Ký sự “săn” tê giác ở châu Phi (*)
Kỳ cuối: Sự mê muội đáng hổ thẹn
SGTT.VN - Suốt hành trình đi thực tế tại Nam Phi, điều luôn khiến tôi âm ỉ hổ thẹn là hầu hết các đồng nghiệp đều hỏi tôi: “Làm gì để người Việt Nam thôi buôn bán và sử dụng sừng tê giác?” Tôi không đủ thẩm quyền để đưa ra câu trả lời thoả mãn những người Nam Phi đáng mến ấy. Điều tôi có thể làm là chia sẻ những hiểu biết của mình về chiếc sừng tê giác để đừng ai mê muội tin vào công dụng diệu kỳ của nó.
Sự khan hiếm của sừng tê giác là một trong những lý do khiến những công dụng ảo của “khối tế bào chết” này càng bị thổi phồng và lan truyền rất nhanh. |
Trong sừng tê có gì?
Thuộc bộ ngón chẵn Artiodactyla, nhưng sừng tê giác không phát triển từ xương mà hình thành hoàn toàn từ các lớp biểu bì do quá trình keratin hoá. Keratin được tạo nên từ các phân tử protein gọi là alpha keratin, có trong móng, vuốt của tất cả các loài động vật có vú và các loài lông vũ. Những thành phần khác trong sừng tê giác đều có trong thức ăn của con người, bao gồm các chất phổ biến như carbon và nitrogen.
“Nếu chứng minh được sừng tê giác chữa được ung thư, các bạn có thể xây dựng trang trại nuôi nhốt ở Việt Nam để chúng tôi cung cấp giống tê giác cho các bạn nuôi và phát triển để lấy sừng chữa bệnh!" |
Trong quá trình keratin hoá, các tế bào da chết đi, dừng nhận dưỡng chất từ cơ thể tê giác. Do vậy, về bản chất, chiếc sừng đã chết giống như lông, tóc và móng tay, móng chân con người. Các enzyme phân giải protein trong dạ dày (như pepsin) và ruột non (trypsin) của con người gần như không thể hoà tan keratin cứng hoặc chỉ tiêu hoá một lượng không đáng kể, dù người sử dụng có mài mịn trước khi dùng. Trên thế giới chưa có bằng chứng y học đáng tin cậy nào chứng minh được giá trị của sừng tê giác trong điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo. Mới đây, một số nghiên cứu, chủ yếu được thực hiện tại Trung Quốc, cho rằng sừng tê giác có thể hạ sốt. Nhưng chính những nghiên cứu này cũng thừa nhận, các chất kháng viêm thông dụng có trong aspirin và thảo dược rẻ hơn và hiệu quả hạ sốt cao hơn sừng tê rất nhiều!
Khi chia sẻ với chúng tôi, TS Simon Naylor – giám đốc khu bảo tồn Phinda Private Game Reserve, cho biết: “Nếu chứng minh được sừng tê giác chữa được ung thư, các bạn có thể xây dựng trang trại nuôi nhốt ở Việt Nam để chúng tôi cung cấp giống tê giác cho các bạn nuôi và phát triển để lấy sừng chữa bệnh! Đừng mù quáng buôn bán, sử dụng sừng tê khi không chắc chắn về hiệu quả y dược của nó, vì điều đó sẽ khiến những kẻ săn trộm thảm sát tê giác của chúng tôi để chặt sừng bán”.
Trong những năm gần đây, do môi trường không khí, nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều thực phẩm bị nhiễm độc hoá chất… đã khiến số lượng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tăng bất thường. Nhiều bệnh nhân hoảng loạn vì không có thuốc đặc trị chứng bệnh này và tìm đến những vị thuốc được đồn thổi thành tiên dược, trong đó có sừng tê. Niềm tin mê muội này đã khiến nhu cầu sử dụng sừng tê giác tăng vọt một cách đáng sợ, đe doạ nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài này.
Chưa kể lợi bất cập hại nếu ai đó mua phải chiếc sừng tê giác đã được tiêm chất thuốc kịch độc cô đông, do các chuyên gia bảo tồn Nam Phi khoan và bơm vào thân sừng. Những chiếc sừng có thuốc độc được đánh dấu bằng sơn đỏ để cảnh báo, tuy nhiên, vì khoản lợi nhuận khổng lồ, bọn buôn lậu sừng tê ngại gì mà không cạo bỏ phần sơn đỏ này để bán kiếm lời.
Kinh nghiệm quý của Nam Phi
Dù Nam Phi vẫn đối mặt với rất nhiều áp lực xã hội nhưng họ sẵn sàng chi ra những khoản tiền khổng lồ để bảo tồn đa dạng sinh học, mà đặc biệt là bảo tồn các loài động vật quý hiếm… Ở Nam Phi, ngoài các khu bảo tồn, vườn quốc gia do nhà nước tổ chức quản lý và bảo vệ, còn có rất nhiều các khu bảo tồn tư nhân. Đây là mô hình không mới nhưng kết quả hết sức khả quan. Bất cứ cá nhân hay nhóm cá nhân nào đủ tiền đều có thể thuê một khu đất rừng nguyên sinh để bảo tồn.
Một khu bảo tồn tư nhân thường có diện tích 7.000 – 10.000ha trở lên, và các khu bảo tồn tư nhân thường liên kết với nhau để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng trên khu vực mình quản lý, cũng như tạo ra sinh cảnh đủ lớn để các loài động vật hoang dã tìm kiếm thức ăn. Việc Chính phủ Nam Phi cho phép tư nhân khai thác bảo tồn đã đem đến hiệu quả rõ rệt: khai thác được nguồn vốn tư nhân thúc đẩy bảo tồn, giảm bớt gánh nặng tài chính để tập trung vào các mục tiêu lớn của đất nước như xoá đói giàm nghèo, tái định cư cho dân các khu nhà ổ chuột… Mặt khác, mô hình này thúc đẩy ý thức toàn dân tham gia bảo vệ thiên nhiên, đồng thời tạo công ăn việc làm cho chính người bản địa để họ không khai thác tài nguyên rừng, săn bắn bừa bãi.
Các khu bảo tồn tư nhân ở Nam Phi được phép “mượn” tê giác giống thả vào khu bảo tồn của họ. Sau 5 – 10 năm, những con non được sinh ra thuộc sở hữu tư nhân. |
Riêng đối với loài tê giác, vì là tài sản quốc gia nên các khu bảo tồn tư nhân được phép “mượn” con giống để thả vào khu bảo tồn của họ. Sau 5 – 10 năm, những con non sinh ra thuộc sở hữu tư nhân và họ được toàn quyền sử dụng như bán lại cho các khu bảo tồn khác trong và ngoài nước để thu hồi vốn, còn con bố mẹ được trả về các khu bảo tồn của nhà nước để cho các khu bảo tồn khác mượn lại.
Đây là một biện pháp mở hay phải nói là rất mở, được quản lý với chế tài chặt chẽ, pháp luật nghiêm minh. Hầu hết các khu bảo tồn mà chúng tôi tới tham quan đều hợp tác chặt chẽ với người bản địa. Họ buộc phải tạo công ăn việc làm cho dân sống quanh khu vực, có cuộc sống ổn định để yên tâm dành hết tâm huyết cho công việc bảo tồn. Mặt khác, người bản địa hiểu rõ nhất về đường đi, hướng di chuyển cũng như số lượng các loài động vật hoang dã… nên khi họ làm công tác bảo vệ thì không gì tốt hơn.
TS Simon Naylor hãnh diện cho chúng tôi biết: “Chúng tôi có sáu khu bảo tồn trên khắp châu Phi và đây là một trong những khu bảo tồn tốt nhất của chúng tôi. Kể từ khi thành lập từ năm 1991 đến nay, chúng tôi mới chỉ bị bọn săn trộm bắn chết duy nhất một con tê giác. Tuy nhiên, chúng chưa kịp cắt sừng thì đã bị chúng tôi phát hiện”.
Việc thu hút đầu tư và quản lý chặt chẽ, bảo tồn tốt sẽ đem lại nguồn lợi khổng lồ. Khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu, Nam Mỹ ngày càng ưa chuộng loại hình tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu bảo tồn, với các dịch vụ bao gồm ăn nghỉ tại khách sạn năm sao giữa hoang mạc, đi xem thú ban ngày, ban đêm… Hầu hết các phòng nghỉ đều được đặt kín quanh năm và nhiều khách hàng thường xuyên quay lại các khu bảo tồn.
Trách nhiệm với tương lai
Trong quá trình tìm hiểu vùng phân bố của các khu bảo tồn ở Nam Phi, chúng tôi nhận thấy các khu bảo tồn được trải dài và rộng hàng trăm cây số vuông trên các kiểu địa hình khác nhau mà chủ yếu là rừng hoang mạc với một số vùng núi thấp. Thực vật ở đây chủ yếu là trảng cỏ, cây bụi và hầu hết các khu vực bảo tồn trước đây đều là khu vực săn bắn, nguồn sống của các bộ lạc người da đen với bản sắc văn hoá, lịch sử lâu đời. Vì lý do này mà bảo tồn đa dạng sinh học chính là gắn liền bảo tồn văn hoá bản địa với bảo tồn các loài sinh vật nơi đây. Nếu trong chuỗi mắt xích sinh học, loài tê giác bị tuyệt chủng thì sẽ dẫn đến những thảm hoạ khó lường cho nhiều loài khác, vì tất cả các loài buộc phải thay đổi để thích nghi với sự biến mất của mắt xích đã gắn kết chúng hàng triệu năm qua.
Cùng với những áp lực không nhỏ từ các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới, sự quan tâm kịp thời của Chính phủ Nam Phi đối với bảo tồn đa dạng sinh học thể hiện tầm nhìn xa và bền vững. Họ không muốn công dân Nam Phi trong tương lai phải trả giá cho sự trì trệ của họ ngày hôm nay trong việc bảo vệ một di sản lớn lao, mà biết bao thế hệ người Nam Phi trước kia đã gìn giữ rồi trao cho họ…
bài và ảnh Phùng Mỹ Trung
(*) xem từ số ra ngày 20.11.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét