Cải cách giáo dục
Tận dụng ưu thế tư nhân hoá hay hợp tác công – tư
SGTT.VN - Nỗ lực cải cách giáo dục theo định hướng mới – chủ động, thiết thực, tập trung vào nhân tố người học nhất thiết phải có sự đáp ứng phù hợp của yếu tố nhân lực, hạ tầng và dịch vụ giáo dục. Thực tế không phải quốc gia nào cũng có thể tạo thế “đối xứng” giữa nhu cầu và năng lực thực hiện, đặc biệt là những quốc gia vừa thoát nghèo, vẫn đang chân ướt chân ráo đẩy mạnh quá trình phát triển đất nước như Việt Nam.
Đừng tưởng tượng “quá xa”
Mới đây, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, thường trực ban soạn thảo đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015, cho biết mục tiêu chương trình giáo dục sắp tới là “Chuyển từ quá trình giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức sang quá trình phát triển năng lực, phẩm chất của người học”. Hiểu một cách nôm na, giáo dục phải thực tế, gần gũi, hữu dụng.
Phát triển giáo dục phải đi liền với tính công bằng của xã hội. Ảnh: Thanh Hảo |
Tuy nhiên, yếu tố “thiết thực, gần gũi, hữu dụng” dường như vẫn là bài toán nan giải cho chính sách giáo dục hiện nay khi việc cải cách giáo dục thường xuyên được đề cập và thực hiện, nhưng chất lượng và hiệu quả giáo dục chưa có những đột phá rõ nét. Nếu như thời kỳ sau giải phóng, Việt Nam chú trọng đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục “xoá mù chữ” với tốc độ nhanh chóng mặt, mang lại hiệu quả trông thấy thì trong những năm gần đây, giáo dục vẫn bước đi chậm chạp. Theo Báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu của diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố hồi tháng 9.2013, hiệu quả của giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ bảy trong số tám nước ASEAN được xếp hạng, thấp hơn cả láng giềng Campuchia. Đó là chưa kể các xìcăngđan giáo dục như tham nhũng, quay cóp, bệnh thành tích trong thời gian qua.
PGS Thống nhấn mạnh giáo dục hiện nay “cốt yếu vẫn là đổi mới chương trình”. Điều này hoàn toàn không sai khi chương trình học tại Việt Nam vẫn nặng tính lý thuyết, thậm chí là “nhồi nhét” kiến thức. Thế mới có chuyện học thầy trả lại thầy hay học chỉ để thi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc xây dựng chương trình để “học” phải đi đôi với khả năng đáp ứng của yếu tố hạ tầng trong việc “thực hành” để đưa lý thuyết đã dạy, học vào thực tế. Theo nghiên cứu của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, ban Tuyên giáo Trung ương, chiến lược giáo dục của Hoa Kỳ hiện nay là hiện đại hoá và mở rộng các trường học nhằm tăng cường chất lượng giáo dục. Còn tại Nga, phương châm của nước này là “hiện đại đất nước phải dựa vào hiện đại hoá giáo dục, đổi mới nội dung và cấu trúc giáo dục”. Trong khi đó, khi các nhà nghiên cứu tập trung xây dựng các chương trình học tiên tiến “kiểu Mỹ, kiểu Anh” thì hạ tầng giáo dục của Việt Nam chưa đảm bảo cho những “tưởng tượng” trên giấy.
Đẩy mạnh tư duy “công – tư” trong đầu tư giáo dục
“Tư nhân hoá” trong khuôn khổ, hay hợp tác công – tư sẽ là những giải pháp tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giáo dục, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục đang đổi mới. |
Việc hỗ trợ nâng cấp phát triển hạ tầng giáo dục thực tế đã được triển khai nhiều nơi, điển hình là TP.HCM với quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28.5.2011. Theo đó, mức hỗ trợ lãi suất vay vốn 100% cho ngành giáo dục sẽ được áp dụng với các dự án về xây dựng, mở rộng hệ thống các trường từ mầm non đến đại học và hệ thống dịch vụ ký túc xá. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành giáo dục, tuy nhiên hiệu quả lại chưa cao khi chỉ có khoảng 6% các dự án được hỗ trợ mức vốn vay không quá 100 tỉ đồng/dự án.
Như vậy, việc Nhà nước hỗ trợ toàn bộ việc phát triển hạ tầng giáo dục khi số lượng trường học tăng, chương trình đào tạo “kiểu mới” đòi hỏi cao về chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn là điều nên được đưa ra xem xét. Đã đến lúc Việt Nam phải mạnh dạn và thúc đẩy nhanh hơn yếu tố tư nhân vào đầu tư phát triển giáo dục.
Việc “tư nhân hoá” giáo dục tại Việt Nam gặp phải vấn đề “học phí”. Khi không được ngân sách hỗ trợ, để đảm bảo chất lượng thì học phí “tương ứng” sẽ phải cao – thách thức lớn đối với người dân khi thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Tất nhiên, giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa phải đảm bảo tính “công bằng”, nghĩa là yếu tố “tiền” không phải là tiên quyết trong việc được học của người dân. Tuy nhiên, thực tế từ sau khi mở cửa đất nước và gia nhập nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về kinh tế, đời sống người dân được cải thiện. Song song đó là nhận thức của người dân có sự thay đổi tích cực trong việc ưu tiên phát triển giáo dục. Thế nên, hệ “giáo dục chất lượng cao có học phí tương ứng” (học phí cao gấp 3 – 5 lần) đã bắt đầu nở rộ, thu hút sự tham gia của nhiều người. Như vậy, việc triển khai hệ thống giáo dục có yếu tố tư nhân tham gia đầu tư, đặc biệt tại các thành phố lớn là hoàn toàn có khả năng thực hiện.
Việc tư nhân hoá, hoặc “hợp tác công – tư” ngành giáo dục sẽ mang lại ít nhất hai lợi ích lớn cho Việt Nam, bao gồm: i) giảm gánh nặng ngân sách đầu tư hạ tầng giáo dục tại nơi dân có mức thu nhập cao; ii) chuyển dịch vốn đầu tư giáo dục về các vùng sâu, vùng xa đảm bảo sự đồng bộ trong thực hiện cải cách nội dung chương trình giáo dục. Tại Thái Lan, ngay từ cuộc cải cách giáo dục năm 1999, nước này đã nhấn mạnh các tiêu chí “khuyến khích các lực lượng xã hội, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình tham gia vào công tác giáo dục nhằm huy động các nguồn lực vào đầu tư, sử dụng các công nghệ mới cho giáo dục”.
Phát triển giáo dục phải đi liền với tính công bằng của xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà nước “một tay” hỗ trợ toàn bộ tài lực, vật lực cho một hệ thống giáo dục ngày càng đồ sộ. “Tư nhân hoá” trong khuôn khổ, hay hợp tác công – tư sẽ là những giải pháp tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giáo dục, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục đang đổi mới.
Irys Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét