người hiện nay. |
Trước khi Michael Nielsen vào chuồng heo của mình, anh cởi quần, áo, vớ và cả quần lót, khoác vào bộ áo liền quần khử trùng, mang ủng cao su và xoa tay vào thuốc sát trùng rồi mới kiểm tra từng con heo. Trong trại chăn nuôi gần thủ đô Copenhagen, Nielsen có 650 heo nái. Mỗi heo nái cho 30 heo con trong một năm, dự tính sau một năm, đàn heo của anh có hơn 20.000 con.
“Hàng ngày, chúng tôi phải kiểm tra từng con heo”, Nielsen cho biết. Bệnh dịch là điều không thể tránh khỏi trong các chuồng heo này. Heo con dễ bị tiêu chảy, heo lớn hơn thì dễ bị nhiễm trùng qua những vết thương hở do chúng cắn lẫn nhau. Trong những trường hợp như vậy, Nielsen tiêm mũi Duoprim trị tiêu chảy và Streptocilin trị nhiễm trùng cho heo. Nếu có đến 1/4 số heo trong một chuồng bị tiêu chảy, anh sẽ trộn thuốc kháng sinh vào nước uống cho heo.
Không như các đồng nghiệp khác ở châu Âu, Nielsen phải báo cáo từng ống thuốc anh sử dụng lên cơ quan quản lý chăn nuôi nhà nước. Đan Mạch giám sát rất chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp hơn bất kỳ quốc gia nào để tránh việc lạm dụng kháng sinh. Nếu liều dùng của Nielsen vượt quá một giới hạn, anh sẽ nhận thư từ cơ quan quản lý giống như “thẻ vàng” và nộp tiền phạt. Nặng hơn, anh buộc phải giảm số heo nuôi trong trại. Nặng hơn nữa, anh bị cấm hành nghề. Bất kỳ ai cũng có thể đọc tin Nielsen bị phạt do dùng quá liều thuốc cho heo trên website của cơ quan quản lý.
“Chúng ta càng sử dụng nhiều kháng sinh hôm nay thì ngày mai kháng sinh đó càng giảm hiệu quả”, ông Steven Solomon từ trung tâm kiểm dịch Mỹ cảnh báo. Mỗi liều kháng sinh được sử dụng sẽ góp phần tạo ra những loại khuẩn mới chống lại thuốc kháng sinh. Ai cũng biết điều đó nhưng hàng năm vẫn có 40.000 người ở Mỹ và EU chết vì nhiễm trùng được gây nên bởi những vi trùng lờn thuốc kháng sinh. Các nhà nghiên cứu bệnh dịch dự báo “kỷ nguyên hậu kháng sinh” đang tới. Họ tin rằng một phần trách nhiệm nằm ở sự dùng thuốc quá liều một cách cẩu thả của những người nông dân. Các bác sĩ cũng đang kê toa quá liều kháng sinh cho các bệnh nhân.
Đan Mạch là nước đầu tiên nhấn phanh trong việc lạm dụng này, từ cách đây 20 năm. Nếu những người chăn nuôi dùng quá liều thuốc, họ sẽ đối diện với hình phạt. Ở Đức, trái lại, cho đến tháng 9 năm ngoái vẫn chưa có số liệu cụ thể bao nhiêu kháng sinh được dùng trong ngành nông nghiệp. Theo cục Bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm Đức thì năm 2011, các công ty dược cung cấp cho các bác sĩ thú y 1.734 tấn kháng sinh dùng cho vật nuôi. Khoảng 800 tấn kháng sinh được dùng cho người trong cùng thời kỳ. Tháng 10 qua, cơ quan Y khoa châu Âu, đưa ra một khảo sát so sánh lượng kháng sinh cho vật nuôi được dùng ở 25 nước châu Âu. Theo đó, các nông dân Đức sử dụng 211 miligram cho mỗi ký thịt hơi. Trong khi Đan Mạch chỉ dùng 43 miligram, thấp nhất châu Âu.
Mỗi con heo đủ lớn trong trại của Nielsen đều được gắn chíp ở tai, ăn qua hệ thống máng tự động. Từ trung tâm điều hành, con nào biếng ăn, bỏ bữa sẽ được Nielsen biết ngay và đó là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Về thuốc dùng, bác sĩ thú y trong trại của anh chỉ được kê đơn, muốn mua nó anh phải chạy ra tiệm dược phẩm. Trước đây, các bác sĩ thú y ở Đan Mạch vừa được phép kê đơn vừa được phép bán thuốc nên họ thường kê quá tay để kiếm lời. Từ năm 1994, bác sĩ thú y ở đây không được phép bán thuốc nữa. Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng không cho sử dụng các loại kháng sinh thuộc thế hệ thứ ba và thứ tư rất quan trọng với con người hiện nay. Sử dụng kháng sinh thế hệ cũ mà trị được bệnh cho gia súc tốt càng lâu bao nhiêu thì cả vật và người càng được nhờ nhiều bấy nhiêu.
Từ năm 2000, Đan Mạch cấm tiệt việc dùng thuốc để gia súc tăng trọng nhanh. Sáu năm sau, EU mới áp dụng lệnh cấm này. Ở Mỹ và châu Á, các nông dân vẫn được dùng. “Heo ở những nơi đó nung núc như khúc dồi đứng trên bốn chân. Nhưng đó không phải là loại thịt tôi muốn ăn”, Nielsen nói, heo của anh nhìn “xương xẩu” hơn.
Đinh Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét