Nhật ký trên những đôi giày
Madrid – thành phố của cái cũ và mới
SGTT.VN - Người Tây Ban Nha thường nói về thời tiết ở Madrid rằng: chín tháng mùa đông và ba tháng địa ngục, ý chỉ về cái nóng và độ ẩm khắc nghiệt của mùa hè ở đây. Nhưng điều đáng nói hơn là Madrid có sự hoà trộn giữa cái xưa và nay.
Quảng trường Plaza Mayor có sức chứa 50.000 người là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu. |
Mua bánh truyền thống bằng tiếng… gõ
Từ sân bay, thay vì đón taxi, chúng tôi sử dụng hệ thống tàu điện ngầm, tiết kiệm chi phí đáng kể, mà cũng chỉ tốn chừng đó thời gian.
Cách khách sạn khoảng hai phút đi bộ là nhà hát lớn, có lối kiến trúc đặc trưng của Tây Ban Nha, với những chiếc cột to, chạm trổ nhiều bức tượng điêu khắc đẹp mắt. Lúc này khoảng 4 giờ chiều, trung tâm vẫn còn thưa thớt người, không biết có phải ảnh hưởng của nền kinh tế đang xuống dốc hay không mà thấy có nhiều người vô gia cư ngồi chè chén trước cửa nhà hát lớn.
Nhưng đặc điểm hút mắt chúng tôi là con phố nhỏ, nơi những căn hộ vuông vức liền kề nhau, những chiếc bancông xinh xắn và những cánh cửa ra vào tràn đầy ánh nắng. Điều thú vị ở Madrid là bạn cứ việc đi lang thang ngắm nghía phố phường, nếu có lạc vào các con phố nhỏ này, thì cũng là cơ hội để bạn ngắm nhìn và trầm trồ lối kiến trúc xinh đẹp duyên dáng trong từng góc phố và chẳng mấy chốc, chúng lại dẫn bạn ra trở lại ngay trung tâm.
Tại khu trung tâm, có rất nhiều địa điểm để bạn tham quan. Cung điện hoàng gia (Palacio Real) lộng lẫy về đêm và thoáng đãng với khu vườn xanh mát cho du khách tự do đi dạo ban ngày. Tại quảng trường Plaza Mayor, có sức chứa 50.000 người – một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu, với tượng hoàng gia Felipe 3 cưỡi ngựa. Ở đây, có rất nhiều màn biểu diễn của nghệ sĩ đường phố để hấp dẫn du khách, các quán ăn ngoài trời nhộn nhịp khách ngồi thưởng thức món cocktail sangria đỏ chót giữa trưa nắng. Những nhà thờ với kiến trúc đặc trưng cũng thu hút nhiều nhóm khách du lịch dừng bước. Đặc biệt, loanh quanh ở những con phố nhỏ và nhờ vào sách hướng dẫn, chúng tôi tìm được căn nhà, cổng đóng kín, không bảng số, bảng hiệu, phải hỏi thăm nhiều người, mới đến được. Đây là một nhà tu nhỏ của các nữ tu sĩ dòng Carboneras (có nghĩa là hầm than, vì bức tượng Đức Mẹ đồng trinh của họ tìm thấy ở một hầm than). Tại đây, họ làm bánh “bíchquy” truyền thống bán cho dân địa phương và đến nay chủ yếu là khách du lịch. Vì là dòng tu kín, nên các nữ tu không được để cho ai thấy mặt mình, nếu muốn mua, bạn phải đến vào ngày nhà tu mở cửa, gõ vào mặt bàn gỗ, các nữ tu sẽ để gói bánh lên mặt bàn xoay, bạn nhận bánh và đặt tiền lên bàn, họ sẽ xoay mặt bàn để nhận tiền.
Ngôi chợ Mercado de San Miguel giống như chợ Bến Thành, nhưng nhỏ hơn – một điểm du lịch hơn là địa điểm mua sắm. Chợ bày nhiều thực phẩm như xúc xích, thịt nguội, hải sản tươi sống chế biến tại chỗ, trái cây đủ loại rất bắt mắt. Cách đó chừng vài chục phút đi bộ, là chợ Mercado Anton Martin có vẻ… thật hơn dành cho dân địa phương, bán nhiều sản phẩm tương tự nhưng giá cả dễ chịu hơn.
Chỉ một cửa sổ bán bánh bíchquy truyền thống của các nữ tu dòng kín Carboneras. Và không bao giờ thấy mặt người bán bánh. |
Không tiếp khách hai tiếng để ngủ trưa
Chúng tôi đi xe điện ngầm ra khỏi trung tâm thành phố, đến với những khu phố hiện đại. Madrid không đông đúc như ở London, các con đường ở khu phố thường có hai hàng cây xanh rợp bóng mát. Các toà nhà công sở to với vườn cây rộng lớn cho cảm giác thân thiện.
Món xúc xích chorizoe là đặc sản ở đây. Tại khu du lịch, rất nhiều cửa hiệu bán xúc xích, thịt nguội với nhiều chủng loại. So với London thì rẻ hơn nhiều nên chúng tôi mải mê mua đến nỗi anh hải quan ở sân bay phải mở vali của chúng tôi ra để kiểm tra. Nhưng toàn thực phẩm đóng gói niêm phong nên không phải bỏ lại món nào cả.
Người Tây Ban Nha nổi tiếng thích “ăn chơi”, vô số các nhà hàng tapas bán các dĩa thức ăn nhỏ để bạn ăn giặm lúc 4, 5 giờ chiều, trong khi chờ đến buổi tối thường là vào lúc 9, 10 giờ đêm. Tapas có khi là vài con mực nhỏ chiên, một ít cơm chế biến với mực đen thui nhưng ăn rất ngon miệng... Sau bữa tối, họ còn rủ nhau đến quán bar để uống rượu và xem nghệ sĩ biểu diễn điệu flemingo cổ điển cho đến quá nửa đêm.
Madrid cũng nổi tiếng với các cửa hiệu làm giày truyền thống, chúng tôi lạc vào một cửa hiệu gia đình vào lúc họ chuẩn bị đóng cửa nghỉ trưa. Người Tây Ban Nha rất quan trọng giấc ngủ trưa của họ, còn gọi là siesta, có lẽ nhờ đó mà họ thức khuya để “ăn chơi” được chăng? Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa đến hai tiếng để ngủ trưa. May cho chúng tôi, nhân viên cửa hàng lùa chúng tôi vào cửa hiệu rồi chốt cửa lại, mặc cho những khách hàng khác gõ cửa xin vào.
Đến hai cửa hàng bán đồ gốm, tuy được nhắc đến trong sách cẩm nang du lịch, nhưng hai nơi này vẫn giữ cửa hàng ở mức đơn giản tối thiểu. Ông chủ một cửa hàng giới thiệu nền gạch lát ở đây là do một nghệ nhân vẽ tay cách đây hơn 150 năm. Đồ gốm ở đây do nghệ nhân vẽ tay nên mỗi thứ chỉ có một, màu sắc tươi tắn đặc trưng của người dân Tây Ban Nha.
Rời Madrid với hai vali đầy ắp chorizo và những món đồ gốm kỷ niệm, chúng tôi có cảm giác lưu luyến với thành phố này, một thủ đô không tạo cho du khách cảm giác lợn cợn của sự hoà trộn giữa cũ và mới.
Quầy bán sách cũ ven hè phố ở Madrid. |
bài và ảnh: Phan Quỳnh Dao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét